Tập trung hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2018

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, đến ngày 20-11, ngành BHXH đã triển khai thực hiện 64 nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; trong đó, có 33 nhiệm vụ đã hoàn thành; 31 nhiệm vụ trong hạn và không có nhiệm vụ quá hạn. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, toàn ngành tập trung quyết liệt hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2018 để tạo tiền đề cho năm 2019 và những năm tiếp theo.

Hội nghị trực tuyến triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm cuối năm 2018 của ngành BHXH. Ảnh: PHẠM CHÍNH

Nhiều kết quả tích cực

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm cuối năm 2018, do BHXH Việt Nam tổ chức ngày 22-11 vừa qua, Chánh Văn phòng BHXH Việt Nam Chu Mạnh Sinh cho biết, theo thống kê, đến tháng 11-2018, tổng số người tham gia BHXH là 14,56 triệu người (trong đó, BHXH bắt buộc 14,31 triệu người, đạt 97,7% kế hoạch năm và 254 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 76,6% kế hoạch năm); BH thất nghiệp: 12,24 triệu người, đạt 95,2% kế hoạch năm; đã có 82,38 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), đạt tỷ lệ bao phủ 87,7% dân số. Tổng số thu toàn ngành là 294.221 tỷ đồng, đạt 89,2% kế hoạch năm; tăng 15% so cùng kỳ năm 2017. Tổng số nợ BHXH bằng 3,2% kế hoạch giao thu năm 2018.

Số người được cấp sổ BHXH là 14,47 triệu người, đạt 99,35% so với số người tham gia BHXH. Số người được cấp thẻ BHYT là 82,36 triệu; trong đó, số người được cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH là 79,37 triệu người, đạt 98,5% tổng số người tham gia có mã số BHXH. Tính đến ngày 20-11, cả nước đã rà soát, bàn giao được 13.128.858 sổ BHXH cho người lao động đang tham gia, đạt 99,66% trên tổng số lao động đang tham gia BHXH.

Đồng thời, trong 11 tháng đầu năm, ngành đã giải quyết 112.782 hồ sơ cho đối tượng hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng; tại thời điểm tháng 11, có khoảng 3,1 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng. Giải quyết 743.418 lượt người hưởng trợ cấp một lần; 7.024.189 lượt người hưởng chế độ ốm đau; 1.699.613 lượt người hưởng chế độ thai sản; 318.675 lượt người hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Phối hợp với ngành lao động - thương binh và xã hội giải quyết cho 710.380 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp; 35.032 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề.

11 tháng đầu năm, giải quyết 161,14 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT, tăng 4% so cùng kỳ năm 2017.

Để giải quyết khối lượng công việc trên, toàn ngành đã chi trả tổng cộng 278.505 tỷ đồng. Trong đó: chi BHXH từ nguồn ngân sách 41.562 tỷ đồng; chi BHXH từ quỹ BHXH 139.729 tỷ đồng; chi quỹ BH thất nghiệp 8.277 tỷ đồng; chi khám, chữa bệnh (KCB) BHYT 88.781 tỷ đồng...

Tính đến thời điểm này, BHXH Việt Nam đã hoàn thành 33 nhiệm vụ trong tổng số 64 nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; 31 nhiệm vụ trong hạn và không có nhiệm vụ quá hạn. Đồng thời, năm 2018, BHXH Việt Nam tham gia, góp ý nhiều dự thảo văn bản quan trọng liên quan lĩnh vực BHXH, BHYT; kịp thời phối hợp các bộ, ngành liên quan triển khai các văn bản quy định, hướng dẫn mới của Chính phủ.

Tập trung triển khai nhiệm vụ trọng tâm

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc. Trong đó, tỷ lệ bao phủ BHXH còn thấp so với tiềm năng, nhất là BHXH tự nguyện; tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH, đóng không đủ số lượng và mức đóng của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn phổ biến. Một số địa phương vẫn chậm chuyển số tiền đóng và hỗ trợ đóng BHYT từ nguồn ngân sách cho các đối tượng tham gia BHYT. Tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm còn xảy ra ở nhiều địa phương; việc triển khai thực hiện công tác giám định trên hệ thống thông tin giám định BHYT tại một số tỉnh chưa đạt yêu cầu đề ra; tình trạng lợi dụng chính sách thông tuyến để đi KCB nhiều lần tại nhiều cơ sở KCB nhằm trục lợi quỹ BHYT..., vẫn còn phổ biến. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động có chiều hướng tăng, việc xử lý nợ đọng BHXH, BHYT kéo dài đối với các doanh nghiệp, phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn... vẫn chưa có quy định, hướng dẫn giải quyết của pháp luật.

Tại hội nghị nêu trên, lãnh đạo BHXH các tỉnh, thành phố đã trao đổi, thảo luận về những kết quả đạt được cũng như những khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong thực hiện công tác BHXH, BHYT trên địa bàn để từ đó đưa ra các giải pháp nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, trong hai tháng cuối năm, nhiệm vụ thu, giảm nợ và phát triển đối tượng còn rất nặng nề, khi Chính phủ vừa điều chỉnh chỉ tiêu thu của ngành thêm 3.500 tỷ đồng. Vì vậy, đề nghị các địa phương tập trung vào các giải pháp phát huy chức năng thanh tra chuyên ngành của BHXH, trong đó tập trung vào thanh tra đột xuất, tập trung rà soát, nhằm tránh tình trạng để nợ đọng kéo dài. Với bài toán phát triển đối tượng, các địa phương phải khai thác tốt nguồn dữ liệu từ cơ quan thuế để thu đúng, thu đủ. Đặc biệt, trong phát triển BHXH tự nguyện, việc phối hợp các ban, ngành ở địa phương tổ chức các hội nghị khách hàng là hiệu quả nhất; cần mở rộng đại lý thu…

Đối với lĩnh vực BHYT, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn đề nghị BHXH các tỉnh, các đơn vị nghiệp vụ tập trung xử lý một số nhóm nhiệm vụ trong thực hiện chính sách BHYT; cần chú ý một số văn bản sắp có hiệu lực thi hành như Nghị định 146/2018/NĐ-CP và Thông tư 30/2018/TT-BYT của Bộ Y tế. Giám đốc BHXH các tỉnh cần nhanh chóng phối hợp sở y tế nghiên cứu, chỉ đạo thực hiện hai văn bản này vì tác động đến phát triển đối tượng, quyền lợi mức hưởng, thanh quyết toán chi phí KCB BHYT. Đồng thời, đặc biệt lưu ý trong đôn đốc, yêu cầu các bệnh viện đẩy dữ liệu KCB BHYT kịp thời lên hệ thống thông tin giám định BHYT của ngành để phục vụ việc giám định điện tử và thanh quyết toán. Nhanh chóng thay đổi mô hình tổ chức giám định mới theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam; tăng cường thực hiện giám định theo chuyên đề; quan tâm đến việc đấu thầu thuốc và vật tư y tế...

HOÀNG MINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/38362402-tap-trung-hoan-thanh-vuot-muc-cac-chi-tieu-nhiem-vu-nam-2018.html