Tất cả đã sẵn sàng

Với thông điệp 'Đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp', Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp (GDNN) toàn quốc năm 2018 sẽ diễn ra tại Thủ đô Hà Nội từ 15 - 21/9. Đến nay, mọi công tác chuẩn bị cho Hội giảng đã được thành phố Hà Nội hoàn tất, sẵn sàng cho một mùa Hội giảng thành công.

Các ban, ngành đều vào cuộc tích cực

Đại diện địa phương được giao đăng cai tổ chức Hội giảng, bà Nguyễn Thanh Nhàn – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) TP Hà Nội, Phó Trưởng Ban Tổ chức Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc - cho biết: Ngay từ đầu năm, Sở đã thành lập Ban Tổ chức và đến nay, các công tác chuẩn bị cho Hội giảng đã hoàn tất.

Ông Trương Anh Dũng – Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục GDNN thông tin tới báo chí về Hội giảng nhà giáo GDNN. Ảnh: L.N

Cụ thể, về công tác tuyên truyền: Sở đã chỉ đạo các cơ quan báo chí địa phương truyền thông thực hiện và có kế hoạch chi tiết truyền thông trước, trong và sau Hội giảng. Sở cũng đã có kế hoạch tuyên truyền cờ, phướn, băngrôn, khẩu hiệu trên 17 tuyến phố của TP Hà Nội, đặc biệt là tại cơ quan Tổng cục GDNN, 2 đơn vị đăng cai tổ chức thi, nơi diễn ra khai mạc và bế mạc và các tuyến phố lân cận...

Thành phố cũng đã giao Điện lực TP Hà Nội đảm bảo điện thông suốt trong thời gian các giáo viên dự thi, đảm bảo 373 bài giảng được hoàn thành thông suốt; giao Công an Thành phố, các lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, Cảnh sát giao thông được đảm bảo an ninh, an toàn cho các đội trong quá trình di chuyển từ nơi nghỉ đến điểm thi.

Bên cạnh đó, ngành y tế Thủ đô đã sẵn sàng về cơ sở vật chất, cử nhân lực trực, sẵn sàng chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, giáo viên dự thi. Ngành du lịch đã vào cuộc, thông tin tới các đoàn dự thi về khách sạn, điểm du lịch để có thể lựa chọn sau kỳ thi; giới thiệu những tour du lịch hợp lý, qua đó góp phần quảng bá về văn hóa, du lịch Thủ đô tới bạn bè trên cả nước.

Về công tác tổ chức lễ khai mạc và bế mạc Hội giảng, bà Nguyễn Thanh Nhàn cho biết: Sở LĐTBXH TP Hà Nội đã phối hợp với Truyền hình Hà Nội lên kịch bản chi tiết, đảm bảo tổ chức tốt lễ khai mạc và bế mạc, trong đó lễ bế mạc sẽ được truyền hình trực tiếp.

Đặc biệt, tại hai đơn vị đăng cai là Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội và Trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội, đã chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất, từ phòng trình giảng đến cảnh quan xung quanh, từ ngày 12/9 đã có thể đón các đoàn đến thăm quan, làm quen với môi trường để đảm bảo thực hiện bài thi tốt nhất.

Bà Nhàn tin rằng với sự chuẩn bị chu đáo của Tổng Cục GDNN, UBND thành phố Hà Nội và sự vào cuộc tích cực của các ban, ngành của Thủ đô Hà Nội, các nhà giáo GDNN trên toàn quốc về dự Hội giảng sẽ có ấn tượng tốt đẹp nhất về sự đón tiếp chu đáo, nồng hậu từ địa phương đăng cai.

Thông tin thêm về sự chuẩn bị của trường đăng cai tổ chức Hội giảng, ông Phạm Đức Vinh – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội cho biết: Trường 44 năm thành lập, đây là lần thứ hai trường vinh dự đăng cai Hội giảng. Bày tỏ niềm tự hào được đăng cai tổ chức kỳ Hội giảng năm nay, ông Nguyễn Thành Long – Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội cho biết: Ngay từ cuối năm 2017, công tác chuẩn bị, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp về cơ sở vật chất đã được nhà trường chuẩn bị.

Trường sẽ huy động hơn ½ nhân lực phục vụ cho Hội giảng; Trung tâm Y tế huyện đã có xe cấp cứu ứng trực tại điểm thi; các tiểu ban như: Tiểu ban phục vụ thiết bị, tiểu ban phục vụ ăn uống, tiểu ban vận chuyển thiết bị; tiểu ban phục vụ giảng dạy... Tất cả đều đã sẵn sàng cho Hội giảng nhà giáo GDNN năm 2018.

373 nhà giáo sẽ trình giảng 90 nghề

Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2018 có tổng số 373 nhà giáo đến từ 244 cơ sở GDNN của 56 tỉnh, thành phố trong cả nước, tham gia trình giảng ở 90 nghề. Đây là Hội giảng đầu tiên thực hiện Luật GDNN, có quy mô lớn, số ngành nghề thi tăng, có một số ngành, nghề mới được bổ sung.

Theo đó, Hội giảng sẽ được tổ chức trình giảng từ 13h00 ngày 15/9 đến hết ngày 20/9/2018 tại 2 địa điểm: Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội và Trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội.

Tại Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội (131 phố Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội), sẽ có 16 tiểu ban: 1.Công nghệ thông tin; 2.Kỹ thuật điện tử; 3.Kỹ thuật điện I; 4.Kỹ thuật điện II; 5.Kỹ thuật điện III; 6.Kỹ thuật cơ khí; 7.Kỹ thuật Hàn; 8.Quản lý kinh doanh-Kế toán; 9.Nông, lâm nghiệp và Thủy sản; 10.Du lịch, Khách sạn, Nhà hàng; 11.Động lực; 12.Ô tô (các bài giảng nghề Công nghệ ô tô); 13.Điều dưỡng-Hộ sinh; 14.May và Thiết kế thời trang; 15.Tổng hợp I (gồm các nghề: Nghệ thuật biểu diễn, Kỹ thuật xây dựng, Quản lý đất đai, Kỹ thuật điêu khắc gỗ, Cấp thoát nước, Khảo sát địa hình, Dịch vụ bưu chính và viễn thông, Khai thác mỏ hầm lò, Vận hành thiết bị chế biến dầu khí, Trang điểm cô dâu); 16.Tổng hợp II (gồm các nghề: Dược, Công nghệ sinh học, Chăn nuôi-Thú y, Công nghệ kỹ thuật chế biến và bảo quản thực phẩm, Chế biến thực phẩm). Tại Trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội (Minh Khai, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) có Tiểu ban Ô tô (gồm các bài giảng nghề Lái xe ô tô).

Tại cuộc họp báo chiều 10/9, ông Trương Anh Dũng – Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục GDNN cho hay, Hội giảng nhà giáo GDNN được Tổng cục GDNN tổ chức định kỳ 3 năm/1 lần, nhằm góp phần nâng cao chất lượng GDNN, khuyến khích, động viên nhà giáo học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ, qua đó đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, học tốt.

Bảo Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tat-ca-da-san-sang-79824.html