'Tấp nập' đổi tiền dù chênh lệch chi phí cao

Vài năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước đều tuyên bố không phát hành tiền lẻ mệnh giá nhỏ dịp Tết. Tuy nhiên, nhu cầu đổi tiền của người dân vẫn rất cao khiến dịch vụ đổi tiền lẻ rất hút khách dù chi phí cao.

Một bài đăng quảng cáo dịch vụ đổi tiền trên mạng xã hội.

Một bài đăng quảng cáo dịch vụ đổi tiền trên mạng xã hội.

Phí đổi tiền có thể lên trên 200%

Dạo quanh các trang mạng xã hội hay các trang rao vặt, khách hàng có thể dễ dàng tìm kiếm các trang thông tin, tin quảng cáo về dịch vụ đổi tiền mệnh giá nhỏ loại 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng, 10.000 đồng với những lời chào mời công khai.

Những lời chào mới này nghe khá “ngọt tai” như: tiền thật 100%, mới nguyên 100%, nguyên cọc, liền seri, ship tận nơi… Loại tiền được đổi phổ biến nhất hiện nay là mệnh giá dưới 10.000 đồng, nhằm phục vụ cho những người có nhu cầu đi lễ chùa đầu năm.

Cùng với việc rao bán trên mạng internet, nhiều điểm giao dịch tiền nổi tiếng của Hà Nội như Hà Trung cũng “tấp nập” các dịch vụ đổi tiền. Tại đây, người dân không chỉ đổi tiền mệnh giá nhỏ mà các loại tiền mệnh giá 20.000 đồng, 50.000 đồng và 100.000 đồng cũng được nhiều người hỏi đổi để mừng tuổi trong dịp Tết.

Tại các kênh đổi tiền này, mức phí thường dao động trong khoảng 10-30%, tùy theo cửa hàng, cá nhân đăng bán và số lượng mua. Nếu khách đổi số lượng lớn và đổi sớm thì mức phí sẽ thấp hơn. Tuy nhiên, với những loại tiền lẻ khan hiếm như tiền mệnh giá 500 đồng thì phí đổi cao hơn, có thể lên tới 70%, thậm chí 100-300%.

Nguyên nhân của việc chênh lệch này là do từ mấy năm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ không phát hành tiền lẻ, tiền mệnh giá thấp loại 100 đồng, 200 đồng, 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng và 5.000 đồng vào lưu thông dịp Tết. Thay vào đó, cơ quan điều hành sẽ chủ động cung tiền mệnh giá nhỏ gồm cả tiền cũ, tiền mới đã in và phát hành vào các thời điểm trong năm, trước Tết Nguyên đán.

Chẳng hạn năm 2013, NHNN không in tiền mới mệnh giá 500 đồng, năm 2014 là tiền 1.000 - 2.000 đồng, năm 2015 là tiền 5.000 đồng và năm 2016 đến nay không cho chi ra tiền mới in còn nguyên seri mệnh giá nhỏ, dẫn đến các loại tiền này khan hiếm và phí đổi bị đẩy lên cao.

Kinh doanh có hợp pháp?

Có thể thấy, chính vì nhu cầu tiền mới mệnh giá nhỏ tăng cao nên đã phát sinh hiện tượng kinh doanh dịch vụ đổi tiền tại các khu vực đền, chùa, lễ hội cũng như trên mạng internet để hưởng chênh lệch.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mua - bán tiền là hành động phạm pháp. Nghị định 96/2014/NĐ- CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định sẽ phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng đối với hành vi thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật. Mức phạt này áp dụng cho các cá nhân vi phạm; tổ chức vi phạm bị phạt gấp 2 lần.

Nhưng dù đã có luật nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa thực sự vào cuộc quyết liệt để xử lý tình trạng này, cho đến nay, vẫn chưa có trường hợp đổi tiền lẻ bất hợp pháp bị xử phạt và được cơ quan quản lý công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Do đó, những người buôn tiền lẻ và người mua đổi tiền lẻ vẫn “hồn nhiên” hoạt động và giao dịch, thậm chí không biết đây là hành vi bất hợp pháp.

Vì thế, để có tiền lẻ một cách hợp pháp, người dân nên đến các ngân hàng thương mại tại nhiều thời điểm để đổi; hoặc khi mua bán, có tiền mới, mệnh giá nhỏ thì để dành dùng vào dịp Tết… Ví dụ như năm 2019, NHNN cho biết với tiền lẻ mệnh giá từ 10.000 đồng trở xuống, NHNN đã chỉ đạo đẩy mạnh đưa ra lưu thông từ tháng 4 - 11/2019.

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/tap-nap-doi-tien-du-chenh-lech-chi-phi-cao-119085.html