Tập trung triển khai các đề án lớn phát triển nông nghiệp

Giai đoạn 2021-2025, ngành Nông nghiệp Đồng Nai triển khai hàng loạt chương trình, đề án phát triển nông nghiệp trong giai đoạn hội nhập.

Sản xuất giống điều cao sản tại Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc (H.Trảng Bom). Ảnh: B.Nguyên

Sản xuất giống điều cao sản tại Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc (H.Trảng Bom). Ảnh: B.Nguyên

Tuy mỗi đề án, chương trình có một trọng tâm riêng nhưng đều tập trung vào mục tiêu khai thác, sử dụng hiệu quả các lợi thế riêng của Đồng Nai trong phát triển sản xuất nông nghiệp phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

* Chuyển đổi mạnh về sản xuất

Thời gian gần đây, hàng loạt đề án lớn trong lĩnh vực nông nghiệp đã được phê duyệt như: đề án Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); đề án Nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp tỉnh Đồng Nai trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; đề án Nghiên cứu khả thi phát triển bền vững nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Israel; đề án Phát triển nông nghiệp đô thị Tây Nam… Các đề án đều có mục tiêu chung là đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng xây dựng, phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung; vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị; kết nối sản xuất với công nghiệp chế biến sâu...

Trong đó, đề án Nghiên cứu khả thi về phát triển bền vững nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Israel trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, tầm nhìn 2030 được cho là một trong những dự án đột phá góp phần thay đổi về “chất” trong lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu của đề án nhằm chọn những nông sản thế mạnh của Đồng Nai; đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao của Israel vào sản xuất nông nghiệp; xây dựng nền nông nghiệp hiện đại theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, năng suất, chất lượng quốc tế. Trong đó, mô hình đột phá được ưu tiên triển khai sớm là nhóm các nông sản được thị trường xuất khẩu ưa chuộng.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất giống tại Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc (H.Trảng Bom)

Khai thác thế mạnh của từng vùng, từng địa phương, Đồng Nai còn có đề án Phát triển nông nghiệp đô thị cho vùng kinh tế Tây Nam tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Qua đó đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của vùng Tây Nam tỉnh Đồng Nai theo hướng đa dạng các loại hình sản xuất nông nghiệp đô thị kết hợp nông nghiệp công nghệ cao; sản xuất hàng hóa lớn gắn với thị trường tiêu thụ; ứng phó với biến đổi khí hậu... Đề án khuyến khích các loại hình nông nghiệp sử dụng ít đất, không đất; sử dụng ít lao động, tận dụng lao động nhàn rỗi, lao động ngoài độ tuổi và đặc biệt ít có nguy cơ ô nhiễm môi trường. Vùng kinh tế này còn chú trọng thu hút đa dạng các loại hình kinh tế tham gia liên kết sản xuất - thu mua - chế biến - bảo quản - tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp đô thị.

Theo Giám đốc Sở NN-PTNT Cao Tiến Sỹ, mục tiêu trong phát triển nông nghiệp giai đoạn mới gồm nhiều nội dung như: tạo sự đột phá trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ; áp dụng công nghệ cao trong sản xuất; xây dựng các chuỗi giá trị chế biến; xây dựng nền nông nghiệp đô thị, nông nghiệp hữu cơ kết hợp phát triển du lịch sinh thái... Từng địa phương sẽ xác định đâu là điểm đột phá, đổi mới, nguồn lực, lợi thế riêng trong phát triển sản xuất nông nghiệp giai đoạn mới và ngay trong năm đầu tiên 2021 phải định hình được những điểm đột phá làm cơ sở cho việc điều hành trong 5 năm tới.

* Nông sản cần có thương hiệu

Phát triển chuỗi giá trị khép kín trong sản xuất nông nghiệp từ đó xây dựng được những thương hiệu lớn cho nông sản địa phương là mục tiêu lâu dài của Đồng Nai.

Để nhân rộng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, Đồng Nai bám sát mục tiêu phát triển HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả. Chỉ tính riêng trong năm 2020, Đồng Nai đã thành lập mới được 28 HTX nông nghiệp. Hiện toàn tỉnh có 177 HTX nông nghiệp, hiệu quả hoạt động có nhiều chuyển biến, tỷ lệ HTX hoạt động khá, tốt đạt gần 78%, nhiều HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, xây dựng được chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ. Ngoài ra, toàn tỉnh có 18 dự án cánh đồng lớn; 132 chuỗi liên kết có 58 doanh nghiệp tham gia với nhiều nông sản cung cấp vào các chợ truyền thống, hệ thống siêu thị…

Một trong những mục tiêu lớn trong giai đoạn 2021-2025 của tỉnh là tiếp tục triển khai sâu rộng chương trình OCOP; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP Đồng Nai trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ông Nguyễn Hữu Danh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Đồng Nai nhận xét, điều đạt được lớn nhất của chương trình OCOP là đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân, HTX về ý nghĩa của việc xây dựng chuỗi liên kết. Định hướng trong giai đoạn tới cần quan tâm đến việc triển khai các chương trình hỗ trợ thiết thực hơn cho chuỗi sản xuất để khai thác hiệu quả đặc sản. Từ đó, tạo ra sản phẩm OCOP chất lượng, mang tính độc đáo không chỉ được người tiêu dùng trong nước đón nhận mà còn có tên tuổi khi tham gia thị trường xuất khẩu.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, nhiệm vụ, mục tiêu trọng tâm của ngành Nông nghiệp trong nhiệm kỳ mới 2020-2025 là các địa phương cần phát triển các vùng nguyên liệu nông sản đặc trưng; vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt tiêu chuẩn chất lượng; kết nối nông nghiệp với chế biến sâu nông sản; xây dựng nền nông nghiệp đô thị, nông nghiệp hữu cơ kết hợp phát triển du lịch sinh thái… Trong đó, xem khoa học công nghệ là khâu then chốt để tạo đột phá trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng nông sản.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202103/tap-trung-trien-khai-cac-de-an-lon-phat-trien-nong-nghiep-3047679/