Tập trung cao nhất cho kỳ thi quốc gia

Thời điểm này, các Sở GDĐT trên toàn quốc đều đã hoàn tất việc chuẩn bị, sẵn sàng tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 (diễn ra trong các ngày 25-27/6). Đồng thời kể từ đầu tháng 6, lãnh đạo Bộ GDĐT đã liên tục tổ chức nhiều chuyến thị sát tại các địa phương nhằm kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng này.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Để hạn chế sai sót, rút kinh nghiệm từ vụ việc gian lận điểm thi THPT quốc gia năm 2018, nhiều giải pháp đổi mới công tác tổ chức thi THPT quốc gia năm 2019 đã được Bộ GDĐT đưa ra từ rất sớm.

Trước băn khoăn của dư luận về những tồn tại trong việc xử lý gian lận thi THPT quốc gia năm 2018, đại diện Bộ GDĐT khẳng định tại kỳ thi năm nay sẽ không dung túng, chấp nhận cho bất kỳ hành vi gian lận thi cử nào.

Xung quanh vấn đề khắc phục hạn chế của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, để tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, tại kỳ họp Quốc hội lần này Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh giải pháp tăng cường quán triệt quy chế và tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác coi thi, chấm thi, thanh tra thi... và công an các địa phương được giao nhiệm vụ, cũng như kỹ năng phòng chống, phát hiện các gian lận, nhất là gian lận sử dụng công nghệ cao.

Bộ sẽ điều động cán bộ, giáo viên các trường ĐH- CĐ đến các tỉnh để phối hợp tổ chức thi theo nguyên tắc trường ĐH- CĐ địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình; tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác coi thi, chấm thi, nhất là các địa bàn có khả năng xảy ra tiêu cực trong thi cử.

Theo đó, Bộ GDĐT sẽ trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì, đặt camera giám sát phòng lưu trữ đề thi/bài thi, phòng chấm thi 24/24 giờ. Quan trọng hơn, để khắc phục lỗ hổng hệ thống của năm 2018, Bộ đã sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng mã hóa dữ liệu toàn bộ dữ liệu chấm thi; “đánh phách điện tử” phiếu trả lời trắc nghiệm; tăng cường tính bảo mật, có chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ người dùng, đồng thời có thể phát hiện, truy xuất các tác động trái phép vào bài thi.

Theo các chuyên gia, để bảo đảm tính công bằng, nghiêm túc của kỳ thi THPT quốc gia, yếu tố quan trọng nhất chính là con người. Chính vì vậy, yêu cầu hàng đầu là các Sở GDĐT cần chú trọng đến vấn đề nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cán bộ trực tiếp làm công tác thi.

Trong quá trình làm việc của Đoàn kiểm tra Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2019 tại 3 tỉnh miền Trung những ngày vừa qua, các Sở GDĐT đã quán triệt tinh thần tất cả cán bộ tham gia làm phách, chấm thi phải được cách ly hoàn toàn đến khi hoàn tất chấm thi THPT quốc gia.

Lãnh đạo Bộ GDĐT cũng đặc biệt nhấn mạnh tới công tác thanh tra, trong đó vấn đề tập huấn thanh tra để lực lượng này nắm rõ quy chế, quy trình là rất quan trọng. Tất cả các khâu của kỳ thi đều phải thể hiện được vai trò của thanh tra.

Mới đây nhất (ngày 12/6), trong cuộc làm việc với tỉnh Bình Dương về công tác chuẩn bị thi THPT quốc gia, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc cũng đặc biệt lưu ý lãnh đạo tỉnh chú trọng khâu lựa chọn cán bộ trong kỳ thi, đó phải là cán bộ có phẩm chất tốt, tinh thần trách nhiệm cao tham gia kỳ thi, đặc biệt ở những vị trí trọng yếu.

Trước đó, trong tháng 5, Bộ GDĐT đã có văn bản gửi Bộ Công an về việc tham gia phối hợp, chỉ đạo trong việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, tuyển sinh ĐH- CĐ sư phạm, trung cấp sư phạm năm 2019. Trong văn bản về việc phối hợp tổ chức thi THPT quốc gia năm 2019, Bộ GDĐT đề nghị Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và Công an các tỉnh tham gia ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi tiêu cực trong kỳ thi THPT quốc gia. Đối với công tác ra đề thi, Bộ GDĐT đề nghị Bộ Công an cử cán bộ an ninh phối hợp với các bảo vệ của Bộ trực tiếp bảo vệ vòng trong khu vực làm đề thi khoảng thời gian từ cuối tháng 5/2019 đến hết ngày 27/6.

Nếu tính từ hôm nay, chỉ còn khoảng 10 ngày nữa kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ chính thức diễn ra (thí sinh làm thủ tục dự thi từ ngày 24/6). Hiện các địa phương đang dành sự tập trung cao nhất để kỳ thi diễn ra an toàn, khách quan, minh bạch và hiệu quả. Trong số những chỉ đạo của Bộ GDĐT trong quá trình thị sát, kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ thi đang tới gần, đáng lưu ý là yêu cầu các địa phương không được để thí sinh bỏ thi vì điều kiện khó khăn.

Với các tỉnh miền núi, địa hình phức tạp, nhiều trường ở xa trung tâm, giao thông không thuận tiện, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ đặc biệt chú trọng công tác hỗ trợ thí sinh đi thi được thuận lợi nhất.

Ông Độ cũng đề nghị các địa phương triển khai thực hiện tốt các kế hoạch đề ra; yêu cầu Ban Chỉ đạo thi các địa phương đặc biệt lưu ý vấn đề thời tiết khu vực miền núi bất thường, như trong năm 2018, tại Lai Châu, mưa lũ đã “xóa sổ” một điểm thi ngay trước kỳ thi. Vì vậy, các địa phương cần có dự báo và phương án dự phòng.

Vi Cầm

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/tap-trung-cao-nhat-cho-ky-thi-quoc-gia-tintuc439474