Tập trung thu hút đầu tư từ Nhật Bản

(HNM) - Nhằm tăng cường nguồn lực cho phát triển KT-XH theo hướng đa dạng hóa nguồn vốn và đẩy mạnh hội nhập quốc tế, Hà Nội vừa có đề án "Đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2013-2015 và những năm tiếp theo". PV Báo Hànôịmới đã trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội về đề án này.

Dây chuyền sản xuất của Hãng Canon (Nhật Bản) tại KCN Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: Bá Hoạt

- Đề nghị ông cho biết tình hình đầu tư của doanh nghiệp (DN) Nhật Bản vào Hà Nội đến thời điểm này?

- Nhật Bản hiện là đối tác đầu tư nước ngoài (ĐTNN) lớn nhất vào Hà Nội. Đến nay, Nhật Bản có 480 dự án, với tổng vốn đầu tư khoảng 4,5 tỷ USD. Các DN Nhật tham gia nhiều lĩnh vực quan trọng như: cơ khí chế tạo, dịch vụ, điện tử, sản xuất hàng gia dụng… Hầu hết nhà đầu tư Nhật Bản triển khai dự án đúng tiến độ, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật Việt Nam và có đóng góp đáng kể vào việc cung ứng vốn cho tăng trưởng kinh tế trên địa bàn, đặc biệt là đóng góp xuất khẩu, tạo thêm nhiều việc làm, nguồn thu rất đáng ghi nhận cho ngân sách.

- Đó là nguyên nhân chính để thành phố cho ra đời đề án trên?

- Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu nói chung và việc tái cơ cấu đầu tư công theo hướng giảm dần đầu tư ngân sách và tăng tính hiệu quả sử dụng vốn nói riêng, thu hút vốn ĐTNN được coi là giải pháp mang tính cấp bách nhằm huy động được vốn phục vụ mục tiêu phát triển của TP. Riêng Nhật Bản là quốc gia có quan hệ gần gũi, là đối tác toàn diện của Việt Nam. Qua thời gian, Nhật Bản thể hiện là đối tác quan trọng của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, vì các lý do sau: Hướng đầu tư của Nhật Bản phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của ta; DN hai bên đang thực hiện nội dung thỏa thuận của quan hệ đối tác giữa hai quốc gia, trong đó ưu tiên đầu tư trực tiếp và thương mại song phương.

- Vậy, đâu là mục tiêu và nội dung chính của đề án?

- Đề án nhằm hỗ trợ các DN Nhật Bản đang hoạt động tại Hà Nội kết hợp tạo làn sóng đầu tư mới từ Nhật Bản, góp phần thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH Hà Nội giai đoạn 2011-2015, chiến lược phát triển KT-XH Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và mục tiêu, nhiệm vụ CNH-HĐH Thủ đô. Nội dung của đề án là nghiên cứu thực trạng và xu hướng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam nói chung và TP Hà Nội nói riêng; những tiềm năng, cơ hội cũng như hạn chế của Hà Nội trong việc thu hút đầu tư của Nhật Bản. Xác định mục tiêu, định hướng và các ngành, lĩnh vực trọng tâm, những dự án phù hợp để gọi đầu tư từ Nhật Bản và một số giải pháp, hoạt động trong giai đoạn 2013-2015 và những năm tiếp theo nhằm cải thiện môi trường đầu tư.

- Thành phố sẽ áp dụng những giải pháp gì để triển khai đề án? Ông có thể dự báo về kết quả thực hiện?

- Được biết, thành phố xác định một số nhóm giải pháp để triển khai cụ thể, gồm nhóm giải pháp hỗ trợ, giải quyết vướng mắc cho các DN Nhật Bản tập trung vào việc xây dựng quy chế phối hợp quản lý DN/dự án trên địa bàn (phối hợp liên thông giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận đầu tư, giám sát kiểm tra sau cấp phép, chia sẻ thông tin, dữ liệu phục vụ công tác quản lý và báo cáo thống kê…); xây dựng chế độ động viên, khen thưởng các DN ĐTNN hoạt động tốt… Nhóm giải pháp xúc tiến đầu tư sẽ nhấn mạnh việc cung cấp thông tin về quy hoạch, kế hoạch phát triển; thông tin và hướng dẫn về thủ tục hành chính trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang thông tin điện tử và các ấn phẩm (bằng tiếng Anh và tiếng Nhật). Nhóm giải pháp tăng khả năng tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, kinh doanh. Trong đó, rà soát địa điểm có khả năng gọi ĐTNN, nhất là quy hoạch và hiện trạng sử dụng đất tại các khu, cụm công nghiệp để cung cấp thông tin chính xác, cụ thể… Tiếp theo là nhóm giải pháp hỗ trợ về cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực đầu tư, gồm rà soát và công bố công khai quy trình, các bước giải quyết TTHC (có phiên bản bằng tiếng Anh và tiếng Nhật); nâng cao tính chủ động, sáng tạo trong giải quyết TTHC; giải quyết vấn đề chậm thời gian đối với hồ sơ liên thông. Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu xây dựng quy trình thẩm tra với từng lĩnh vực để bảo đảm tính minh bạch, rút ngắn thời gian thẩm tra... TP sẽ phối hợp với các nhà đầu tư Nhật Bản xây dựng, vận hành 1-2 trường dạy nghề theo yêu cầu của DN Nhật Bản hoạt động tại các KCN, trước mắt là trường đào tạo nghề Phú Xuyên. Qua đó, tăng khả năng hợp tác với khu vực ĐTNN để tiếp nhận chuyển giao công nghệ…

Nhật Bản là đối tác ĐTNN lớn nhất tại Hà Nội. Do vậy, việc đẩy mạnh xúc tiến đầu tư và hợp tác với Nhật Bản sẽ đem lại nhiều lợi ích tổng hợp, như cải thiện tình hình ĐTNN; chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường năng lực cạnh tranh của DN trong nước… và đặc biệt góp phần hỗ trợ các chiến lược phát triển bền vững của Hà Nội.

- Xin cảm ơn ông!

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/635698/tap-trung-thu-hut-dau-tu-tu-nhat-ban-