Tất bật 'hồi sinh' và bắt đầu vụ hoa đào mới

Những ngày đầu Xuân Canh Tý 2020, người trồng hoa đào ở huyện Mê Linh (Hà Nội) bắt đầu một vụ mới, hy vọng mùa vụ thắng lợi.

Vợ chồng ông Nguyễn Anh Tuấn chăm sóc các mắt đào ghép.

Theo xu hướng thị trường

Ông Lê Sĩ Thuận (xóm 6, thôn Văn Quán, xã Văn Khê) chia sẻ: Gia đình trồng đào được khoảng 10 năm nay, phần lớn trồng đào bích và đào phai. Vụ đào Tết Canh Tý, giá hoa đào không cao, nhu cầu tiêu thụ không nhiều nên gia đình chỉ có thu nhập được khoảng 100 triệu đồng. Một số gốc đào trồng ở các ruộng cách xa đường giao thông không bán được, tôi bắt đầu chuyển về thửa ruộng gần đường để tạo thế phôi cho vụ đào mới.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn (thôn Phù Trì, xã Kim Hoa), bên cạnh việc trồng các gốc đào bích, đào phai loại nhỏ, gia đình ông luôn coi trọng việc trồng các gốc đào rừng cỡ lớn. Hàng năm, ông thường lên các vùng Lai Châu, Điện Biên để đặt mua các gốc đào rừng; khoảng tháng 10 thì bán xong vụ đào của năm trước trồng; tháng 11, ông bắt đầu chuyển các gốc đào rừng về trồng và ghép mắt, tới nay các mắt đào cho vụ Tết mới sinh trưởng khá tốt.

Tùy theo nhu cầu người mua mà các chủ trồng đào nơi đây tập trung đa dạng các giống đào để phục vụ tối đa các “thượng đế” săn mua dịp Tết.

“Hồi sinh” đào

Hiện, nhiều nơi trên địa bàn huyện Mê Linh, người dân hăng hái ra đồng để chăm sóc và chuẩn bị đất cho vụ hoa đào mới. Theo một số bà con, nếu hộ nào bán hết hoa đào trong năm thì tiến hành chuẩn bị xới đất, mua đất,... để sau 15 tháng Giêng sẽ đi gom phôi về trồng; hộ nào chưa bán hết đào thì tiến hành cắt tỉa, chăm sóc chuyển ra ruộng,...

Sau Tết, bà con làng đào Mê Linh còn thêm một việc đó là tất bật thu đào về “hồi sinh” tại vườn, cuốc đất, cắt tỉa tạo lại dáng cho cây đào với hy vọng một năm “mưa thuận gió hòa”, giúp cây đào nở đúng dịp.

Được biết, một gốc đào nếu được chăm sóc cẩn thận có thể được quay vòng 7 - 8 năm. Sau khi mang đào về chăm sóc tại vườn, người trồng tiếp tục tạo dáng rồi trông chờ vào dịp Tết Nguyên đán năm sau. Lúc đó, nếu gốc đào già hơn, đẹp hơn, giá thuê có thể tăng lên so với năm trước.

Cái “may rủi” mà người trồng đào nhắc đến, đó là nỗi lo cho sự sinh trưởng của cây sau khi chở cây về từ nhà khách hàng. Một gốc đào được chăm sóc từ A đến Z trong vòng 1 năm, bao gồm các chi phí về phân bón, công người chăm sóc và xác suất sinh trưởng của cây. Vì thế, nghề trồng đào cũng lắm công phu, bởi phải thật chăm chút và am hiểu kỹ thuật thì mới có cây đào đẹp trưng trong dịp Tết.

Đình Hợi

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/tat-bat-hoi-sinh-va-bat-dau-vu-hoa-dao-moi-post33403.html