Tập trung xử lý dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi

Tính đến hết ngày 10-3, tỉnh Thanh Hóa có ba huyện, thành phố hết dịch cúm gia cầm A/H5N6 là TP Thanh Hóa, huyện Vĩnh Lộc, huyện Như Xuân. Trước đó, từ ngày 3-2, dịch cúm gia cầm xảy ra tại 11 huyện trong tỉnh. Ngành chức năng đã tiêu hủy 74.790 con gia cầm; cấp 10.900 lít hóa chất, 14 tấn vôi bột, hơn 10 triệu liều vắc-xin cho các địa phương dập dịch...

Tính đến hết ngày 10-3, tỉnh Thanh Hóa có ba huyện, thành phố hết dịch cúm gia cầm A/H5N6 là TP Thanh Hóa, huyện Vĩnh Lộc, huyện Như Xuân. Trước đó, từ ngày 3-2, dịch cúm gia cầm xảy ra tại 11 huyện trong tỉnh. Ngành chức năng đã tiêu hủy 74.790 con gia cầm; cấp 10.900 lít hóa chất, 14 tấn vôi bột, hơn 10 triệu liều vắc-xin cho các địa phương dập dịch...

* Nhằm tránh thiệt hại do bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang khuyến cáo các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh gieo sạ vụ hè thu theo ba đợt, bắt đầu từ ngày 15-3 và kết thúc trước 30-5. Vụ hè thu này, tỉnh dự kiến xuống giống 76.700 ha.

* Ngày 11-3, ngành chăn nuôi tỉnh Bình Dương đề nghị các tuyến cơ sở rà soát chặt chẽ tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm để có kế hoạch tiêm phòng, vệ sinh tiêu độc tại chỗ. Trước đó, ngày 14-2, Bình Dương đã phát hiện đàn gia cầm của một hộ chăn nuôi tại xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng bị cúm H5N1; tổng số gà, vịt đã chết và buộc phải tiêu hủy là 10.400 con.

* Hiện toàn tỉnh Hậu Giang có gần 350 ha dứa ở TP Vị Thanh và huyện Long Mỹ bị bệnh héo đỏ lá do vi-rút. Nguyên nhân do người dân tưới ít nước khi đang vào mùa khô, nắng nóng. Ngành chức năng khuyến cáo người dân cần chuẩn bị kỹ ngay ở khâu chọn giống và làm đất, tranh thủ trữ nước ngọt để tưới đủ nước cho dứa...

* Nhiều diện tích trồng điều ở xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập (Bình Phước) bị bọ trĩ tiến công khiến năng suất giảm mạnh, bình quân chỉ bằng một phần năm vụ trước. Ngành chức năng khuyến cáo người dân cần thăm đồng, phun thuốc đúng thời điểm vì loài côn trùng này chỉ xuất hiện trên cây điều vào một vài thời điểm chứ không bám lâu trên cây.

* Hiện tỉnh Thừa Thiên Huế có hơn 1.400 ha sắn bị nhiễm bệnh khảm lá. Ngành chức năng khuyến cáo người dân cần tiêu hủy số diện tích sắn nhiễm bệnh hơn 70% và tiêu hủy cục bộ đối với diện tích sắn nhiễm bệnh dưới 70%; đồng thời hỗ trợ hai triệu đồng/ha đối với diện tích nhiễm bệnh hơn 70% và một triệu đồng/ha với diện tích bị nhiễm bệnh dưới 70%...

* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, từ ngày 11 đến 20-3, khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng chịu tác động của không khí lạnh trong khoảng đêm 13, ngày 14 và khoảng ngày 17-3, có khả năng gây mưa rào và dông diện rộng ở Bắc Bộ. Nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn từ 1 đến 2oC so với trung bình nhiều năm (TBNN); riêng khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng cao hơn từ 0,5 đến 1,5oC so với TBNN. Tại Nam Bộ có khả năng xuất hiện nhiều ngày nắng nóng, tập trung nhiều hơn ở Đông Nam Bộ. Khu vực Đông Bắc Bộ có lượng mưa cao hơn so với TBNN từ 15 đến 30%, Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ lượng mưa xấp xỉ TBNN, tại Trung Trung Bộ phổ biến thấp hơn TBNN từ 20 đến 40%. Trong khi đó, tại Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ từ nay đến cuối tháng 3 vẫn phổ biến ít mưa. Tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn ở các tỉnh ven biển Nam Bộ tiếp tục diễn ra khá gay gắt.

* Mực nước trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên tiếp tục xuống. Một số sông xuất hiện mực nước thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc cùng kỳ. Tổng lượng dòng chảy trên các sông ở mức thấp hơn TBNN cùng kỳ từ 10 đến 70%, một số sông thấp hơn 85%; các sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình ở mức xấp xỉ và trên TBNN cùng kỳ.

* Cũng theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, ngày 10-3, mưa nhỏ đến mưa vừa đã xuất hiện tại khu vực Nam Bộ, tổng lượng mưa phổ biến dưới 40 mm. Một số trạm có tổng lượng mưa lớn như: Đà Lạt (Lâm Đồng) 50 mm, Cà Mau (Cà Mau) 76 mm giúp giảm bớt khô hạn và xâm nhập mặn.

* Hiện nay, dung tích nước tại các hồ thủy lợi của tỉnh Đồng Nai đạt khoảng 63,8% so với tổng dung tích hồ. Mức nước tại sông, suối ở mức thấp; lưu lượng dòng chảy của các sông, suối nhỏ khoảng 72% so với cùng kỳ năm 2019. Các địa phương cần chủ động lấy nước cho sinh hoạt, điều chỉnh lịch thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp hạn chế thấp nhất thiệt hại...

* Tổng dung tích 21 hồ chứa nước tại tỉnh Ninh Thuận là 51,12 triệu mét khối trong số 194,49 triệu mét khối, chiếm 26,3% dung tích thiết kế. Bên cạnh đó, lượng nước chứa tại hồ Đơn Dương 104,43 triệu mét khối trong số 165 triệu mét khối, đạt 63,3% so với dung tích thiết kế. Vụ đông xuân, toàn tỉnh sản xuất hơn 19.599 ha. Ngành nông nghiệp đang gấp rút xây dựng kế hoạch cấp nước tưới cho vụ đông xuân và hè thu sắp tới...

* UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa quyết định hỗ trợ hơn 78,2 tỷ đồng cho các tàu cá của ngư dân trong tỉnh khai thác vùng biển xa. Trong đó, hỗ trợ nhiên liệu hơn 77,5 tỷ đồng; hỗ trợ mua máy thông tin liên lạc HF là 756 triệu đồng. Dự kiến năm 2020, kinh phí hỗ trợ cho 1.500 tàu cá của ngư dân trong tỉnh là 497,7 tỷ đồng.

Cục Hậu cần Quân khu 9 đã điều ba tàu vận tải chở gần 500 m3 nước ngọt cung cấp cho người dân bị hạn mặn tỉnh Bến Tre. Nước sẽ được ưu tiên cấp cho các gia đình chính sách, hộ nghèo tại xã Tiên Long, huyện Châu Thành và xã Phước Long, huyện Giồng Trôm. Các hộ thuộc diện khó khăn không đi lấy nước được sẽ được chiến sĩ mang nước đến tận nhà...

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/43572402-tap-trung-xu-ly-dich-benh-tren-cay-trong-vat-nuoi.html