Tập trung nguồn lực ứng phó thiên tai ở khu vực miền Trung

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, từ ngày 6-10 đến ngày 22-10, mưa lũ đã làm 138 người chết và mất tích; 37.524 nhà bị hư hỏng, thiệt hại; nhiều tuyến đường bị chia cắt do ngập lụt. Trước tình hình đó, cán bộ, chiến sĩ BĐBP cùng với chính quyền địa phương, các lực lượng khẩn trương vận chuyển lương thực, nhu yếu phẩm tới cho bà con ở những nơi bị ngập nước, chia cắt. Các đơn vị BĐBP cũng chủ động lên phương án ứng phó với cơn bão số 8 nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân.

Đại tá Hoàng Viết Dũng, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP Hà Tĩnh cùng cán bộ, chiến sĩ đơn vị khẩn trương đưa người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm trong đêm do nước lũ dâng cao tại xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, ngày 20-10-2020. Ảnh: Minh Toàn

Tại miền Trung, nhiều nơi vẫn còn ngập lụt và chia cắt nên nhiệm vụ ưu tiên số 1 hiện nay là cả nước hướng về miền Trung, tập trung mọi nguồn lực cứu trợ khẩn cấp lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cho người dân vùng ngập lũ. Nhằm kịp thời hỗ trợ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1629/QĐ-TTg về việc xuất trang thiết bị từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ các tỉnh miền Trung, ngày 20-10, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã ban hành Quyết định số 667/QĐ-TCDT giao các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực thực hiện xuất khẩn cấp các trang thiết bị dự trữ quốc gia cho các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Hà Tĩnh theo đúng số lượng, danh mục hàng dự trữ quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gồm: 20 bộ xuồng cao tốc các loại, hơn 400 nhà bạt cứu sinh các loại, hơn 22.000 áo phao cứu sinh và một số máy phát điện.

Ngày 22-10, tại Quảng Trị, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị về công tác khắc phục hậu quả lũ lụt. Tỉnh Quảng Trị là nơi ảnh hưởng và chịu thiệt hại nặng nề nhất do mưa lớn gây ngập lụt trên diện rộng ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Từ ngày 7-10 đến ngày 22-10, lũ lụt đã khiến 98 trong tổng số 124 xã, phường, thị trấn của tỉnh bị ngập lụt, chia cắt. Toàn tỉnh Quảng Trị có trên 61.000 hộ với gần 194.000 người bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lũ lụt. Chính quyền và các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị đã sơ tán 15.000 hộ với trên 49.000 người đến các địa điểm an toàn. Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 50 người chết, 4 người mất tích, 25 người bị thương do lũ lụt; gần 1.400ha ao, hồ nuôi thủy sản, hơn 2.500ha rau màu bị ngập lụt; trên 553.000 con gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi. Các tuyến Quốc lộ 15D, 9D, 49C, 9, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây và các đường liên tỉnh bị sạt lở đặc biệt nghiêm trọng.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã xuất cấp cho mỗi tỉnh miền Trung bị thiệt hại nặng do lũ lụt 1.000 tấn gạo, cùng thuốc chữa bệnh, hóa chất khử trùng; tạm cấp cho các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, mỗi tỉnh 100 tỷ đồng để thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn và an sinh xã hội. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cấp bổ sung 40 tỷ đồng hỗ trợ 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông của tỉnh Quảng Trị, mỗi huyện 20 tỷ đồng để nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định sản xuất và đời sống người dân.

Cũng trong ngày 22-10, tại Quảng Bình, đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã kiểm tra công tác phòng chống, khắc phục hậu quả mưa lũ tại huyện Lệ Thủy. Theo báo cáo của UBND huyện Lệ Thủy, đến ngày 22-10, nước trên địa bàn đang rút nhanh nhưng vẫn còn 1.000 hộ dân bị ngập, 11 nhà dân bị sập hoàn toàn.
Nhằm tăng cường nguồn lực ứng phó với thiên tai, Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam phối hợp với Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng tổ chức xuất cấp, vận chuyển các mặt hàng phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn cho các tỉnh trọng điểm bị ảnh hưởng, thiệt hại nghiêm trọng do lũ lụt, thiên tai tại địa bàn Quân khu 4, Quân khu 5. Các mặt hàng xuất cấp, gồm: 20 xuồng cứu sinh cơ động; 200 máy phát điện loại 5 đến 7 KVA; 22 máy bơm chữa cháy; 4.500 áo, phao cứu sinh và 59 tấn lương khô. Số hàng hóa, trang bị này sẽ được Cục Vận tải và Cục Cứu hộ - Cứu nạn vận chuyển vào chiều tối ngày 23-10 để cấp cho Bộ Tư lệnh Quân khu 4, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam.

Cán bộ BĐBP Quảng Trị đưa người dân về cơ quan Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị để tránh trú. Ảnh: Viết Lam

Trước tình hình mưa lũ còn diễn biến rất phức tạp, khó lường và cơn bão số 8 ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền Trung, các đơn vị BĐBP tiếp tục theo dõi sát tình hình thời tiết, triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai với các phương án sẵn sàng, chủ động hơn, tuyệt đối không chủ quan. Với phương châm “bốn tại chỗ”, các đơn vị BĐBP tập trung bảo vệ tính mạng và tài sản, ổn định đời sống người dân; tích cực triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn và bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn.

Theo Thượng tá Nguyễn Đình Hưng, Phó Trưởng phòng Cứu hộ-cứu nạn, Bộ Tham mưu BĐBP, Bộ Tư lệnh BĐBP đã sớm ban hành 2 công điện chỉ đạo các đơn vị tuyến biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận nắm chắc diễn biến của bão số 8 đang di chuyển vào đất liền để thông báo cho các gia đình chủ tàu, thuyền trưởng hoạt động trên biển biết để vào bờ tránh trú hoặc không di chuyển vào vùng nguy hiểm. Các đơn vị BĐBP từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế tiếp tục sử dụng lực lượng, phương tiện phối hợp với địa phương khẩn trương giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ những ngày qua, nhanh chóng ổn định tình hình để ứng phó đợt mưa lũ tiếp theo và bão số 8 ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Đồng thời, duy trì nghiêm các kíp trực, sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia xử lý các tình huống khi có yêu cầu.

Tính đến 6 giờ, ngày 23-10, các đơn vị BĐBP từ Thanh Hóa đến Bình Thuận duy trì thường trực 5.718 cán bộ, chiến sĩ với 245 phương tiện (25 tàu, 70 ca nô xuồng, 150 ô tô) sẵn sàng xử lý tình huống khi có yêu cầu. BĐBP các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận đã tổ chức bắn pháo hiệu báo bão tại 32 điểm theo quy định của Chính phủ; phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 59.477 phương tiện với 289.299 người dân biết diễn biến của bão số 8 để di chuyển khỏi khu vực nguy hiểm.

Thùy Trang

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tap-trung-nguon-luc-ung-pho-thien-tai-o-khu-vuc-mien-trung-post434432.html