Tập huấn ở Mỹ có phải lời giải 'bài toán sau Ánh Viên là...'?

Nguyễn Thị Ánh Viên là một trường hợp đặc biệt và những gì kình ngư này làm được là kết quả của việc đầu tư sang Mỹ tập huấn dài hạn. Thế nhưng có một thực tế, không phải cứ đi Mỹ hay nước ngoài tập huấn là có thể phát triển tài năng…

Phương Trâm là một thất bại của bơi Việt Nam. Ảnh: H.A

Tiền tỉ cho “giấc mơ Mỹ”

Trao đổi mới đây, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thể thao dưới nước, đồng thời là Trưởng bộ môn bơi lội (Tổng cục TDTT) - ông Đinh Việt Hùng xác nhận: “Hiện tại, chúng ta vẫn chỉ có VĐV Nguyễn Thị Ánh Viên tập huấn dài hạn tại Mỹ. Viên đã trở lại Mỹ sau khi kết thúc thi đấu giải bơi VĐQG 2017 vừa qua”. Thêm trường hợp VĐV nào sẽ đến Mỹ tập huấn thì ông Hùng chia sẻ là rất khó trả lời. Nguyên do là “chúng tôi luôn muốn có thêm VĐV đi Mỹ tập huấn để đạt được sự phát triển hiệu quả nhất. Thế nhưng tài chính có đủ để đưa VĐV đi hay không sẽ là vấn đề quyết định cuối cùng”.

Chương trình đưa VĐV bơi lội ra nước ngoài tập luyện tại Mỹ hay quốc gia nào khác đều cần sự chung tay về tài chính giữa Tổng cục TDTT và địa phương, đơn vị quản lý VĐV. Ánh Viên đang thuộc biên chế ngành quân đội và kinh phí tập huấn tại Mỹ cho VĐV này không chỉ tới từ Tổng cục TDTT mà thể thao quân đội cũng đóng góp. Một năm, tiền dành cho Ánh Viên là trên dưới 200.000USD (hơn 4 tỉ đồng). Số tiền trên được chia đều để các bên (Tổng cục TDTT và quân đội) cùng san sẻ.

“Theo tôi được biết, các đơn vị đều phải thẩm định kế hoạch và lựa chọn chương trình phù hợp để đầu tư. Bởi vì đi Mỹ không đơn giản chỉ nói đi là đi, do kinh phí đắt đỏ, đồng thời một đơn vị, địa phương tối đa chỉ đủ sức đầu tư một VĐV được đi dài ngày chứ không thể cử vài VĐV đi” - ông Hùng cho biết.

Năm 2013, bơi lội Quảng Bình từng kết hợp với Tổng cục TDTT đưa VĐV trẻ Ngô Thị Ngọc Quỳnh đi Mỹ tập luyện cùng với Ánh Viên. Đây được xem là sự mở đường cho địa phương cùng bản thân Ngọc Quỳnh. Chỉ sau 1 năm, Quỳnh không còn tập tại Mỹ và đã trở lại Việt Nam tập, rồi VĐV này kết hợp thi đấu thêm giải quốc tế nhằm cọ xát là chính. Hoàng Quý Phước từng được Đà Nẵng gửi đi đào tạo tại Mỹ trong chương trình cùng Ánh Viên bắt đầu năm 2012. Tuy nhiên, chương trình của VĐV này đã gián đoạn và hiện tại, Phước tập ở Hungary. Kinh phí tập ở Hungary cho riêng Quý Phước trong một năm rơi vào khoảng 1,9 tỉ đồng, đó là khoản tiền không nhỏ. Lúc này, Quý Phước vẫn là ngôi sao số 1 của bơi lội Đà Nẵng và giành nhiều huy chương nhất cho địa phương này, nên đơn vị chủ quản không ngại đầu tư mạnh để Phước đảm bảo được thành tích.

Nhưng thành công hay thất bại?

Đó là điều các đơn vị đều e dè, nên phải thẩm định rất kỹ chương trình đưa VĐV bơi ra nước ngoài tập luyện trước khi phê duyệt. Sau SEA Games 29 - 2017, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục TDTT - ông Trần Đức Phấn khẳng định, ngoài Ánh Viên, VĐV trẻ Nguyễn Hữu Kim Sơn sẽ là một trong những gương mặt trẻ được xem xét đưa đi Mỹ tập huấn dài ngày. Tuy nhiên, bởi nhiều cái khó và vướng nên kế hoạch chưa thể tiến hành trong năm 2017 vì phụ thuộc kinh phí. Nhanh nhất, Kim Sơn được ra nước ngoài luyện tập cũng phải từ năm 2018.

Năm 2012, bơi Việt Nam có Ánh Viên (Quân đội), Quý Phước (Đà Nẵng) cùng Kim Tuyến (TPHCM), Thành Nguyện (Long An), Thái Nguyên (An Giang) lần đầu có mặt tại Mỹ tập huấn dài ngày. Xét về hiệu quả, sau 4 năm, Nguyễn Thị Ánh Viên là thành công nhất, trong khi Hoàng Quý Phước được phần nào, còn những VĐV khác đã không còn thi đấu.

Bơi Việt Nam có VĐV Nguyễn Diệp Phương Trâm đi vào lịch sử khi được nhận tài trợ 2 tỉ đồng/năm, kéo dài trong 9 năm, thực hiện chương trình tập huấn dài ngày tại Mỹ. Sau giai đoạn tập luyện ban đầu kéo dài nửa năm 2016 tại Mỹ, chuyên môn của Phương Trâm được đánh giá đi xuống so với khi còn ở Việt Nam. Từ đầu năm 2017 đến nay, VĐV này tập tại Việt Nam để lấy lại chuyên môn cơ bản. Phương Trâm đã hai lần thi đấu SEA Games 2015 và SEA Games 2017 nhưng không giành được huy chương nào.

“Xét về khả năng đạt thành tích, một VĐV bơi chuyên nghiệp như vậy đã không thành công. VĐV có đủ thời gian tích lũy, tập luyện nhưng chưa giành được huy chương SEA Games” - một chuyên gia bơi lội phân tích.

“Chúng tôi rất muốn giải bài toán sau Ánh Viên sẽ là ai. Hiện tại, sự đầu tư của nhiều địa phương cho bơi trẻ ngày càng tốt. Tuy nhiên, các VĐV sớm bộc lộ tài năng nhưng duy trì, phát triển được khả năng để vươn lên đỉnh cao cuối cùng mới là quan trọng. Như giải VĐQG 2017 vừa qua, tôi đánh giá VĐV Vũ Thị Phương Anh của TPHCM rất triển vọng” - ông Đinh Việt Hùng nói.

HOÀI VIỆT

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/the-thao/tap-huan-o-my-co-phai-loi-giai-bai-toan-sau-anh-vien-la-570889.ldo