Tập trung giám sát sản lượng qua cảng

Để chuẩn bị tiếp đón Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) về gỡ thẻ vàng IUU, các địa phương cần tập trung giám sát sản lượng thủy sản qua cảng, công tác thực thi pháp luật, bố trí đầy đủ nhân lực để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra...

Vi phạm IUU vẫn phức tạp

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cấp bách chống khai thác IUU và chuẩn bị kế hoạch tiếp đoàn thanh tra EC lần thứ 4 tại Việt Nam ngày 21.4, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Quang Hùng nhận định: Thời gian qua, Việt Nam được EC đánh giá có nhiều nỗ lực trong gỡ thẻ vàng IUU. Tuy nhiên, trên thực tế, vi phạm IUU vẫn rất phức tạp. Nguyên nhân do nhận thức về khai thác IUU còn hạn chế, hành động chống khai thác IUU chưa thống nhất, đồng bộ. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực lẫn tài chính đều hạn chế; cơ sở hạ tầng phục vụ quản lý yếu kém…

Phái đoàn thanh tra của EC sẽ sang Việt Nam từ 25.5 - 31.5.2023. Nguồn: ITN

Phái đoàn thanh tra của EC sẽ sang Việt Nam từ 25.5 - 31.5.2023. Nguồn: ITN

Đến ngày 17.4, Việt Nam vẫn có 16 tàu cá vi phạm tại vùng biển nước ngoài (Bình Định 3 tàu; Khánh Hòa 1; Bình Thuận 1; Kiên Giang 5 tàu và 6 tàu chưa xác định). Thực hiện quy định về đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản, đánh dấu tàu cá, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) chưa đạt 100%; tình trạng mất kết nối VMS diễn ra thường xuyên. Kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản khai thác qua cảng thực hiện chưa đồng đều giữa các địa phương. Bên cạnh đó, hiện vẫn chưa xác minh đầy đủ thông tin tàu khai thác chuyển tải cho tàu vào Việt Nam, chưa có giải pháp kiểm soát nguồn gốc thủy sản nhập khẩu bằng container…

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Định cho biết, đã chỉ đạo rất quyết liệt chống khai thác IUU nhưng tình trạng tàu cá bị bắt giữ chưa chấm dứt hẳn. Đến nay, tỉnh vẫn có 3 tàu cá với 16 thuyền viên bị Malaysia bắt giữ. Ngoài những nguyên nhân khách quan, còn tình trạng chủ tàu hoặc thuyền trưởng được thuê mướn đã cố ý đưa tàu cá đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Trong số 2/3 tàu cá vi phạm, nhiều năm liền chủ tàu không đưa tàu cá về địa phương, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý hoạt động tàu cá.

Tại Phú Yên, từ năm 2019 đến nay không có tàu cá nào vi phạm khai thác thủy sản vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý. Tuy nhiên, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, do đặc thù bờ biển dài, nhiều bến bãi, cửa sông, cửa lạch nên công tác tuần tra, kiểm soát phương tiện xuất, nhập bến đối với nhóm tàu cá từ 6m đến dưới 15m còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, lực lượng kiểm ngư tỉnh chưa được thành lập nên việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản còn hạn chế...

Hoàn thành cập nhật trước ngày 20.5

Cách đây 3 ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký công điện yêu cầu 28 tỉnh, thành phố có biển chủ động, quyết liệt trong hành động để hoàn thành việc khắc phục tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của EC; chuẩn bị chu đáo nội dung và điều kiện để làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 4 (từ 25.5 - 31.5.2023). Thủ tướng yêu cầu kiên quyết ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Bộ Công an chỉ đạo điều tra, củng cố hồ sơ, đưa ra truy tố các tổ chức, cá nhân có hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Các địa phương ven biển xác minh, xử phạt nghiêm trường hợp vi phạm theo quy định và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để răn đe, giáo dục.

Để triển khai chỉ đạo của Thủ tướng, lãnh đạo Tổng cục Thủy sản cho biết, giải pháp trọng tâm là phải chấm dứt tình trạnh tàu cá vi phạm ở vùng biển nước ngoài. Bên cạnh đó, khẩn trương rà soát, thống kê toàn bộ số lượng tàu cá của địa phương; hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt VMS theo quy định và bảo đảm hoạt động 24/24; lập danh sách các tàu cá không tham gia khai thác thủy sản và các tàu có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU để theo dõi, quản lý. Đồng thời, kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến tại đồn/trạm biên phòng tuyến biển; xây dựng quy chế phối hợp giữa các địa phương để kiểm soát 100% tàu cá.

Về xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, phải bảo đảm 100% hồ sơ các lô hàng xuất khẩu sang EU và các thị trường khác có yêu cầu truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu. Rà soát các điểm tàu cá cập bến bốc dỡ thủy sản khai thác (bến cá, cảng cá…); tổ chức giám sát 100% sản lượng thủy sản khai thác được bốc dỡ tại địa phương. Cơ quan quản lý cũng sẽ tiếp tục mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử phạt nghiêm 100% hành vi khai thác IUU theo quy định; điều tra, xử lý 100% vụ việc tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ. “Tất cả sẽ được hoàn thành cập nhật trước ngày 20.5”, ông Hùng thông tin.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến yêu cầu các địa phương cần tập trung vào 6 nội dung trọng tâm chống khai thác IUU là truyền thông, văn bản quy phạm pháp luật, quản lý đội tàu và giám sát đội tàu, truy xuất nguồn gốc, xử lý vi phạm hành chính và hợp tác quốc tế.

Ông Tiến lưu ý, để đón đoàn kiểm tra của EC, các địa phương cần tập trung giám sát sản lượng qua cảng, công tác thực thi pháp luật cũng như tăng cường giám sát các doanh nghiệp có sản phẩm xuất sang thị trường EU, bố trí đầy đủ nguồn nhân lực để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra.

Lam Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/tap-trung-giam-sat-san-luong-qua-cang-i325440/