Tập trung khắc phục 'thẻ vàng' của EC: Đừng để 'thẻ vàng' thành 'thẻ đỏ'

Chỉ còn khoảng 3 tháng nữa, đoàn kiểm tra của Ủy ban Châu Âu (EC) sẽ xem xét vấn đề 'thẻ vàng' đối với ngành hải sản của nước ta (thay vì ngay trong tháng 1/2019). Nếu để 'thẻ vàng' thành 'thẻ đỏ', xuất khẩu (XK) thủy hải sản của nước ta sẽ thiệt hại nặng.

Đánh bắt bất hợp pháp, vi phạm quy định về IUU sẽ bị phạt 1 tỷ đồng. Ảnh IT

Đánh bắt bất hợp pháp, vi phạm quy định về IUU sẽ bị phạt 1 tỷ đồng. Ảnh IT

Nhiều địa phương chưa quyết liệt

Theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), EU là thị trường XK lớn và quan trọng của hải sản Việt Nam.

Trong năm 2018, do tác động của “thẻ vàng”, nhiều mặt hàng tăng trưởng âm với mức giảm từ 4 - 20%; riêng cá ngừ chỉ tăng trưởng bằng một nửa năm 2017. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp XK hải sản bị thiệt hại nặng. Chính vì thế, để thực hiện mục tiêu XK 3,5 tỷ USD đối với hải sản trong năm 2019, việc cơ bản là phải gỡ được “thẻ vàng” của EC và phục hồi tốc độ tăng trưởng XK vào thị trường này. Quan trọng hơn, gỡ “thẻ vàng” còn nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng nghề cá bền vững, có trách nhiệm.

Theo lộ trình mới, khoảng đầu tháng 6/2019, nhóm chuyên gia kỹ thuật của EU sẽ sang Việt Nam để đánh giá lại việc tuân thủ các quy định về chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (gọi tắt là IUU) của Việt Nam. Do Việt Nam triển khai thực thi Luật Thủy sản, có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 dựa trên một số khuyến nghị của EC, chính vì vậy EC cần thêm thời gian để xem việc áp dụng các quy định của luật vào thực tế như thế nào.

Theo ông Trương Quang Hùng (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản - Bộ NN&PTNN), mặc dù có sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành, địa phương và cơ quan chức năng, song trong năm 2018, qua kiểm tra tại nhiều địa phương, việc kiểm tra tàu cá xuất bến, nhập bến đạt tỷ lệ thấp; việc ghi chép thông tin tàu cá xuất, nhập bến chưa đầy đủ, chưa thống nhất; công tác thu sổ nhật ký khai thác, báo cáo khai thác ít hơn số tàu cập cảng; kiểm soát thủy sản qua cảng chưa đầy đủ theo quy định; thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá còn quá ít so với số tàu hiện có…

Ông Hùng cho rằng, nguyên nhân một số tồn tại, hạn chế nói trên là do nhân sự, trang thiết bị tại 2 văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá còn quá ít, chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động liên tục tại cảng. Sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của EC về khai thác IUU chưa hiệu quả, chưa quyết liệt.

Chính vì vậy, tại Hội nghị liên quan về thủy sản do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây tại Phú Yên, với sự tham gia 28 tỉnh, TP ven biển, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng để gỡ “thẻ vàng” các địa phương phải tập trung nghiêm túc và quyết liệt. Thứ trưởng nhấn mạnh, đây là việc đương nhiên phải làm, không phải vì IUU mà Luật Thủy sản cũng quy định phải làm, do vậy phải khẩn trương và quyết tâm.

Nhiều việc phải làm trong 3 tháng tới

Trao đổi với PLVN, ông Trương Quang Hùng cho rằng, việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống khai thác IUU, tổ chức họp Ban Chỉ đạo với 28 tỉnh ven biển cần sớm được thực hiện. Đặc biệt, tổ chức triển khai Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, tập trung vào các nội dung trọng tâm liên quan tới chống khai thác IUU.

Cùng với đó, triển khai các quy định liên quan tới theo dõi, kiểm soát, giám sát tàu cá gồm: Các quy định về nhật ký khai thác, quy định về lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên, quy định trách nhiệm của thuyền trưởng của tàu khai thác từ vùng lộng trở ra phải cập cảng chỉ định. Thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, có kết quả tàu cá vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm khai thác IUU. Trong đó, đặc biệt chú ý tới việc tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển và thanh tra tại cảng nhằm nâng cao hoạt động thực thi pháp luật, đảm bảo năng lực quản lý hoạt động nghề cá tại địa phương có hiệu quả để phòng, chống khai thác IUU.

“Hiện chúng ta cần tập trung tích cực việc thu hồi tất cả các thiết bị MOVIMAR đã được lắp đặt ở các tàu cá có chiều dài dưới 24 mét và tiến hành lắp đặt cho các tàu cá có chiều dài 24m trở lên. Đảm bảo trước 1/4/2019 tất cả các tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên của địa phương được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình có kết nối với vệ tinh”, ông Hùng nói.

Cuối năm 2018, phái đoàn Ủy ban Nghề cá EU đã đến nước ta để xem xét việc tuân thủ các quy định IUU và đã đánh giá cao các nỗ lực của Việt Nam. Mới đây, EU đã xóa “thẻ vàng” đối với ngành hải sản Thái Lan sau hơn 4 năm xem xét. Điều này cũng khiến nhiều DN Việt Nam hồi hộp chờ đợi một tin tức tốt lành cho ngành hải sản Việt Nam.

Ngọc Trìu

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/kinh-te/tap-trung-khac-phuc-the-vang-cua-ec-dung-de-the-vang-thanh-the-do-445506.html