Tập trung kiểm soát công tác phòng, chống dịch bệnh

Ngày 3-2, do không thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND thành phố và Sở Giáo dục và Ðào tạo địa phương về công tác vệ sinh khử khuẩn; tập huấn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới vi-rút corona (nCoV) gây ra, hiệu trưởng một trường THPT tại Hải Phòng đã bị khiển trách và điều chuyển công tác. Cách xử lý kiên quyết, nghiêm khắc của ngành chức năng nhận được sự đồng tình, ủng hộ của dư luận.

Ngày 3-2, do không thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND thành phố và Sở Giáo dục và Ðào tạo địa phương về công tác vệ sinh khử khuẩn; tập huấn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới vi-rút corona (nCoV) gây ra, hiệu trưởng một trường THPT tại Hải Phòng đã bị khiển trách và điều chuyển công tác. Cách xử lý kiên quyết, nghiêm khắc của ngành chức năng nhận được sự đồng tình, ủng hộ của dư luận.

Có thể thấy thời gian qua, dịch bệnh do nCoV gây ra là chủ đề được xã hội quan tâm hàng đầu tại Việt Nam cũng như ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Do tính chất phức tạp, diễn biến khó lường, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng cho nên không chỉ hệ thống chính trị cùng vào cuộc mà còn đòi hỏi sự chung tay của toàn dân. Sự chủ quan, thiếu hiểu biết hoặc vô ý thức của một số cá nhân trong công tác phòng, chống dịch bệnh có thể gây nguy hại đến xã hội.

Hiện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố dịch bệnh do nCoV là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây lo ngại quốc tế, và tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra. Thế nhưng, vẫn còn một số người có tâm lý chủ quan, coi thường dịch bệnh, tiếp tục tụ tập nơi đông người, bất chấp các biện pháp phòng, chống dịch đã được khuyến cáo. Ðáng lo ngại hơn là tình trạng một số tư thương lợi dụng tình hình để thu lợi bất chính từ việc kinh doanh trang thiết bị y tế. Trong khi một số cá nhân lại tùy tiện đăng tải trên mạng xã hội những thông tin sai lệch, vô căn cứ về diễn biến của dịch bệnh. Thậm chí, một nhà tu hành đã lên facebook kêu gọi hóa giải nạn dịch bằng “công đức phát nguyện Bồ Ðề, tu tập 49 ngày để hồi hướng cho nạn dịch sớm được tiêu trừ”,… Những sai phạm nêu trên đã và đang bị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Để kiểm soát, khống chế và tiến tới phòng, chống dịch nCoV thành công, hơn lúc nào hết cần sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội cũng như ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân. Mỗi người dân hằng ngày cần theo dõi sát sao thông tin về dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, bình tĩnh, chủ động thực hiện các phương pháp phòng ngừa dịch bệnh theo khuyến cáo của ngành y tế và các cơ quan chức năng, có chế độ sinh hoạt lành mạnh giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể, hạn chế tụ tập nơi đông người, không nghe theo cũng như không phát tán các thông tin thiếu kiểm chứng, tác động tiêu cực tới xã hội. Ðồng thời, tại cộng đồng; công tác giám sát, phòng, chống cũng như phát hiện dịch bệnh cần được tuân thủ nghiêm ngặt. Nếu phát hiện các trường hợp nghi mắc bệnh cần kịp thời báo cho ngành y tế cơ sở, tiến hành khoanh vùng khu vực nghi có dịch, tuyệt đối không hoang mang, hoảng loạn, gây mất an ninh trật tự. Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và bản thân mỗi người dân, dịch nCoV tại Việt Nam sẽ được kiểm soát tốt và từng bước bị đẩy lùi.

THÀNH NAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/43149702-tap-trung-kiem-soat-cong-tac-phong-chong-dich-benh.html