Tập trung đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải

Nhằm tháo gỡ những khó khăn trong lĩnh vực xây dựng, đầu tư các nhà máy xử lý nước thải, thành phố Hà Nội đang tích cực nghiên cứu các cơ chế phù hợp nhằm thúc đẩy việc đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng hơn 5.700 km cống rãnh; hơn 250 km mương, sông, kênh; hơn 40.000 ga thu; hơn 110 ga thăm các loại; 125 hồ điều hòa; 10 trạm bơm thoát nước mưa chính…

Hà Nội cũng đang vận hành 6 nhà máy xử lý nước thải, gồm: Kim Liên (công suất 3.700 m3/ngày đêm), Trúc Bạch (công suất 2.300 m3/ngày đêm), Bảy Mẫu (công suất 13.300 m3/ngày đêm), Yên Sở (công suất 200.000 m3/ngày đêm), Bắc Thăng Long - Vân Trì (42.000 m3/ngày đêm), Hồ Tây (15.000 m3/ngày đêm).

Công nhân công ty Thoát nước Hà Nội nạo vét bùn trên sông Tô Lịch.

Công nhân công ty Thoát nước Hà Nội nạo vét bùn trên sông Tô Lịch.

Tuy nhiên, các nhà máy xử lý nước thải này chỉ xử lý được 22% số lượng nước thải ra hằng ngày, còn tới 78% vẫn đang được xả thẳng ra môi trường. Thống kê cho thấy, nước thải của Hà Nội chủ yếu được thải vào một số sông - hồ chính như: Hồ Tây, Hồ Bảy Mẫu, sông Tô lịch... bốc mùi hôi thối và rất khó chịu ảnh hưởng đến sinh hoạt của những người dân sống xung quanh hồ và dọc theo các con sông, số còn lại ngấm xuống các mạch nước ngầm làm ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước sinh hoạt tại một số nơi trên địa bàn.

Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh, những năm qua thành phố đã rất quan tâm đến việc giải quyết ô nhiễm môi trường các con sông thông qua các dự án như: Cụm công trình đầu mối Yên Nghĩa, Liêm Mạc nhằm bổ cập nước vào mùa khô để hạn chế ô nhiễm; xây dựng hệ thống thu gom nước thải sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu cùng với đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải như Phú Đô, Tây Hồ…

Tuy nhiên, do các dự án đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, nguồn lực của Thành phố còn hạn hẹp, thiếu hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, do vậy việc triển khai các dự án còn chậm…Bên cạnh đó, việc thực hiện Quy hoạch thoát nước thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 còn nhiều khó khăn.

Cụm công trình trạm bơm Yên Sở nắm vai trò quan trọng trong thoát nước, xử lý nước thải của thành phố Hà Nội.

Thực tế, vừa qua việc làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ đã có một số chuyển biến được xem là tích cực nhưng vẫn có nhiều ý kiến cho rằng, làm sao có thể làm sạch sông khi mà dọc 14km sông Tô Lịch là hơn 300 ống cống xả liên tục 150.000m3 nước thải/ngày đêm? Việc biến một dòng sông thành nơi xử lý ô nhiễm nước thải cũng là điều mà nhiều người băn khoăn.

Được biết, để tháo gỡ một phần khó khăn trong lĩnh vực này, Sở Xây dựng Hà Nội đã phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, xây dựng cơ chế tài chính cho đầu tư xây dựng hệ thống thu gom xử lý nước thải và quản lý vận hành các trạm xử lý nước thải tại tất các cụm công nghiệp trên địa bàn. Đến nay, tỷ lệ cụm công nghiệp có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn là 100% với cụm công nghiệp mới và 60,5% đối với cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động (kế hoạch 2019 là 100%).

Hiện lượng nước thải sinh hoạt chiếm khoảng 350.000 – 400.000m3 mỗi ngày và hơn 1.000m3 rác mỗi ngày , trong đó chỉ có 10% được xử lý, số còn lại đều không qua xử lý mà đổ thẳng vào các ao hồ, sông ngòi. Hiện chỉ có 5/31 bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải; 36/400 cơ sở sản xuất có hệ thống xử lý nước thải. Tỷ lệ cụm công nghiệp có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn là 100% với cụm công nghiệp mới và 60,5% đối với cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động

Tuấn Dũng

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tap-trung-dau-tu-xay-dung-nha-may-xu-ly-nuoc-thai-97831.html