Sau Tết - Mùa tuyển dụng ồ ạt và người trẻ lại đứng giữa bờ vực của sự chọn lựa

Đây là khoảng thời gian 'vàng' của nhà tuyển dụng và cả người tìm việc, giới trẻ lại đang loay hoay giữa những sự chọn lựa: liệu có nên nhảy việc?

Lướt faceboook và các trang tuyển dụng, người ta dễ dàng tìm thấy những thông tin việc làm hấp dẫn. Như mọi năm, sau tết là thời điểm lý tưởng cho câu chuyện việc làm. Với tâm lý khởi đầu một năm mới, cả nhà tuyển dụng lẫn người tìm việc luôn muốn bắt đầu vào thời gian vàng này.

Những người đang có dấu hiệu chán ngán công việc cũ, họ không tìm thấy nguồn năng lượng, chẳng còn nhiệt huyết hay vì một vài thử thách, khó khăn. Họ bắt đầu lưỡng lự tìm kiếm cơ hội việc làm mới.

Đứng giữa ranh giới của sự chọn lựa là "căn bệnh" muôn thuở của người trẻ khi mong muốn nhảy việc nhưng lại chưa biết chính xác mình cần gì ở công việc mới. Lưỡng lự không biết nên đi hay nên ở, tìm kiếm "vận may" ở môi trường mới hay tiếp tục những chuỗi ngày mất dần năng lượng tại vị trí cũ.

Khi nào nên nhảy việc?

Nhảy việc không phải việc xấu, quan trọng nhất bạn phải biết lý do chính đáng của việc chuyển đổi này là gì. Đừng nhảy việc với tâm lý muốn trốn tránh thực tại, tạm gác qua những khó khăn trước mắt. Khi bạn còn mập mờ về mong muốn ở công việc tương lai, nhảy việc chính là sai lầm.

Nhưng nếu đã xác định rõ khả năng ở công việc sắp tới, cơ hội thăng tiến cũng như những ưu điểm rõ ràng so với công việc cũ, bạn cứ tự tin nắm bắt cơ hội trong mùa tuyển dụng vàng này.

"Tuổi thọ" cho một công việc là bao lâu?

Chẳng có "hạn sử dụng" nào cho một công việc, đó là chuỗi ngày bạn nỗ lực, thực hiện thử thách và được đền đáp xứng đáng. Đó cũng chính là 3 yếu tố cần thiết của mỗi công việc. Người Nhật luôn cảm thấy hạnh phúc khi được làm việc, họ chen chúc trên chuyến xe điện chật cứng mỗi buổi sáng, làm việc tại văn phòng cho đến tận khuya, vì với văn hóa đất nước này, người trẻ cần luôn xông pha, luôn cố gắng, để là những người tiên phong đi đầu. Đó là bước đầu tiên, nỗ lực hết mình.

Thử thách chính là bước thứ 2, không tìm thấy điều gì mới mẻ ở công việc hiện tại. Mỗi ngày đến chỗ làm, giải quyết cùng 1 vấn đề, lặp đi lặp lại. Đó là lý do để người ta chán ngán và mất dần năng lượng. Một công việc có tuổi thọ lâu bền là luôn đưa ra những thử thách mới mẻ, để người ta có thể làm, có thể trải nghiệm và học hỏi.

Cuối cùng, chính là sự trả công xứng đáng cho mỗi công việc. Đừng cảm thấy không hài lòng về mức lương rồi quyết định nhảy việc, hãy thử tìm hiểu so với mặt bằng chung của thị trường, mình đã được trả công xứng đáng hay chưa.

Đừng "ảo tưởng"

Thấy không thuận lợi nên vội vàng từ bỏ, công việc nào cũng có ưu và khuyết điểm. Nếu bạn phải nhảy việc nhiều hơn 2 lần vì cùng một vấn đề, đó là do bạn, không phải do công việc. Đừng quá kỳ vọng thị trường sẽ thay đổi vì bạn, bạn nên tập thích nghi để phù hợp với thị trường.

Hãy lường trước những tình huống có thể xảy ra: bạn có thể bị sa thải, bạn có thể không đáp ứng được yêu cầu công việc, đồng nghiệp không hợp tác,... Cân nhắc và thông minh hơn trong mỗi sự lựa chọn.

Đừng ra đi mang theo nỗi lo lắng về công việc mới, hãy chứng minh giá trị bản thân mình với nhà tuyển dụng rồi hãy nghĩ đến lương. Bạn có thể giải quyết được bao nhiêu vấn đề, bạn sẽ nhận được mức lương thưởng tương xứng.

'Nhảy việc' - Hãy một lần thành thật với lương tâm!

Anna

Nguồn Thế Giới Trẻ: http://thegioitre.vn/tin-tuc/xa-hoi/sau-tet-mua-tuyen-dung-o-at-va-nguoi-tre-lai-dung-giua-bo-vuc-cua-su-chon-lua-44448.html