Tập trung chỉ đạo tổng kết 20 năm thi hành Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng

Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia (BGQG), ngày 28-3-1997, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa IX đã thông qua Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP), tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức điều hành, quản lý Nhà nước về nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh BGQG; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Tuy nhiên, sau 20 năm thi hành, trước những thay đổi của thực tiễn, Pháp lệnh BĐBP đã bộc lộ một số bất cập, cần phải được tổng kết, đánh giá, làm cơ sở cho việc xây dựng một hành lang pháp lý đầy đủ cho sự nghiệp xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG trong thời kỳ hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa.

Bảo đảm thiết thực, chất lượng, hiệu quả

Qua 20 năm thi hành Pháp lệnh BĐBP trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, đất nước có nhiều khó khăn, các thế lực thù địch chống phá quyết liệt, song với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, quá trình thi hành pháp lệnh cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập như: Chưa thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; một số quy định của pháp lệnh còn bất cập, chưa thống nhất, phù hợp với Hiến pháp năm 2013, Luật Biên giới quốc gia năm 2003, Luật An ninh quốc gia năm 2004, Luật Dân quân tự vệ năm 2009, Luật Biển Việt Nam năm 2012, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014... Trước thực tế này, ngày 10-5-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về việc tổng kết 20 năm thi hành Pháp lệnh BĐBP, trong đó giao cho Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có biên giới giúp Thủ tướng chỉ đạo tổng kết thi hành pháp lệnh, xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, tổ chức tổng kết, tổng hợp các kiến nghị, đề xuất và giải pháp, bảo đảm thiết thực, chất lượng, hiệu quả.

Việc tổng kết 20 năm thi hành Pháp lệnh BĐBP có ý nghĩa rất quan trọng vì qua đó sẽ đánh giá được những kết quả và khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành pháp lệnh, trên cơ sở đó, kiến nghị Chính phủ, Quốc hội xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về BGQG, xây dựng BĐBP, tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho sự nghiệp xây dựng, quản lý và bảo vệ BGQG, nhất là việc xây dựng dự án Luật Biên phòng Việt Nam nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng về chiến lược bảo vệ Tổ quốc nói chung, chiến lược bảo vệ BGQG nói riêng, đồng thời rút ra bài học kinh nghiệm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thi hành Pháp lệnh BĐBP và văn bản hướng dẫn thi hành, kiến nghị, đề xuất các chủ trương, giải pháp xây dựng lực lượng BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, biển, đảo, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ BGQG trong tình hình mới. Quá trình tổng kết phải thực hiện một khối lượng công việc rất lớn, do đó, các bộ, ngành, địa phương nơi có BGQG (UBND tỉnh, thành phố biên giới) cần dành thời gian tập trung cho công tác này một cách thỏa đáng, nhất là với các đề xuất, kiến nghị đối với Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng về các nhiệm vụ đặt ra với mục đích nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác quản lý, bảo vệ BGQG của BĐBP trong thời gian tới; khẳng định vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi hoạt động của BĐBP trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh BGQG; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành.

Đạt chất lượng cao về mặt lý luận và thực tiễn

Để bảo đảm tiến độ và chất lượng của công tác tổng kết 20 năm thi hành Pháp lệnh BĐBP, Ban cán sự đảng các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm chỉ đạo các cơ quan thuộc quyền khẩn trương tổ chức các hoạt động cần thiết để phục vụ cho việc tổng kết theo tiêu chí đạt chất lượng cao về mặt lý luận và thực tiễn, làm cơ sở cho những đề xuất, kiến nghị đối với Đảng và Nhà nước, cụ thể: Cần rà soát, đánh giá việc thực hiện các quy định của pháp lệnh liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của bộ, ngành, địa phương, tổ chức hội nghị, hội thảo và các công việc có liên quan đến hoạt động tổng kết, công tác khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 20 năm thi hành pháp lệnh. Quá trình chuẩn bị và tiến hành tổng kết phải toàn diện, chặt chẽ, có chiều sâu, nội dung tổng kết phản ánh đúng tình hình thực tế, khách quan, có số liệu chứng minh cụ thể; trong đó phát huy vai trò chủ trì của BĐBP, phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu cho Bộ Quốc phòng, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có biên giới trong tổng kết pháp lệnh.

Nội dung báo cáo cần tập trung đánh giá những kết quả đã đạt được, những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành các quy định của pháp lệnh liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, ngành, địa phương; trong đó nhấn mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện pháp lệnh và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành; nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi trách nhiệm của các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố biên giới và BĐBP trong thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về BGQG, xây dựng BĐBP; quan hệ phối hợp giữa BĐBP với các cơ quan, lực lượng chức năng trong khu vực biên giới, khu vực phòng thủ tỉnh, huyện biên giới, duy trì thực hiện quy chế biên giới, cửa khẩu, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới theo quy định của pháp luật; công tác quản lý, sử dụng nguồn ngân sách bảo đảm cho xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG và xây dựng BĐBP. Nội dung báo cáo cần đi sâu làm rõ hoạt động hợp tác quốc tế, đối ngoại biên phòng, mối quan hệ giữa BĐBP với chính quyền địa phương nơi có biên giới, lực lượng bảo vệ biên giới nước láng giềng trong thực hiện các điều ước quốc tế về quản lý biên giới, cửa khẩu, hợp tác trong quản lý, bảo vệ BGQG, phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật. Báo cáo cũng cần tập trung phân tích về mối quan hệ, thống nhất giữa pháp lệnh với Hiến pháp, các văn bản pháp luật liên quan hiện hành…

Thông qua tổng kết cần làm rõ các nội dung kiến nghị, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về BGQG, xây dựng BĐBP với vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, BGQG, bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, vùng biển, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ của BĐBP trong tình hình mới; các biện pháp tổ chức quản lý, bảo vệ BGQG, hợp tác quốc tế, hoạt động đối ngoại biên phòng; các nội dung kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm thống nhất với Hiến pháp, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên...

Coi trọng công tác tuyên truyền

Theo Kế hoạch tổng kết 20 năm thi hành Pháp lệnh BĐBP do Bộ Quốc phòng ban hành, Hội nghị toàn quốc tổng kết pháp lệnh dự kiến được tổ chức vào cuối quý IV năm 2018. Từ nay đến thời điểm đó không còn dài. Do vậy, việc tổng kết 20 năm thi hành Pháp lệnh BĐBP tại các bộ, ngành, địa phương cần được triển khai khẩn trương nhưng phải bảo đảm chất lượng, tránh hình thức, hời hợt, với sự kiểm tra, giám sát nghiêm túc, chặt chẽ từ Ban chỉ đạo tổng kết pháp lệnh. Trong quá trình tổng kết cần sự tham gia tích cực của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, cung cấp thông tin chính xác, đúng định hướng, mục đích về việc tổng kết thi hành pháp lệnh cho các cơ quan thông tin đại chúng. Các bộ, ngành, địa phương cần đề nghị các cơ quan báo, đài ở Trung ương và địa phương phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan đẩy mạnh công tác thông tin việc tổng kết thi hành pháp lệnh. Nội dung, chương trình thông tin cần bám sát kế hoạch tổng kết của Bộ Quốc phòng, đồng thời tăng thời lượng, nội dung tuyên truyền, phổ biến để mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân hiểu rõ ý nghĩa của việc tổng kết 20 năm thi hành Pháp lệnh BĐBP, phản ánh kịp thời các ý kiến đóng góp và những sáng kiến, đề xuất trong việc tổng kết thi hành pháp lệnh.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương cần tiếp tục tăng cường trách nhiệm trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh BGQG, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc ở khu vực biên giới, vùng biển, kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, giữa xây dựng hệ thống chính trị với nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân ở khu vực biên giới, vùng biển. Cần tiếp tục đổi mới nội dung biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về BGQG nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia trên biên giới, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, coi trọng công tác hướng dẫn, kiểm tra, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm trong thực hiện các văn bản pháp luật về BGQG, xây dựng BĐBP, có các hình thức khen thưởng kịp thời đối với tập thể, cá nhân lập thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG. Các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương cũng cần nghiên cứu, có các đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước, quân đội thể chế hóa các chế độ, chính sách đối với BĐBP; sớm hoàn thành Chiến lược bảo vệ BGQG đến năm 2025, tầm nhìn 2035, nghiên cứu xây dựng BĐBP là một quân chủng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; ưu tiên xây dựng một số ngành tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo vệ BGQG trong thời kỳ hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa.

Trung tướng, PGS, TS HOÀNG XUÂN CHIẾN (*)

(*) Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo tổng kết 20 năm thi hành Pháp lệnh BĐBP.

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/tap-trung-chi-dao-tong-ket-20-nam-thi-hanh-phap-lenh-bo-doi-bien-phong-546083