Tất cả các mẫu nước xét nghiệm đều đạt quy chuẩn về Styren

Theo Thông báo của Sở Y tế Hà Nội, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố, ngày 18/10/2019, Sở tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội trực tiếp lấy mẫu nước tại các vị trí theo hệ thống cung cấp và phối hợp Viện Công nghệ Môi trường - Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam tiến hành phân tích mẫu nước, kết quả cụ thể như sau:

Nhà máy nước sông Đà (ảnh NM)

Sở đã lấy 04 mẫu nước của nhà máy nước Sông Đà tại các vị trí: Mẫu nước thành phẩm tại nhà máy; Bể chứa trung gian tại xã Bình Yên, Thạch Thất; Trạm điều tiết Tây Mỗ; (4) Họng 1.200 Big C; Xét nghiệm chỉ tiêu Styren theo QCVN 01:2009/BYT. Kết quả: 04/04 mẫu đạt quy chuẩn về Styren theo QCVN 01:2009/BYT (kết quả của Viện Công nghệ Môi trường - Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam cung cấp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội trực tiếp lấy và chuyển mẫu).

Về kết quả kiểm tra chất lượng nước tại hộ gia đình, Sở Y tế đã lấy 15 mẫu nước tại hộ gia đình sử dụng nước trong mạng cấp của công ty nước sạch Sông Đà thuộc 5 quận huyện: quận Thanh Xuân (phường Phương Liệt, Thanh Xuân Trung), quận Hoàng Mai (phường Đại Kim), quận Cầu Giấy (phường Mai Dịch, Trung Hòa), quận Nam Từ Liêm (phường Mễ Trì, Đại Mỗ) và huyện Hoài Đức (xã Di Trạch, Vân Côn); Xét nghiệm chỉ tiêu Styren theo QCVN 01:2009/BYT. Kết quả: 15/15 mẫu đạt quy chuẩn về Styren theo QCVN 01:2009/BYT (kết quả của Viện Công nghệ Môi trường - Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam cung cấp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội trực tiếp lấy và chuyển mẫu).

Sở Y tế sẽ tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội trực tiếp lấy mẫu nước trong các ngày tiếp theo và phối hợp Viện Công nghệ Môi trường - Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam , Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường - Bộ Y tế lấy mẫu nước của Nhà máy nước Sông Đà và các hộ dân để phân tích đánh giá chất lượng nước sinh hoạt.

Được biết, Styren là chất hữu cơ lỏng không màu, có vị ngọt, nhẹ hơn nước, không tan trong nước, dễ bay hơi và bốc mùi khó chịu khi đậm đặc. Styren tồn tại khá phổ biến trong môi trường sống, chúng có trong khói thuốc lá, khí thải phương tiện giao thông, được sử dụng trong công nghiệp hóa dầu, sản xuất cao su, nhựa, thậm chí hộp xốp đựng thực phẩm.

PV

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tat-ca-cac-mau-nuoc-xet-nghiem-deu-dat-quy-chuan-ve-styren-98213.html