Tập trung giảm thiểu ùn tắc tại các điểm nóng

Công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn TPHCM vào những tháng cuối năm 2017 có gì đáng chú ý? Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM về vấn đề này.

Phương tiện giao thông qua khu vực cầu Chánh Hưng, quận 8, TPHCM Ảnh: CAO THĂNG

Còn diễn biến phức tạp

PHÓNG VIÊN: Trước hết, ông có thể nói gì về công tác đảm bảo ATGT trên địa bàn thành phố trong 9 tháng đầu năm nay?

Ông VÕ KHÁNH HƯNG: Về tình hình tai nạn giao thông, tính đến ngày 15-8 qua, toàn địa bàn thành phố đã xảy ra 2.490 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 464 người chết và 1.957 người khác bị thương; so với cùng kỳ năm trước giảm được cả 3 tiêu chí. Cụ thể, giảm 59 vụ tai nạn giao thông, tương đương mức giảm 2,31%; giảm 67 người chết, tương ứng mức giảm 12,62% và giảm 107 người bị thương, tương đương mức giảm 5,18%.

Trong khi đó, tình hình ùn tắc giao thông vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, diễn ra vào giờ cao điểm trên nhiều tuyến đường hướng tâm của thành phố, trục đường ra vào các cảng hàng không và cảng biển. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới điều này như: số lượng người và phương tiện tham gia giao thông tập trung quá lớn vào các giờ cao điểm; diện tích mặt đường bị thu hẹp do các công trình cải tạo xây dựng hạ tầng giao thông, công trình thoát nước; sau những cơn mưa lớn…

Đâu là giải pháp trọng tâm của Sở GTVT để đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn thành phố trong 3 tháng cuối năm 2017?

Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy nhanh triển khai các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT, bao gồm kế hoạch thực hiện chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch thực hiện các giải pháp giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông trong năm 2017. Trong những tháng còn lại của năm nay, chúng tôi tiếp tục tập trung nghiên cứu tổ chức lại giao thông tại các vị trí, khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Xem trọng công tác phối hợp với các lực lượng chức năng để chủ động điều tiết giao thông, ngăn ngừa, hạn chế ùn tắc giao thông tại các điểm có nguy cơ ùn tắc cao. Chúng tôi cũng đặc biệt triển khai kế hoạch giảm ùn tắc giao thông tại 2 điểm nóng là khu vực cảng Cát Lái và sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Ông có thể nói cụ thể hơn những giải pháp triển khai tại khu vực cảng Cát Lái?

Tại điểm nóng cảng Cát Lái, chúng tôi tiếp tục xử lý nghiêm tình trạng dồn tải và lưu thông quá tải trọng cho phép quanh khu vực này, đặc biệt trên đường Lê Phụng Hiểu và Vành đai 2. Sở sẽ bố trí các tổ thanh tra GTVT tuần tra 24/24 giờ trên các tuyến đường ra vào cảng. Giải pháp khác là bổ sung hệ thống camera quanh khu vực này để giám sát từ xa tình hình giao thông nhằm kịp thời phát hiện các nguy cơ ùn tắc để thông báo cho lực lượng cảnh sát giao thông can thiệp. Một giải pháp nữa là đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, chẳng hạn như cải tạo và tổ chức giao thông để xe trên 3,5 tấn lưu thông từ đường Vành đai 2 ra xa lộ Hà Nội qua Khu Công nghệ cao và ngược lại; hoặc dự án mở rộng mặt đường Võ Chí Công, hướng từ cầu Phú Mỹ đến nút giao thông Mỹ Thủy để tăng khả năng thông hành trên tuyến đường ra vào cảng.

Còn tại điểm nóng khu vực sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất thì sao, thưa ông?

Đối với điểm nóng, phức tạp như khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, hàng loạt biện pháp đã, đang và sẽ được thực thi. Đó là triển khai phương án hạn chế các loại ô tô vận tải hàng hóa lưu thông vào ban ngày tại một số tuyến đường nhằm kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông quanh khu vực này. Kiểm soát chặt công tác cấp phép cho các phương tiện vận tải lưu thông trong nội thành; hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp xe tải, xe container, xe máy chuyên dùng lưu thông vào nội đô thành phố trong các khung giờ cao điểm. Tiếp tục đầu tư các tiện ích cho người bộ hành như cầu bộ hành, điểm dừng chờ đèn tín hiệu giao thông… Triển khai các giải pháp chấn chỉnh tình hình đậu xe tại khu vực trung tâm thành phố như lắp đặt hệ thống thu phí đậu xe theo thời gian, rà soát sắp xếp vị trí đậu xe dưới lòng đường… Tăng cường hệ thống camera giám sát giao thông từ xa quanh khu vực.

Tiếp tục tổ chức lại giao thông

Xin ông cho biết, đã có chuyển biến gì tại 37 điểm được xác định là những vị trí có nguy cơ ùn tắc giao thông cao?

Sở GTVT xác định có 37 điểm ùn tắc giao thông cao trên địa bàn TP. Nhưng nếu căn cứ theo tiêu chí đánh giá ùn tắc giao thông và văn bản số 2015/CATP-PC67 ngày 24-8-2017 của Công an TPHCM, thì có 5 điểm được Công an TPHCM đề nghị đưa ra khỏi danh sách này. Theo số liệu giám sát từ Cổng Thông tin giao thông, từ ngày 15-7 đến 15-8, ghi nhận có 19/37 vị trí xảy ra tình trạng ùn ứ giao thông, giảm 3 vị trí so với tháng 6-2017. Trong các điểm nóng này, có 24 điểm ghi nhận tình hình chuyển biến tốt, 6 điểm ít chuyển biến và 6 điểm tình hình giao thông vẫn còn phức tạp. Sở GTVT sẽ tiếp tục theo dõi điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu giao thông cũng như phối hợp với lực lượng cảnh sát điều tiết giao thông cho phù hợp tình hình phát sinh thực tế.

Việc sắp xếp, tổ chức lại giao thông trên địa bàn thành phố trong thời gian tới sẽ tập trung vào những tuyến đường nào?

Sở GTVT tiếp tục thực hiện tổ chức lại giao thông, phân luồng tại nhiều vị trí trong thời gian tới. Chẳng hạn như chúng tôi dự kiến thực hiện nghiên cứu tổ chức giao thông khu vực cửa ngõ Cộng Hòa - Trường Chinh - Hoàng Văn Thụ gắn với các dự án kết nối Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và phục vụ thi công tuyến metro số 2. Nằm trong danh sách nghiên cứu tổ chức phân luồng lại giao thông là các tuyến đường Phan Văn Trị - Lê Quang Định; nút giao thông Hàng Xanh; giao lộ Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh - Lê Văn Lương và đường Nguyễn Hữu Thọ, đoạn từ đường 15 đến cầu Kênh Tẻ; giao lộ Chánh Hưng - Hưng Phú; tổ chức cho xe 2 bánh lưu thông vào đoạn 4km đường dẫn cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây…

Xin cảm ơn ông!

THIỆN NHÂN (thực hiện)

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tap-trung-giam-thieu-un-tac-tai-cac-diem-nong-472673.html