Tập trung phòng, chống cúm gia cầm

Trong các ngày 3, 8 và 9-2, tại thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ xuất hiện bốn ổ dịch cúm gia cầm do chủng vi-rút cúm A(H5N6) gây ra tại bốn hộ chăn nuôi. Ngay sau khi phát hiện dịch, lực lượng chức năng đã nhanh chóng tiêu hủy toàn bộ số gia cầm tại các hộ phát dịch với tổng số gần 7.000 con và thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng tại chỗ. Đồng thời, thành lập các chốt kiểm dịch ngăn chặn vận chuyển gia cầm ra, vào vùng dịch; phun thuốc khử trùng tiêu độc các phương tiện ra, vào vùng dịch và chung quanh các chuồng trại gần khu vực phát hiện ổ dịch… Tuy nhiên, nguy cơ lây lan dịch vẫn rất lớn vì tổng số gia cầm tại xã Phú Nghĩa cao, với khoảng 664 nghìn con, trong đó riêng thôn Phú Vinh có tới 440 nghìn con. Trên địa bàn xã có khu công nghiệp lớn, tập trung nhiều người lao động từ nơi khác đến sinh sống, làm việc và hệ thống kênh, rạch, ao, hồ liên thông cũng làm tăng nguy cơ dịch bệnh lây lan sang các xã khác của huyện.

Chương Mỹ là địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm rất lớn, trong đó đàn gia cầm hơn sáu triệu con. Chăn nuôi chiếm tỷ trọng lớn trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Vì thế, công tác quản lý dịch bệnh, bảo vệ an toàn đàn gia súc, gia cầm là nhiệm vụ quan trọng của hệ thống chính trị. Trong những năm qua, cùng với thực hiện dồn điền đổi thửa, huyện tập trung quy hoạch các vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung; chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu cây trồng vật nuôi. Đến nay, huyện có gần 520 trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư, từng bước hình thành vùng chăn nuôi tập trung an toàn, bảo đảm vệ sinh môi trường. Công tác phòng, chống dịch bệnh được quan tâm và bước đầu phát huy hiệu quả. Điển hình trong đợt dịch tả lợn châu Phi, với tổng đàn gần 250 nghìn con, gần 7.000 hộ chăn nuôi, nhưng nhờ thực hiện chín đợt tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc, số lợn chết do bệnh dịch chỉ chiếm 17% tổng đàn. 31 trong tổng số 32 xã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới. Tuy nhiên, hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ xen kẽ trong khu dân cư vẫn chiếm khoảng 60%. Cùng với đó, nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thủ công nhỏ lẻ, không bảo đảm điều kiện vệ sinh môi trường vẫn tồn tại trong khu dân cư, cho nên công tác quản lý dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Nguy cơ lây nhiễm trên đàn gia súc, gia cầm luôn ở mức cao, nhất là trong điều kiện thời tiết nồm ẩm như hiện nay làm sức đề kháng của gia cầm giảm, mầm bệnh dễ lây lan.

Theo đại diện UBND huyện Chương Mỹ, từ ngày 10 đến 20-2, toàn bộ 32 xã, thị trấn của huyện thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Đối tượng tập trung được tiêu độc, khử trùng là các khu chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, kinh doanh gia súc, gia cầm; khu vực nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể; các ổ dịch cũ và địa điểm tập kết rác thải sinh hoạt, khu vực chôn lấp, tiêu hủy động vật mắc bệnh chết. Lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các hộ cách chăn nuôi an toàn; chủ động phòng, chống dịch bệnh tránh thiệt hại cho đàn vật nuôi.

Mới đây, sau khi kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại Chương Mỹ, đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đề nghị UBND huyện tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm. Trước mắt thực hiện ngay công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường tại các hộ chăn nuôi có dịch từ bảy đến mười ngày để diệt mầm bệnh, với tần suất một lần/ngày; tại thôn có dịch với tần suất hai lần/tuần. Cùng với đó, huyện tạm dừng xuất, nhập gia cầm trong thời gian có dịch cúm. Kiểm soát chặt việc xuất, nhập gia cầm, sản phẩm gia cầm ra, vào khu vực ổ dịch. Các cấp, các ngành của huyện tăng cường công tác thông tin tuyên truyền đến người dân về biện pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm; các chính sách hỗ trợ của thành phố khi tiêu hủy gia cầm do dịch bệnh để người chăn nuôi chủ động thông báo với chính quyền, cơ quan thú y khi có gia cầm ốm, chết, nghi mắc bệnh. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng giấu dịch, bán chạy và giết, mổ gia cầm mắc bệnh, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, tránh dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chức năng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã có văn bản gửi các quận, huyện, thị xã. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triên nông thôn Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, ổ dịch cúm gia cầm do chủng vi-rút cúm A(H5N6) gây ra tại huyện Chương Mỹ đã được khống chế, nhưng các địa phương không được chủ quan; cần chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Tổ chức tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch, trong đó cần tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia cầm đạt ít nhất hơn 80% tổng đàn; chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, vắc-xin tiêm phòng để ứng phó khi dịch bệnh xảy ra. Dự báo tốt diễn biến dịch để chủ động tham mưu đề xuất mua sắm hóa chất vật tư, dụng cụ chuyên ngành cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/43295502-tap-trung-phong-chong-cum-gia-cam.html