Tập trung phòng, chống tội phạm về môi trường

Theo bạn đọc phản ánh, tình hình tội phạm và các vi phạm pháp luật về môi trường ngày càng diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, khu công nghiệp, khu dân cư… Ðiều này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh cũng như chất lượng cuộc sống của nhân dân. Ðể phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm nêu trên, các lực lượng chuyên trách về môi trường đã chủ động phối hợp triệt phá nhiều vụ án; đồng thời đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, tích cực…

Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Quảng Trị kiểm tra tình trạng xả khói bụi tại một doanh nghiệp khai thác đá. Ảnh: THÀNH NAM

Theo bạn đọc phản ánh, tình hình tội phạm và các vi phạm pháp luật về môi trường ngày càng diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, khu công nghiệp, khu dân cư… Ðiều này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh cũng như chất lượng cuộc sống của nhân dân. Ðể phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm nêu trên, các lực lượng chuyên trách về môi trường đã chủ động phối hợp triệt phá nhiều vụ án; đồng thời đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, tích cực…

Theo thống kê của Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C05, Bộ Công an), năm 2018 đã có 24.642 vụ việc liên quan vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường được C05 phối hợp với các địa phương, ngành chức năng phát hiện, xử lý. Riêng C05 phát hiện, xử lý 159 vụ việc, phạt, thu hồi vào ngân sách gần chín tỷ đồng. Trong đó nhiều vụ việc lớn, phức tạp như khám phá đường dây chuyên bơm nước và thuốc cấm vào heo (lợn) trước khi bán ra thị trường; bắt quả tang cơ sở chuyên tái chế dầu ăn "bẩn", sản xuất hành, tỏi phi cung cấp cho các quán ăn, lập biên bản thu giữ, tiêu hủy hàng nghìn lít dầu bẩn, hàng chục tấn hành, tỏi phi thành phẩm chuẩn bị được đưa ra thị trường.

Ðặc biệt, chuyên án 216R tại Lâm Ðồng, lực lượng của C05 phối hợp một số đơn vị chức năng địa phương bắt quả tang các đối tượng vận chuyển số lượng lớn gỗ tại khu vực lòng hồ thủy điện Ðồng Nai 5. Từ đó, C05 triệt phá ổ nhóm đối tượng phá rừng với số lượng rất lớn do Lê Hồng Hà (tức Hà đen) cầm đầu. Vụ việc này cơ quan cảnh sát điều tra đã đề nghị truy tố với 18 bị can. Chuyên án mang bí số 418R ở Ðác Lắc cũng là một chiến công lớn của C05. Ðối tượng Phan Hữu Phượng (tức Phượng "râu") là một đối tượng khét tiếng về chặt phá rừng trái phép ở Ðác Lắc. Ðặc biệt, tại vùng lõi Vườn quốc gia Yok Ðôn, Phượng "râu" cùng đồng bọn đã tổ chức những xưởng cưa hoạt động ngày đêm vừa phá rừng vừa chế biến gỗ. Một thời gian dài, Phượng cùng đồng bọn qua mặt cơ quan chức năng địa phương, vận chuyển trót lọt hàng nghìn m3 gỗ đi tiêu thụ. Qua quá trình trinh sát nắm địa bàn và theo dõi hoạt động của nhóm đối tượng, lực lượng của C05 đã bắt quả tang Phan Hữu Phượng cùng đồng bọn với hành vi phá rừng. Vụ việc này được cơ quan chức năng đề nghị khởi tố năm đối tượng liên quan.

Thiếu tướng Nhữ Thị Minh Nguyệt, Phó Cục trưởng C05 cho biết: Tình hình phạm tội, vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên và an toàn thực phẩm ngày càng phức tạp. Thủ đoạn, hành vi của loại tội phạm này ngày càng tinh vi nhằm qua mặt lực lượng chức năng. Lĩnh vực vi phạm lại đa dạng và rộng khắp trong cả nước. Nhiều vụ việc được dư luận đặc biệt quan tâm như vụ Công ty Vinaca Hải Phòng trộn bột than tre vào thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị ung thư; vụ việc sử dụng pin nhuộm mầu cho sản phẩm cà-phê ở Ðác Nông; tình trạng khai thác cát sỏi tràn lan ở nhiều địa phương hay vấn đề vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải…

Thời gian qua, nhiều lĩnh vực liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm về môi trường được cán bộ, chiến sĩ C05 làm rõ. Ðó là các vi phạm trong hoạt động xả thải công nghiệp, sản xuất làng nghề thủ công, xả thải sinh hoạt; trong khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản; trong bảo vệ và phát triển rừng, động vật hoang dã; vi phạm an toàn thực phẩm, kể cả thực phẩm sinh hoạt và thực phẩm chức năng. Ðiển hình như vụ xả thải vượt quy chuẩn của Công ty giấy Sài Gòn (địa chỉ tại Bà Rịa-Vũng Tàu); Công ty giấy Vạn Ðiểm (huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội); Công ty TNHH AOCC Việt Nam (huyện Yên Mỹ, Hưng Yên). Bên cạnh đó, tình trạng buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng đáng báo động, như vụ 76 người bị ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật ở Sơn La; vụ Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao và Công ty Bạch Ðằng sản xuất, buôn bán sản phẩm Bồ Ðề 688A xử lý môi trường nước ao nuôi thủy sản chưa được phép lưu hành…

Những thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng để trốn tránh không thực hiện quy định về bảo vệ môi trường, theo lãnh đạo C05 cho biết, một số doanh nghiệp xây dựng hệ thống xả thải ngầm hoặc hai hệ thống song song để xả trộm nước, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường; cấu kết với một số cán bộ thuộc cơ quan chức năng thoái hóa, biến chất để đối phó; cũng có trường hợp làm giả tài liệu, giấy tờ, lập hồ sơ khống, lợi dụng chính sách ưu đãi để đối phó hoặc nhập khẩu rác, phế thải công nghiệp; phổ biến nhất là hành vi có lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, có xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không triệt để…

Ðể phát hiện và bắt quả tang các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường là rất khó khăn. Lực lượng C05 cũng như PC05 các địa phương phải mật phục, theo dõi đối tượng trong thời gian dài, tiến hành thu thập đầy đủ bằng chứng trước khi thực hiện chuyên án. Có nhiều vụ chỉ cần lộ lọt thông tin hoặc tổ chức lực lượng truy bắt chậm một chút là đối tượng kịp tẩu tán tang vật, phi tang dấu vết thì không có cơ sở để xử lý. Thậm chí có những vụ việc đối tượng chống đối quyết liệt, gây nhiều khó khăn cho lực lượng thi hành công vụ. Chính vì vậy, thời gian tới, C05 tập trung đấu tranh với các chuyên án, vụ án lớn, có tính chất phức tạp, gây bức xúc trong dư luận hoặc ở địa bàn trọng điểm…

Mặc dù số vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý là rất lớn nhưng tỷ lệ vụ việc vi phạm vẫn gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu là do khung pháp lý chưa đầy đủ. Có nhiều văn bản pháp lý liên quan đến công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm về môi trường dẫn đến sự chồng chéo, thiếu hiệu quả. Chế tài xử phạt đối với tội phạm về môi trường chưa đủ mạnh. Ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chưa tốt… Theo Thiếu tướng Lê Tấn Tảo, Cục trưởng C05, thời gian tới, toàn lực lượng cảnh sát môi trường quán triệt thực hiện tốt các giải pháp nhằm đấu tranh hiệu quả hơn nữa đối với tội phạm và các vi phạm pháp luật về môi trường. Trong đó: Ðề xuất cơ quan thẩm quyền hoàn thiện cơ sở pháp lý; làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật; chủ động phối hợp với các ngành chức năng; tổ chức sơ kết, tổng kết định kỳ nhằm đánh giá kết quả, thuận lợi, khó khăn cũng như nhận định về các phương thức, thủ đoạn mới của loại tội phạm này.

HOÀNG THƯỜNG HIẾU

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/item/39734002-tap-trung-phong-chong-toi-pham-ve-moi-truong.html