Tập trung xử lý, khắc phục sạt lở đê, bờ biển

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, hôm nay (19-12), Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ vẫn duy trì rét về đêm và sáng sớm, vùng núi có nơi dưới 110C. Sương mù xuất hiện vào sáng sớm tại Bắc Bộ. Nam Trung Bộ, trưa và chiều có nắng hanh. Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa với nền nhiệt dao động từ 18 đến 330C.

Thi công tuyến đê kè chắn sóng tại xã Quảng Công, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên - Huế). Ảnh: VĂN DINH

Chiều 18-12, Đoàn công tác Ủy ban Thường vụ Quốc hội có buổi làm việc với tỉnh Bình Thuận về tình hình xói lở bờ biển trên địa bàn. Theo báo cáo, do ảnh hưởng của bão số 9 (tháng 11-2018), tỉnh có 3.200 m bờ biển phường Hàm Tiến bị sạt lở; bờ biển xã Vĩnh Tân bị xói lở, chiều dài khoảng 3.800 m; tuyến bờ biển xã Tân Tiến bị sạt lở khoảng 1.200 m; cùng hàng chục nhà và hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng.

Ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đang xử lý khẩn cấp đê hữu sông Mã đoạn km39+350 đến km39+550 thuộc phường Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) bị sạt lở nghiêm trọng. Đây là công trình đê điều cấp 1, được tỉnh phê duyệt điều chỉnh dự án với kinh phí hơn 34 tỷ đồng.

Mưa lớn kèm triều cường những ngày qua khiến bờ biển của tỉnh Thừa Thiên - Huế bị sạt lở hàng chục điểm. Do thiếu kinh phí cho nên việc xây các kè, đê dọc biển còn hạn chế. Từ đầu năm 2018, tỉnh chủ trương đầu tư dự án kè chống sạt lở bờ biển đoạn Thuận An - Tư Hiền, với kinh phí hơn 300 tỷ đồng. Dự án sẽ bảo vệ hơn 1.300 hộ dân, 85 ha nuôi trồng thủy sản, 450 ha lúa của năm xã bãi ngang ven biển.

Ngày 18-12, UBND huyện Quảng Điền (Thừa Thiên - Huế) cho biết, các tuyến đường tỉnh lộ 4, đường liên xã, đường vào ba thôn: An Xuân Đông, An Xuân Tây và An Xuân Bắc, xã Quảng An có nhiều điểm bị ngập sâu từ 0,4 đến 0,5 m, kéo dài từ 50 đến 100 m. Sông Bồ qua các xã Quảng An, Quảng Thành, Quảng Thọ… có nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng. Ngành chức năng đã bố trí lực lượng hướng dẫn người dân đi lại các ngầm tràn, nơi ngập sâu nhằm bảo đảm an toàn cho người và phương tiện giao thông.

Hiện, tỉnh Quảng Trị có gần 119 km bờ sông bị sạt lở, ảnh hưởng đến hơn 2.360 hộ dân, trong đó có gần 600 hộ sống trong vùng đặc biệt nguy hiểm. Giai đoạn 2018 - 2030, tỉnh cần hơn 1.600 tỷ đồng để ứng phó sạt lở bờ sông, bờ biển.

Tỉnh Đồng Tháp đã kiến nghị Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai trình Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ 151,7 tỷ đồng cho tỉnh, nhằm gia cố, nâng cấp bờ bao, cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất và đời sống người dân. Năm 2018, tổng thiệt hại do lũ, bão gây ra tại tỉnh ước khoảng 197 tỷ đồng.

Diện tích cây có múi của tỉnh Hòa Bình đạt gần 10 nghìn ha, với năng suất 24 tấn/ha, sản lượng đạt 123 nghìn tấn. Hiện, địa phương có khoảng 1.000 ha cam, quýt, bưởi được cấp chứng nhận VietGAP và dán tem truy xuất nguồn gốc trên quả và bao bì...

Mùa vải 2019, huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) sẽ đưa vào trồng khoảng 20 ha vải hữu cơ. Theo đó, các hộ trồng sẽ được phổ biến kỹ thuật, được ký hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp. Các vườn vải sẽ được lắp ca-mê-ra giám sát và nhật ký điện tử.

Tỉnh Tiền Giang có gần 75 nghìn ha vườn cây ăn quả, cho sản lượng mỗi năm hơn 1,39 triệu tấn trái cây. Năm 2018, tỉnh xuất khẩu hơn 10.500 tấn rau quả chế biến, đạt kim ngạch 17,22 triệu USD, tăng 28,2% về lượng và tăng 20,11% về giá trị so với năm 2017.

Tỉnh Trà Vinh có kế hoạch nâng cấp chuỗi giá trị dừa, giai đoạn 2018-2020. Sẽ có ba nhóm giải pháp chính gồm: cải tiến công nghệ, kỹ thuật; phát triển thị trường; nâng cao vai trò hỗ trợ phát triển của các ban, ngành, dự án. Hiện, Trà Vinh có hơn 20 nghìn ha dừa, sản lượng hơn 150 triệu quả/năm.

Hiện, diện tích cà-phê của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng hơn 5.130 ha, năng suất trung bình đạt 17,9 tạ/ha. Hầu hết các vườn cà-phê tại đây đều được trồng xen canh với cây hồ tiêu hoặc cây trồng khác. Năm nay, sản lượng cà-phê tăng so với năm 2017, nhưng giá cà-phê đang ở mức thấp, từ 33 đến 34 nghìn đồng/kg.

Các nhà vườn sản xuất trái cây tạo hình ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Hậu Giang) sẽ cung cấp khoảng 8.000 đến 9.000 trái cây tạo hình ra thị trường trong dịp Tết sắp tới. Năm nay, do thời tiết diễn biến phức tạp cho nên sản lượng giảm gần 30% so với mọi năm.

Sáng 18-12, tàu CSB 1011 thuộc Hải đội 102 - Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 đã đưa toàn bộ sáu ngư dân cùng tàu cá mang số hiệu NĐ - 92956 TS về đến cảng Hòn La an toàn để bàn giao cho Đồn Biên phòng Roòn (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình). Trước đó, tàu cá mang số hiệu NĐ - 92956 TS gặp nạn tại khu vực phía đông cách đảo Hòn La (Quảng Bình) 35 hải lý.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/38617602-tap-trung-xu-ly-khac-phuc-sat-lo-de-bo-bien.html