Tập huấn nghiệp vụ thông tin, truyền thông tới gần 1.900 cán bộ ngành Bảo hiểm xã hội

Ngày 27/4, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn nghiệp vụ thông tin, truyền thông năm 2021 trong toàn ngành, tới 63 điểm cầu tại Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hơn 700 điểm cầu tại Bảo hiểm xã hội các quận, huyện. Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh dự và chủ trì Hội nghị.

Các chuyên gia tham dự Hội nghị gồm: Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; ông Nguyễn Thanh Lâm- Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin Truyền thông; ông Nguyễn Thành Lợi - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Người làm báo; ông Đỗ Phan Ái - Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại Hội nghị

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại Hội nghị

Đây là báo cáo viên có uy tín, là các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, thiết kế chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chuyên gia về lĩnh vực truyền thông nhằm trang bị, củng cố cho các cán bộ làm công tác truyền thông toàn ngành cả kiến thức chuyên môn về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, cũng như kiến thức về kỹ năng tuyên truyền, vận động; kỹ năng giao tiếp, cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn, báo chí…

Tham dự Hội nghị, tại điểm cầu Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố có đại diện lãnh đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố và các huyện, cùng gần 1.900 công chức, viên chức và người lao động thực hiện công tác thông tin, truyền thông trong toàn ngành.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu, trong thời gian tới, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố cần tiếp tục đổi mới toàn diện nội dung, hình thức tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo Quyết định số 1676/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền bảo hiểm xã hội, phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, vùng miền; tập trung tuyên truyền, vận động trực tiếp vào các nhóm đối tượng tiềm năng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình (tăng cường các hình thức tuyên truyền tại cơ sở đến từng nhà dân để tuyên truyền, vận động)...

Đồng thời, quyết liệt triển khai, vận động, tuyên truyền, hỗ trợ người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số tăng cường tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân quyên góp tặng sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế cho người dân có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện tham gia.

Hội nghị trực tuyến tới 63 điểm cầu tại Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và hơn 700 điểm cầu tại Bảo hiểm xã hội các quận, huyện.

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cũng yêu cầu, sau Hội nghị, đội ngũ cán bộ truyền thông các cấp phải chủ động vận dụng kiến thức, kỹ năng đã được phổ biến tại Hội nghị để tiếp tục tìm tòi sâu hơn về nghiệp vụ, đưa ra các giải pháp, cách làm hay, sáng tạo nhằm nâng cao hiệu quả chất lượng công tác truyền thông phù hợp điều kiện thực tế tại các địa phương, đảm bảo cùng toàn ngành hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, năm 2021, công tác truyền thông đã được triển khai một cách tích cực, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Đặc biệt công tác truyền thông về ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số đã được cơ quan Bảo hiểm xã hội các cấp triển khai một cách đồng bộ, nhịp nhàng.

Theo đó, nhờ sự vào cuộc chủ động, tích cực của truyền thông, tính đến ngày 25/4, đã có gần 850 tin, bài, phóng sự, chuyên mục, tọa đàm truyền thông về ứng dụng; qua đó đã có gần 4,5 triệu lượt tải, cài đặt, đăng ký sử dụng ứng dụng, với trên 3,72 triệu hồ sơ hợp lệ được duyệt, đạt 14,665% so với tổng chỉ tiêu được giao tại Kế hoạch số 818/KH-BHXH của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (mục tiêu đến ngày 31/12/2021 có 25.358.667 người cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID).

Theo đánh giá của lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, kết quả công tác truyền thông chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thời gian qua đã góp phần quan trọng vào việc định hướng dư luận xã hội, tạo sự đồng thuận và niềm tin cho người dân trong việc thực thi chính sách, pháp luật, từ đó tích cực tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhất là bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình.

B.D

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tap-huan-nghiep-vu-thong-tin-truyen-thong-toi-gan-1900-can-bo-nganh-bao-hiem-xa-hoi-121967.html