Tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, người có công

'Năm 2020, Bộ LĐ-TB&XH cần tiếp tục nghiên cứu tham mưu và thực hiện công tác hoàn thiện thể chế, với trọng tâm là gấp rút xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng trong giai đoạn tới'.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2020 ngày 25-12.

Sớm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, tới đây, Bộ, ngành LĐ-TB&XH cần phối hợp với các Bộ, ngành liên quan cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW, Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong DN và cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Đây là những vấn đề rất lớn, liên quan vấn đề nguồn lực của Nhà nước và tham gia của người lao động. Bên cạnh đó, sớm hoàn thành việc xây dựng, trình, ban hành các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động để đảm bảo việc thực thi theo đúng thời gian hiệu lực thi hành.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng lưu ý ngành LĐ-TB&XH tiếp tục rà soát, đánh giá các chính sách an sinh xã hội trên từng lĩnh vực để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, ban hành chính sách mới cho phù hợp. Trong đó lưu ý các chính sách khuyến khích, tạo cơ hội để mọi người dân có việc làm và cải thiện thu nhập, nâng cao để mức sống. Huy động tốt nhất nguồn lực lao động để phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Cùng với đó, đầy đủ chế độ, chính sách đã ban hành đối với các đối tượng người có công. “Cần đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, huy động mọi nguồn lực trong xã hội, trong cộng đồng cùng Đảng, Nhà nước chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho người có công với cách mạng. Kiên trì thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, trước mắt là giảm nghèo với đối tượng chính sách. Hết nhiệm kỳ này cần bảo đảm không còn hộ gia đình chính sách nào có thu nhập thấp hơn mức sống trung bình của khu dân cư”, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Đánh giá kết quả của ngành LĐ-TB&XH trong năm 2019, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, ngành đã hoàn thành 3 mục tiêu đột phá trong đó có mục tiêu xây dựng thể chế. Trong đó, Bộ luật Lao động (sửa đổi) được xây dựng rất kỳ công. Quá trình thảo luận, tranh luận, phản biện ở hội trường Quốc hội đã nhận được sự quan tâm, thảo luận của đông đảo đại biểu Quốc hội và đã được Quốc hội thông qua với tỷ lệ cao. Bộ LĐ-TB&XH cũng là cơ quan chủ trì, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể với tỷ lệ tán thành cao. Riêng Công ước 98 khi Chủ tịch nước trình thì 100% đại biểu Quốc hội tán thành.

Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, hiện còn 2 Công ước là 105 và 87. “Khi các văn bản này thông qua sẽ có hiệu lực sẽ góp phần cải thiện điều kiện làm việc, tiêu chuẩn lao động, bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ giữa các bên trong quan hệ lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa, ổn định trong bối cảnh mới, khi chúng ta cam kết và thực thi các điều ước quốc tế, các hiệp định thương mại thế hệ mới (FTAs)”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: “Hết nhiệm kỳ này cần bảo đảm không còn hộ gia đình chính sách nào có thu nhập thấp hơn mức sống trung bình của khu dân cư”. Ảnh: M. Dũng

Tham mưu ban hành nhiều quyết sách quan trọng về lao động

Trước đó, báo cáo kết quả công tác năm 2019, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: Toàn ngành LĐ-TB&XH đã đạt được những kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực, có những mặt tiến bộ hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2018.

Bộ tiếp tục tham mưu ban hành các quyết sách quan trọng về lao động. Nổi bật là đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) với nhiều sửa đổi, bổ sung lớn quan trọng. Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua với số phiếu biểu quyết tán thành là 90,06%. Năm 2019 cũng là năm thứ tư liên tiếp Bộ tiếp tục hoàn thành 100% kế hoạch trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (trình 22/22 đề án). Bộ đã hoàn thành 3 chỉ tiêu Quốc hội giao, góp phần cùng cả nước hoàn thành toàn diện 12 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội.

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, năm 2019, việc làm cho người lao động được giải quyết ngày càng nhiều hơn (trên 1,6 triệu người, đạt 103,2% kế hoạch); chất lượng và hiệu quả dạy nghề ngày càng được nâng lên (tuyển sinh đạt trên 2,33 triệu người, đạt 103,5% kế hoạch); giảm nghèo đạt kết quả tích cực, dự kiến đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn dưới 4% (giảm 1-1,5% so với cuối năm 2018).

Qua hơn 3 năm triển khai đã rà soát, xem xét trên 6.000 hồ sơ tồn đọng (giải quyết chế độ hoặc trả lời đối với những hồ sơ không đủ điều kiện 100% số hồ sơ rà soát tại thời điểm ban hành Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH). Trong đó đã xác nhận trên 2.000 liệt sĩ, trên 2.600 thương binh, những hồ sơ không đủ điều kiện cũng đã kết luận và giải thích thấu tình đạt lý cho đối tượng.

Năm 2020, ngành LĐ-TB&XH sẽ tập trung vào 5 trọng tâm chỉ đạo điều hành, gồm: Tập trung cho công tác xây dựng thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, người có công và xã hội; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với thị trường lao động, tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ để nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam; Tạo lập đầy đủ, đồng bộ các yếu tố và điều kiện cơ bản để thúc đẩy sự phát triển và hoạt động của thị trường lao động; Triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện và lành mạnh để thực hiện ngày càng tốt hơn công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; Đẩy mạnh cải cách hành chính…

Hà Nội: Giải quyết việc làm cho 192.000 lao động

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết: Với Thủ đô Hà Nội, công tác đào tạo nghề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hỗ trợ tìm, ổn định việc làm cho người lao động vẫn đang và sẽ là nhiệm vụ quan trọng, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.

Hiện Hà Nội có 370 đơn vị trong hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Trong năm 2019, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh và đào tạo cho 205.000/205.000 người, đạt 100% kế hoạch năm. Tỷ lệ lao động được đào tạo chuyên môn kỹ thuật cuối năm 2019 đạt 67,51%. Giải quyết việc làm cho 192.000/154.00 lao động. Tỷ lệ thất nghiệp chung của TP giảm còn 1,7%.

Năm 2020, Hà Nội tiếp tục tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, khuyến khích mạnh mẽ DN tham gia đào tạo nghề, gắn đào tạo nghề với nhu cầu sử dụng lao động; triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ tạo việc làm, chú trọng hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên lập nghiệp, khởi sự DN, chuyển dịch việc làm khu vực nông thôn; tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy thị trường lao động; triển khai phương thức đặt hàng dạy nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2017-2020 và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẵn sàng thực hiện cơ chế tự chủ từ năm 2021.

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tap-trung-hoan-thien-he-thong-phap-luat-ve-lao-dong-nguoi-co-cong-174866.html