Tập trung từng giải pháp cụ thể

Từ ngày 3 đến 5-11, Quốc hội (QH) tiến hành thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020; kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương (NSTƯ) năm 2021 và một số nội dung quan trọng khác. Ðáng chú ý, tại các phiên thảo luận, các đại biểu (ÐB) đã tăng cường tranh luận, chủ động đề xuất các giải pháp cụ thể

Toàn cảnh phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội. Ảnh: QUANG KHÁNH

Toàn cảnh phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội. Ảnh: QUANG KHÁNH

Từ ngày 3 đến 5-11, Quốc hội (QH) tiến hành thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020; kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương (NSTƯ) năm 2021 và một số nội dung quan trọng khác. Ðáng chú ý, tại các phiên thảo luận, các đại biểu (ÐB) đã tăng cường tranh luận, chủ động đề xuất các giải pháp cụ thể

Nhiều nỗi lo môi trường

Vừa qua, lũ, bão đã liên tục hoành hành, tàn phá nhiều tỉnh miền trung, gây thiệt hại to lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của nhân dân, kéo theo rất nhiều hệ lụy lâu dài. Sự lo lắng hằn rõ trên từng nét mặt, trong từng nội dung thảo luận của các ÐBQH. Cùng đó, nhiều vấn đề bất cập trong đời sống đòi hỏi cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất phải sớm có giải pháp xử lý như: làm sao để giảm ô nhiễm không khí, bụi mịn; tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, giám sát thiên tai, bảo đảm kịp thời, đủ độ tin cậy, hỗ trợ, giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả sau thiên tai; kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả thải vào các con sông gây ô nhiễm môi trường; báo cáo, làm rõ tình trạng hồ, đập chưa được sửa chữa, không bảo đảm an toàn, an ninh nguồn nước...

Ðề cập khái niệm của ngành tài nguyên và môi trường về hình thái "đa thiên tai" đang xảy ra tại miền trung nước ta, không ít chuyên gia phát biểu tại một số cuộc hội thảo mới đây đặt vấn đề, cần làm rõ tác động của các dự án thủy điện nhỏ. Một số ÐBQH cũng thẳng thắn dẫn các số liệu cụ thể chứng minh tác động của các dự án kinh tế đến vấn đề hủy hoại rừng. Trao đổi nhanh về vấn đề này, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường không nói về tác động của thủy điện nhỏ mà ông lại khẳng định kết quả trồng rừng, giữ rừng đã đạt những thành tích lớn.

Không hài lòng về kết quả bảo vệ rừng, ÐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng, những thông tin Bộ trưởng NN&PTNT dẫn chứng đối lập với thực tế diễn ra, khi thiên tai, bão lụt ngày càng nghiêm trọng. Cũng có ÐB cung cấp thông tin, có hiện tượng chủ đầu tư khi được cấp giấy phép làm thủy điện nhỏ đã bán lại dự án ngay khi đã khai thác xong tài nguyên. ÐB Nguyễn Thị Xuân (Ðắk Lắk) đề nghị, cần đánh giá lại vấn đề cấp phép làm thủy điện nhỏ và vừa, kiểm đếm những dự án đã bán lại, sang nhượng, để xác minh nghi vấn các dự án thủy điện này là "bình phong" cho việc phá rừng.

Không ít ÐB đồng tình với việc Chính phủ cần sớm có chương trình hành động căn cơ lâu dài, hỗ trợ, khuyến khích người dân làm nhà chống lụt ở vùng trũng thấp, hầm trú bão ở vùng ven biển; tổng rà soát toàn bộ cơ sở giáo dục tại vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, bão lũ, kiên cố hóa các điểm trường vùng núi vì đây là nơi người dân tránh trú khi xảy ra bão, lũ.

Ðại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường. Ảnh: KHÁNH QUANG

Trăn trở vấn đề tăng trưởng

Nhiều ÐB bày tỏ hài lòng, đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong điều hành nền kinh tế. Theo đó, đánh giá sơ bộ 5 năm, có 15 chỉ tiêu đạt và vượt, 4 chỉ tiêu không đạt. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, vững chắc; lạm phát được kiểm soát và duy trì ở mức thấp, giá cả hàng hóa diễn biến tương đối ổn định; mô hình tăng trưởng dần chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu, chất lượng tăng trưởng được nâng cao; năng suất lao động được cải thiện; cơ cấu ngành công nghiệp, cơ cấu đầu tư chuyển dịch đúng hướng và tích cực...

Song cũng còn không ít băn khoăn, thậm chí lo lắng từ phía ÐB khi vượt thu ngân sách địa phương (NSÐP) khá cao nhưng chủ yếu lại là từ vốn và đất đai; cơ cấu NSTƯ/NSÐP trong tổng mức bố trí nguồn chi đầu tư phát triển chỉ đạt 40/60, không đạt theo Nghị quyết của QH. Thu từ ba khối doanh nghiệp không đạt dự toán. Tỷ trọng chi thường xuyên đã giảm, tuy nhiên vẫn còn ở mức cao. Việc thực hiện định mức, tiêu chuẩn, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở một số địa phương còn hạn chế.

Sốt ruột trước những hạn chế này, trong khi khát vọng phát triển đã được lượng hóa rất rõ trong các dự thảo văn kiện trình Ðại hội XIII của Ðảng, đó là cột mốc 2030 và 2045, ÐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng: 5 năm tới có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ lộ trình còn lại. Nếu cứ loay hoay, không cất cánh được hay cất cánh mà không đủ tốc độ và cao độ thì sau 10 năm sẽ không đạt được bình độ cần thiết và khi đó khát vọng sẽ mãi mãi là khát vọng. Từ đó, vị ÐB của thành phố có quy mô dân số lớn nhất cả nước này đề nghị, chúng ta phải giải quyết một loạt bài toán, cụ thể là bài toán tăng trưởng, bài toán tài chính ngân sách, bài toán bảo vệ chủ quyền an ninh, bài toán Nhà nước pháp quyền, bài toán bảo đảm quyền của dân và huy động sức dân.

Một số ÐB cũng chia sẻ đồng tình với ÐB Trương Trọng Nghĩa rằng, trong điều kiện "bình thường mới" diễn ra trên toàn cầu, trên mọi phương diện, Việt Nam không thể sống và tồn tại theo cách thức như trước. Thế nhưng, đặc điểm này lại chưa thấy thể hiện rõ trong nội dung Kế hoạch 5 năm tới và còn sơ lược về giải pháp khi đề ra các mục tiêu cho từng lĩnh vực cụ thể.

Trao đổi ý kiến với phóng viên Nhân Dân cuối tuần bên hành lang Phòng Diên Hồng về phương thức thúc đẩy tăng trưởng, một số ÐBQH đề cập một trong những giải pháp là cần tiếp tục triển khai có hiệu quả trong xử lý nợ xấu. Theo đó, đã hơn ba năm triển khai Nghị quyết 42 của QH về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã đạt những kết quả khá tích cực. Tuy nhiên, thời gian qua, một số bộ, ngành, địa phương chưa thật sự quan tâm, phối hợp với ngành ngân hàng trong quá trình xử lý nợ xấu, đặc biệt là thu giữ tài sản bảo đảm. Thời gian tới, đề nghị Chính phủ tiếp tục ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng triển khai có hiệu quả Nghị quyết 42. Ðồng thời, tìm giải pháp thực hiện hiệu quả cơ cấu lại đầu tư công; cơ cấu lại NSNN theo hướng bền vững; thực hiện nghiêm nguyên tắc chỉ vay nợ cho chi đầu tư phát triển; hoàn tất sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước; xử lý dứt điểm yếu kém, thua lỗ, thất thoát của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; sắp xếp, cải cách các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ công; tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng cả về quy mô, chất lượng.

Hồng Châu

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/thoi-su-chinh-tri/-tap-trung-tung-giai-phap-cu-the-623497/