Tập trung vào năng lượng tái tạo, Việt Nam sẽ không lo thiếu điện

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Nguyễn Văn Vy, nếu tập trung nguồn đầu tư cho phát triển các dự án năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió và Mặt trời thì giai đoạn sau năm 2020 Việt Nam sẽ không lo thiếu điện.

Ngày 31/7, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp cùng Bộ Công Thương tổ chức "Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2018" nhằm thúc đẩy hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ, tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng, đồng thời trao đổi về thách thức và giải pháp công nghệ trong phát triển bền vững ngành năng lượng, góp phần thực hiện các chiến lược quốc gia về phát triển khoa học và công nghệ và năng lượng.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, trong bối cảnh nhu cầu năng lượng tăng cao để đáp ứng phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đã khai thác nguồn thủy điện gần như tối đa, kế hoạch phát triển năng lượng nguyên tử tạm dừng nên hiện Việt Nam đang phải nhập khẩu năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện.

Ngành năng lượng đang phải đối mặt với bài toán phức tạp và đa mục tiêu, một mặt cần đáp ứng nhu cầu tăng cao để phát triển kinh tế - xã hội, mặt khác cần đảm bảo tuân thủ các cam kết quốc tế về phát triển bền vững, cùng với đó là sự tới hạn của các nguồn năng lượng truyền thống trong khi các nguồn năng lượng mới, tái tạo vẫn đang trong giai đoạn phát triển.

Toàn cảnh Diễn đàn. (Ảnh: Đ.K)

Một trong các giải pháp quan trọng cho bài toán của ngành năng lượng là đẩy mạnh hơn nữa hoạt động ứng dụng các công nghệ sử dụng năng lượng hiệu quả, đồng thời chuyển giao, làm chủ các công nghệ năng lượng mới, bền vững như công nghệ điện gió và điện Mặt trời.

“Điều này hoàn toàn khả thi với sự vào cuộc đồng bộ của 3 nhà: Nhà quản lý, doanh nghiệp và nhà khoa học. Cùng với đó là sự phối hợp, hợp tác, chuyển giao công nghệ từ các quốc gia phát triển và các hiệp hội năng lượng quốc tế…”, ông Tùng nói.

Tiến sĩ Michael Braun, Chuyên gia tư vấn công nghệ và chuyển giao công nghệ (CHLB Đức) gợi ý, với bối cảnh hiện nay, Việt Nam nên triển khai lưới điện thông minh vì nó là cơ sở hạ tầng lưới điện tiên tiến và là chìa khóa rất quan trong để giúp Việt Nam nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng năng lượng tái tạo.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Nguyễn Văn Vy, mặc dù các nguồn năng lượng, trong đó có điện, từ nay đến năm 2020 không đáng lo ngại, nhưng giai đoạn sau năm 2020, với hàng loạt các công trình, dự án đang chậm tiến độ cho thấy nguy cơ thiếu điện khá rõ ràng đòi hỏi các cơ quan quản lý cần tính toán lại. Nếu tập trung nguồn đầu tư cho phát triển các dự án năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió và Mặt trời thì giai đoạn sau năm 2020 Việt Nam sẽ không lo thiếu điện.

Ngoài ra, ông Vy cũng đưa ra một số khuyến nghị nhằm phát triển công nghệ điện gió, điện Mặt trời: Nghiên cứu làm chủ công nghệ chế tạo thiết bị toàn bộ các nhà máy điện gió, điện Mặt trời, thiết bị của hệ thống truyền tải và phân phối điện; tích cực, chủ động hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ trong lĩnh vực chế tạo các thiết bị năng lượng...

Đan Khanh

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/tap-trung-vao-nang-luong-tai-tao-viet-nam-se-khong-lo-thieu-dien-75294.html