Tasco có đủ năng lực khi tham gia là nhà thầu dự án cao tốc Bắc - Nam?

Cùng với 3 doanh nghiệp giao thông lớn trong nước là Đèo Cả, Cienco4 và Phương Thành, Cty CP Tasco cũng tham gia nộp hồ sơ thầu dự án cao tốc Bắc - Nam, tuy nhiên, trước hàng loạt 'lùm xùm' liên quan đến các dự án BT, BOT liệu Tasco có đủ năng lực khi tham gia là nhà thầu cho dự án này?

Sau một thời gian xả trạm do người dân phản đối kéo dài, hiện nay trạm thu phí Mỹ Lộc đã chính thức thu phí trở lại. (Nguồn: Baodauthau.vn)

Là đơn vị đã triển khai nhiều dự án BOT tại các tỉnh Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình và Quảng Bình, Tasco đã liên danh với hai nhà đầu tư nước ngoài mong muốn tham gia vào 3 dự án cao tốc Mai Sơn - QL45, Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (BĐS), đặc biệt là các doanh nghiệp thực hiện các dự án BT, BOT, nguồn vốn của doanh nghiệp đang bị phụ thuộc lớn vào vốn vay từ ngân hàng. Mặt khác, không ít ngân hàng cũng lâm vào cảnh phải rao bán BĐS nhằm thu hồi lại phần tín dụng đã cấp. Trong đó, Tasco là đơn vị được biết đến với các dự án BOT lớn cũng có giá trị nợ vay chiếm trên 50% nguồn vốn.

Hết quý I/2019, tổng giá trị vay và nợ thuê tài chính của Tasco ở mức 5.508 tỷ đồng, trong đó 5.438 tỷ là nợ vay dài hạn. Hiện nợ phải trả của Tasco chiếm 7.651 tỷ đồng, tương ứng 70% tổng nguồn vốn doanh nghiệp.

Tìm hiểu được biết, các khoản vay này nhằm thực hiện các dự án BT, BOT, dự án xây dựng hệ thống thu phí không dừng và kiểm soát tải trọng xe, dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện mắt Hà Nội cơ sở 2.

Riêng trong quý I, chi phí lãi vay mà Tasco phải trả là 61,9 tỷ đồng, gần bằng cả lợi nhuận gộp thu về trong quý. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thua lỗ trong 2 quý gần đây của doanh nghiệp.

Theo Tasco, việc 3 trên 5 trạm thu phí BOT của doanh nghiệp này không thu được phí đã ảnh hưởng rất lớn tới dòng tiền và hiệu quả hoạt động, phá vỡ các dự tính và dự báo của công ty này trong năm 2018. Đó là, BOT Đông Hưng, BOT Mỹ Lộc, QL10 Hải Phòng (vướng mặt bằng), BT 39 (chưa quyết toán xong), thu phí không dừng VETC (khó khăn lắp đặt thiết bị), giá thành tăng cao... Do vậy, nguồn thu từ BOT liên tục sụt giảm.

Ô biệt thự số 9 (ký kiệu BT9) “phá vỡ” quy hoạch tại dự án Foresa Villa.

Trước đó, Báo điện tử Xây dựng từng đăng tải thông tin, tại dự án Xuân Phương Residence (Foresa Villa) xuất hiện hàng loạt ngôi nhà xây dựng không đúng với thiết kế ban đầu mà thay đổi kết cấu, phá nát quy hoạch đô thị. Một số lô còn được đập thông các sàn bê tông, phá dỡ diện tích ban công tầng 1, tầng 2, tầng 3, tầng 4. Cơi nới, mở rộng diện tích sân, cấy thêm dầm, dựng cột bê tông, xây tường… trái phép.

Bên cạnh đó, Tasco còn xây dựng khu đô thị Mỹ Đình – Nam Từ Liêm (Hà Nội) với mức đầu tư “khủng” 3.500 tỷ đồng với quy mô lên tới 49ha, gồm 400 căn hộ thấp tầng. Tuy nhiên, cũng giống như ở Xuân Phương Residence, vài căn biệt thự đã được thiết kế khác đi, không giống những căn biệt thự trong khu đô thị được xây dựng kết cấu 3 tầng, 1 tầng áp mái. Cụ thể, ở vị trí lô BT9-1 trong ô biệt thự số 9 (ký kiệu BT9) lại hình thành một lâu đài nguy nga, tráng lệ có kiến trúc khác biệt hoàn toàn. Tòa nhà này sở hữu tới 3 mặt tiền được thiết kế xây dựng theo phong cách châu Âu trong một khuôn viên rộng hàng trăm m2 với rất nhiều chi tiết cầu kỳ, bắt mắt.

Dù Tasco đã phải “tháo chạy” khỏi các dự án BOT sau một thời gian dài hoạt động kém hiệu quả, tuy nhiên, sau khi chuyển hướng kinh doanh sang BĐS và y tế, tình hình hoạt động của Tasco cũng được đánh giá là không mấy khả quan. Các dự án BĐS thì vướng phải những “nghi án” và bị người dân phản đối, gây xôn xao dư luận. Hàng loạt những báo cáo tài chính cho thấy dấu hiệu sụt giảm của “ông trùm” BOT một thời.

Như vậy, với nguồn vốn “mỏng” nhưng Tasco hiện đang là nhà thầu của nhiều dự án đình đám, vượt cả số vốn hiện có, điều này khiến dư luận đang nghi ngờ về năng lực thực hiện của công ty.

PV

Theo

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/hoi-_-dap/tasco-co-du-nang-luc-khi-tham-gia-la-nha-thau-du-an-cao-toc-bac-nam.html