Tập trung nguồn lực để đổi mới công nghệ

Chúng ta đã đi được hơn nửa chặng đường của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020. Đến nay tốc độ tăng trưởng GDP đã đạt 6,98% và cả năm ước đạt 6,7%. Tuy nhiên kinh tế thế giới cũng có sự biến động sẽ tác động lớn đến nền kinh tế nước ta ngay trong năm 2019. Vậy mục tiêu cả nhiệm kỳ liệu có khả thi?

Trao đổi với ĐĐK, ông Đỗ Văn Sinh - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bày tỏ tin tưởng, nếu mạnh mẽ cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung nguồn lực để đổi mới công nghệ thì tăng trưởng của cả giai đoạn 2016-2020 sẽ đạt mục tiêu.

Ông Đỗ Văn Sinh.

PV: Chính phủ quyết tâm đến năm 2020 chúng ta sẽ hoàn thành tất cả các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra. Theo ông với tốc độ như hiện nay liệu có khả thi?

Ông Đỗ Văn Sinh: Mục tiêu như vậy là hoàn toàn khả quan, bởi trong 3 năm qua những việc làm của Chính phủ rất lớn, đặc biệt về cải cách thể chế, cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, phát huy tất cả nguồn lực trong nước và thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài, dẫn đến tăng trưởng kinh tế ổn định trong thời gian qua. Hiện nay nguồn thu nội địa ổn định và chiếm tỷ trong lớn, thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng. Chúng tôi hy với đà này chắc chắn sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng trong cả giai đoạn là từ 6,5-7%.

Mặc dù thể chế kinh tế trong thời gian qua đã được hoàn thiện nhưng báo cáo của Chính phủ cho thấy, chúng ta bị đánh tụt 3 bậc trong chỉ số cạnh tranh toàn cầu. Vậy nguyên nhân theo ông là do đâu?

- Theo tôi biết, cách thức đánh giá năng lực cạnh tranh của thế giới đã thay đổi. Và một điều cần được nhắc đến là chúng ta tiến thì thế giới họ cũng tiến, chúng ta đã tiến rồi nhưng thế giới còn tiến mạnh hơn nên cần làm tốt hơn và xem xét khách quan hơn để đạt được mục tiêu. Hiện nay Chính phủ đã có đánh giá, ở tầm vĩ mô được làm rất quyết liệt nhưng có một số bộ, thậm chí địa phương vẫn đang còn những rào cản rất lớn, đặc biệt rào cản đối với việc mở rộng năng lực và thu hút các nguồn đầu tư của dân doanh.

Nhưng hiện quan hệ Mỹ - Trung đang căng thẳng, và tác động đến nước ta rất nhiều. Liệu Chính phủ có quá kỳ vọng vào mục tiêu tăng trưởng, thưa ông?

- Với đà chúng ta đang làm như tôi vừa nói ở trên thì rõ ràng vẫn đang thu hút tốt đầu tư nước ngoài. Chúng ta cũng đang tái cơ cấu toàn bộ hệ thống doanh nghiệp, đặc biệt là DNNN đã đạt kết quả rất tốt. Thêm vào đó là nội lực nền kinh tế cũng đang có đà phát triển. Mặc dù chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang xảy ra, nhưng theo tôi đó vừa là thách thức nhưng cũng là lợi thế. Và rõ ràng sẽ đẩy thương mại của thế giới lên đỉnh cao trong quá trình cạnh tranh.

Thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng.

Trong báo cáo của Chính phủ có đưa ra 9 nhóm giải pháp ứng phó trong năm 2019, vậy ông có đánh giá như thế nào về 9 nhóm giải pháp này đặt trong bối cảnh là dù chúng ta đang cố gắng cải thiện song năng suất lao động vẫn thấp?

- Rõ ràng 9 giải pháp Chính phủ đưa ra rất đồng bộ, mang lại sức sống và môi trường tốt để cho các doanh nghiệp hoạt động. Tuy nhiên năng suất lao động có tăng nhưng tăng không cao. Bởi nó là yếu tố tổng hợp cuối cùng, muốn đạt được việc đó chúng ta phải đổi mới công nghệ. Nhưng không phải muốn là được vì phải có vốn để đổi mới từ công nghệ cũ sang mới. Mà ngay cả khi đổi mới cũng không đem lại hiệu quả ngay mà nó còn phải còn có độ trễ. Chính vì vậy ngay bây giờ ta phải đổi mới công nghệ, phải có nguồn lực. Cái khó nhất là phải khơi thông tất cả nguồn lực để tăng cường đổi mới công nghệ mới, trên cơ sở đó tăng cường chất xám thì chúng ta mới có năng suất lao động tốt được.

Vậy làm sao để nền kinh tế đi lên bằng nội lực mà không phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI hay phụ thuộc vào yếu tố như tài nguyên, thưa ông?

- Thứ nhất, chúng ta đang tái cơ cấu hệ thống DNNN. Thời gian tới phải làm tích cực hơn để có hiệu quả hơn. Thứ hai là sử dụng tốt nguồn thu lại từ cổ phần hóa DNNN để đầu tư vào những lĩnh vực then chốt, để sản sinh ra được nhiều sản phẩm cho xã hội. Đặc biệt phải tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước thực sự có điều kiện phát triển. Khi đó, ta sẽ có nền kinh tế phát triển ổn định, phát triển bằng nội lực.

Hai yếu tố quan trọng là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tinh giản biên chế. Ông đánh thế thế nào về các công việc này? Bởi nếu làm thực chất chúng ta sẽ có một nguồn lớn để chi cho đầu tư phát triển?

- Thời gian qua, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt về cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm các thủ tục kinh doanh. Nhưng theo đánh giá, thực chất chưa đạt kết quả như mong muốn. Vì có thể giảm được thủ tục nhưng lại ghép thủ tục này vào thủ tục kia, có nghĩa vẫn không giảm. Chúng ta phải cắt giảm thực sự để mang lại môi trường kinh doanh tốt cho các doanh nghiệp trong nước.

Dù quy mô của nền kinh tế đã được mở rộng nhưng thực tế sự đóng góp của các yếu tố năng suất tổng hợp TFP lại ở mức hạn chế. Vậy theo ông làm sao để cải thiện vấn đề này?

- Quay trở lại vấn đề là năng suất lao động, năng suất lao động từ đâu ra sẽ phát triển bền vững và phát triển tốt? Nó phải có đầu tư công nghệ, trí tuệ, chứ dùng vốn với lao động chất lượng giá rẻ thì chỉ có lợi thế trong giai đoạn trước. Còn trong giai đoạn hiện nay của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nếu cứ mãi như thế này thì chúng ta sẽ lại thụt lùi, không thể tăng được nữa.

Trân trọng cảm ơn ông!

H.Vũ (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/kinh-te/tap-trung-nguon-luc-de-doi-moi-cong-nghe-tintuc421170