Tập trung nguồn lực thúc đẩy hệ sinh thái kinh tế - tài chính số

Với sự bùng nổ công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trên phạm vi toàn cầu, kinh tế số dựa trên tài nguyên số đang từng bước thay thế kinh tế truyền thống dựa vào tài nguyên tự nhiên, vốn đang gây ra những hệ lụy về môi trường và khí hậu. Trong đó, tài chính số với những sản phẩm dịch vụ thuận tiện hơn, nhanh hơn, rẻ hơn, phù hợp hơn và cá biệt hóa cho nhu cầu cá nhân cùng với những ưu việt về khả năng vượt giới hạn không gian và thời gian, mở rộng cơ hội tiếp cận và sử dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính cho tất cả mọi người được coi là đóng vai trò động lực thúc đẩy.

 Ông Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ (Ảnh: Gia Hân)

Ông Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ (Ảnh: Gia Hân)

Hòa chung dòng chảy của thời đại, trong những năm qua, hệ sinh thái kinh tế - tài chính số đang ngày càng phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, qua đó từng bước đáp ứng được yêu cầu hội nhập của đất nước với toàn cầu. Những kết quả quan trọng ban đầu đạt được nhờ chủ trương đúng đắn của Đảng, chính sách pháp luật về kinh tế - tài chính số ngày càng từng bước hoàn thiện cùng với lợi thế về dân số đông và trẻ dễ dàng tiếp cận với xu thế công nghệ và các sản phẩm kinh tế - tài chính số.

Mặc dù tăng trưởng nhanh nhưng kinh tế - tài chính số của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với toàn cầu và mới chủ yếu “bùng nổ” trong phân khúc dịch vụ thanh toán số, trong khi các mảng dịch vụ khác vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển.

Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; tỷ trọng thương mại điện tử đạt trên 80%... Đến năm 2030, tỷ trọng kinh tế số đạt 30% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 20%...

Để đạt được các mục tiêu nói trên, phát triển thanh toán số theo hướng phổ cập tài chính toàn diện, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt là một mục tiêu rất quan trọng.

Chính phủ và các Bộ, ngành sẽ rà soát, sửa đổi quy định, chính sách về tài chính, phí, lệ phí theo hướng loại bỏ các rào cản thanh toán không sử dụng tiền mặt, từ đó, khuyến khích người dân thực hiện các giao dịch không sử dụng tiền mặt; thúc đẩy dịch vụ ví điện tử, tiền di động, tập trung ưu tiên ở các vùng, miền có tỷ lệ phổ cập dịch vụ ngân hàng còn ở mức thấp; nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền kỹ thuật số dựa trên công chuỗi khối (blockchain); tăng cường đầu tư hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực; đồng thời tăng cường sự hợp tác giữa các chủ thể trong hệ sinh thái để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, tăng cường an ninh, an toàn và bảo mật phù hợp với yêu cầu của sự phát triển mạnh mẽ của của kinh tế - tài chính số.

Trong thời gian tới, công tác thông tin, truyền thông về kinh tế - số cần được tăng cường để thu hút sự chung tay, đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và người dân cả nước với Chính phủ trong nỗ lực thúc đẩy kinh tế - tài chính số.

Tôi ghi nhận và đánh giá cao sáng kiến và nỗ lực của Tạp chí trong việc giới thiệu đến độc giả, công chúng cả nước ấn phẩm Tương lai Tài chính số Việt Nam với góc nhìn phân tích của các chuyên gia, nhà quản lý hoạt động trong lĩnh vực kinh tế - tài chính số.

Tôi hy vọng ấn phẩm này sẽ cung cấp đầy đủ thông tin về bức tranh kinh tế - tài chính số Việt Nam trong thời gian qua, phân tích, đánh giá đầy đủ những thành tựu cùng với những hạn chế và nguyên nhân, từ đó gợi mở các giải pháp về cơ chế chính sách, công nghệ và quản trị đóng góp cho phát triển hệ sinh thái kinh tế - tài chính, phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu của người dân và doanh nghiệp làm động lực cho kinh tế và xã hội số Việt Nam phát triển bền vững như mục tiêu mà Đảng, Nhà nước đã đặt ra.

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/tap-trung-nguon-luc-thuc-day-he-sinh-thai-kinh-te-tai-chinh-so-20180504224283122.htm