Tất tần tật những điều mẹ cần biết về dây rốn quấn cổ để phòng tránh hiệu quả

Dây rốn quấn cổ là một trong những hiện tượng quen thuộc mà nhiều thai nhi gặp phải. Để hiểu hơn về tình trạng này, mẹ hãy tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.

Tìm hiểu về hiện tượng dây rốn quấn cổ

Dây rốn được coi là “cầu nối” vận chuyển dinh dưỡng và oxy từ bánh nhau tới thai nhi. Một dây rốn dài khoảng 56 cm, bình thường sẽ nằm lơ lửng ở phía trên thai nhi. Sau khi mẹ sinh, bác sĩ sẽ cắt dây rốn để một đầu dính trên bụng bé, đầu còn lại theo nhau thai ra ngoài.

Tuy nhiên, trong quá trình mang thai, sự chuyển động của thai nhi khiến dây rốn vô tình quấn vào cổ thai nhi, có thể là một hay nhiều vòng. Hiện tượng này chính là dây rốn quấn cổ hay còn được dân gian gọi với tên “tràng hoa quấn cổ”.

Tại sao dây rốn quấn cổ thai nhi?

Theo thống kê có tới 30% trẻ chào đời dưới tình trạng dây rốn quấn cổ. Sở dĩ như vậy là do có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này:

– Đầu tiên là sự chuyển động không ngừng của thai nhi. Trong bụng mẹ, bé thường vận động rất nhiều, nhẹ thì duỗi tay chân, quay một vòng, cấm nắm dây rốn, mạnh thì lộn nhào, “tung chưởng”,…. Chính những cử động này làm dây rốn không ở nguyên vị trí mà bị quấn vào cổ bé.

Có tới 30% trẻ chào đời trong tình trạng dây rốn quấn cổ.

– Độ dài của dây rốn: Không phải dây rốn nào cũng có độ dài giống nhau. Dây rốn càng dài, nguy cơ tràng hoa quấn cổ càng cao.

– Chỉ số nước ối bất thường cũng làm tăng nguy cơ thai nhi bị dây rốn quấn quanh cổ.

– Sự vận động của mẹ: Nếu mẹ lao động mệt nhọc, thai nhi sẽ có xu hướng quay đầu xuống dưới, dẫn đến tình trạng dây rốn cuộn quanh thai nhi.

Dấu hiệu nhận biết dây rốn quấn cổ

Dây rốn quấn cổ thường xảy ra trong những tháng cuối thai kỳ. Trong đó, siêu âm là biện pháp duy nhất để biết được tình trạng này. Do đó, để phát hiện sớm, mẹ cần đi siêu âm thai đúng định kỳ nhé.

Bên cạnh đó, mẹ có thể nghi ngờ bé bị dây rốn quấn cổ nếu thấy thai máy bất thường. Khi dây rốn quấn quanh cổ bé, thai nhi có thể bị hạn chế cử động nên động tác máy không nhiều như lúc trước.

Cũng có thể xảy ra trường hợp dây rốn quấn quá chặt khiến lượng oxy cung cấp tới thai nhi không đủ, thai sẽ đạp nhiều hơn bình thường. Cách tốt nhất là trong những tháng cuối thai kỳ, mẹ thường xuyên đếm số lần thai máy để nhanh chóng phát hiện nếu có vấn đề bất thường nhé.

Dây rốn quấn cổ thai nhi có nguy hiểm không?

Tùy từng trường hợp mà dây rốn quấn cổ ảnh hưởng tới mẹ bầu và thai nhi khác nhau.

Với thai nhi

Nhiều mẹ bầu lo sợ rằng khi bị dây rốn quấn cổ, quá trình cung cấp dinh dưỡng và oxy sẽ bị ảnh hưởng tới sự phát triển của bé. Trên thực tế, điều này không hoàn toàn đúng. Một số bé có thể tự tháo được vòng quấn của dây rốn khi chuyển động trong bụng mẹ. Còn phần lớn số còn lại chào đời khỏe mạnh trong tình trạng dây rốn quấn quanh cổ.

Thực chất chỉ có một vài trường hợp là nguy hiểm khi dây rốn bị thắt quá chặt nhưng rất hiếm gặp. Để biết thai nhi có bình thường không, mẹ có thể đề nghị bác sĩ xác định lượng máu đi qua dây rốn.

Trong chuyển dạ

Nếu gặp phải tình trạng này, khi chuyển dạ, dây rốn có thể làm cho thai nhi bị treo lên cao nên sẽ gặp khó khăn để lọt qua được tử cung của mẹ. Vì thế, mẹ hãy tham khảo thật kỹ ý kiến của bác sĩ sản khoa để chọn được phương pháp sinh hợp lý nhé.

Đối với trẻ sau sinh

Trong một số trường hợp nguy hiểm, dây rốn khiến bé bị thiếu oxy nên có thể gây các phản ứng co giật, chân tay run sau sinh. Khi đó, mẹ cần đưa bé tới bệnh viện để khám ngay nhé.

Cách tốt nhất để phòng tránh tình trạng này là duy trì một thai kỳ khỏe mạnh.

Mẹ nên làm gì khi thai nhi bị dây rốn quấn cổ?

Điều đầu tiên mẹ cần biết là tình trạng này không nguy hiểm như mẹ nghĩ nên đứng lo lắng quá. Thực tế có khả nhiều bé tự tháo được dây rốn quấn cổ khi ở tuần thai thứ 18 – 25.

Nếu trong trường hợp, bé bị quấn cổ khi đã lớn, sẽ không có phương pháp nào để tháo gỡ được thì việc mẹ cần làm theo khám thai theo đúng lịch định kỳ của bác sĩ và thường xuyên theo dõi thai máy. Khi thấy bé đạp quá ít hoặc quá nhiều thì cần đến bệnh viện kiểm tra ngay.

Về phương pháp sinh: Không nhất thiết mẹ phải sinh mổ. Tùy vào tình hình của mẹ mà bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định phù hợp. Hầu hết những thai nhi chỉ bị dây rốn quấn một vòng thì đều có thể sinh thường khỏe mạnh được.

Cách phòng tránh dây rốn quấn cổ

Để phòng tránh tình trạng này, mẹ bầu cần duy trì một thai kỳ khỏe mạnh với những lưu ý sau:

– Chế độ dinh dưỡng điều độ: Mẹ cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất và tránh sử dụng các thực phẩm có hại như: thuốc lá, rượu bia, đồ ăn tái, sống,…

– Tập thể dục khi mang thai: Mẹ nên tập thể dục đều đặn để cơ thể khỏe khoắn và nhớ tránh các môn thể thao nặng như: chạy bổ, nhảy,…

– Sinh hoạt khoa học: Mẹ cần nghỉ ngơi đẩy đủ, ngủ đủ giấc, không thức đêm hay để tâm trạng căng thẳng, mệt mỏi.

– Khám thai đúng định kỳ: Mẹ cần đi siêu âm và khám thai thường xuyên để theo dõi thai nhi một cách chính xác nhất nhé.

T/H

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/tat-tan-tat-nhung-dieu-me-can-biet-ve-day-ron-quan-co-de-phong-tranh-hieu-qua-270510.html