Tất tay áp thuế với Trung Quốc, Trump đang chơi canh bạc đầy rủi ro?

'Người đàn ông thuế quan đã trở lại và nguy hiểm hơn bao giờ hết đối với nền kinh tế của chúng ta', một chuyên gia nhận định.

Đánh vào điểm tựa của kinh tế Mỹ - chi tiêu tiêu dùng

Cuộc chiến thương mại leo thang chống lại Trung Quốc của Tổng thống Donald Trump có nguy cơ gây ra một cú sốc mạnh mẽ cho nền kinh tế Mỹ mà ngay cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng không thể chống đỡ nổi.

FED đã cắt giảm lãi suất trong tuần này lần đầu tiên sau gần 11 năm, để giúp làm giảm rủi ro suy thoái kinh tế ở Mỹ. Chỉ 24 giờ sau, ông Trump đã làm tăng rủi ro này bằng cách tuyên bố sẽ áp thuế quan đối với 300 tỷ USD hàng nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc, lần đầu tiên sẽ tác động trực tiếp đến người mua sắm Mỹ.

Mặt trận mới trong cuộc chiến thương mại sẽ chỉ thúc đẩy thêm sự suy thoái trong sản xuất đang diễn ra trên toàn cầu. Điều này sẽ tiếp tục làm suy giảm niềm tin kinh doanh hơn nữa và thậm chí có thể lấy đi sự lạc quan của người tiêu dùng.

"Nó có thể gây tổn hại lớn đến nền kinh tế toàn cầu. Nguy cơ suy thoái kinh tế đã tăng lên do sự leo trở lại của thương chiến", bà Kristina Hooper, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại Invesco, nói.

Vào ngày 1/8, Trump đã khiến các nhà đầu tư rúng động bằng cách đột ngột tuyên bố chấm dứt thỏa thuận ngừng bắn thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đạt được tại hội nghị G20 vào cuối tháng 6 vừa qua. Mặc dù các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục, Trump đã tweet rằng ông có kế hoạch áp thuế 10% đối với hàng nhập khẩu còn lại từ Trung Quốc.

"Điều đó khiến tôi rất quan ngại rằng chúng ta đang hướng tới một sự suy thoái lớn trên toàn cầu," Hooper nói. Trump cũng để ngỏ khả năng thuế quan đối với Trung Quốc sẽ tăng lên 25%.

Ngoài tác động trực tiếp của thuế quan, sự leo thang trong căng thẳng thương mại có nguy cơ giáng một đòn mạnh vào niềm tin kinh doanh.

Diễn biến khó lường của cuộc chiến thương mại khiến các CEO khó lập kế hoạch cho tương lai. Thay vì thuê nhân công và mở nhà máy mới, nhiều công ty có thể quyết định tạm dừng kế hoạch.

"Người đàn ông thuế quan đã trở lại và nguy hiểm hơn bao giờ hết đối với nền kinh tế của chúng ta", Peter Boockvar, giám đốc đầu tư của Bleakley Advisory Group, viết trong một ghi chú cho khách hàng vào ngày 2/8.

Trong một cuộc phỏng vấn với CNN Business, Boockvar lập luận rằng điều duy nhất khiến Mỹ thoát khỏi suy thoái là sức mạnh của chi tiêu tiêu dùng.

Điều duy nhất khiến Mỹ thoát khỏi suy thoái là sức mạnh của chi tiêu tiêu dùng. Ảnh: Market Watch.

Tuy nhiên, thuế quan của Trump sẽ tác động đến một loạt các sản phẩm tiêu dùng, có khả năng khiến nhiều các mặt hàng tăng giá, bao gồm may mặc, giày dép và đồ điện tử như điện thoại thông minh, máy tính xách tay và máy tính bảng.

Trong năm 2018, 42% hàng may mặc và 69% giày dép được bán ở Mỹ đã được nhập khẩu từ Trung Quốc, theo Hiệp hội May mặc và Giày dép Mỹ. "Điều này sẽ làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng," Boockvar nói.

Nếu vòng áp thuế quan mới nhất có hiệu lực, Boockvar cho biết xác suất Mỹ sẽ rơi vào suy thoái kinh tế là trên 50%.

Trung Quốc sẽ làm gì để đáp trả?

Có thể là Trump sẽ rút lại lời đe dọa áp thuế quan mới nhất của ông. Một khả năng khác là nỗi lo về việc bị áp thuế quan buộc Bắc Kinh phải nhượng bộ, đủ để cho phép cả hai bên tuyên bố chiến thắng. Cả hai viễn cảnh này đều có thể tạo ra cú hích lớn cho nền kinh tế.

Nhưng một số nhà quan sát lo ngại áp lực gia tăng của Trump đối với Trung Quốc sẽ gây tác dụng ngược, kích động sự trả đũa, làm tăng thêm áp lực kinh tế.

"Ván cược của Trump dường như sẽ không có hiệu quả", Michael Hirson, một chuyên gia của Eurasia, đã viết trong một ghi chú vào ngày 1/8. "Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không thể chấp nhận sự thực rằng ông đã bị Trump ép buộc vào thỏa thuận."

Người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố rằng mặc dù không muốn, nhưng nước này "sẽ chiến đấu nếu cần thiết". Vị quan chức này nói rằng Trung Quốc sẽ phải "thực hiện các biện pháp đối phó cần thiết", nhưng không nói rõ sự trả đũa đó sẽ là gì.

Các lựa chọn của Bắc Kinh bao gồm áp thuế đáp trả, hạn chế việc cung cấp khoáng sản đất hiếm mà ngành công nghiệp công nghệ toàn cầu phụ thuộc và phá giá đồng Nhân dân tệ.

Ngay cả trước khi Trump làm leo căng thẳng thang thương mại trong tuần này, hoạt động sản xuất trên thế giới chậm lại thấy rõ. Chỉ số niềm tin sản xuất toàn cầu của Barclays trong tháng 7 đã giảm sâu hơn. Barclays nói: "Đây là một cảnh báo khác về suy thoái sản xuất toàn cầu đang diễn ra."

Hoạt động nhà máy ở Mỹ đã giảm trong tháng 7 xuống mức yếu nhất trong gần ba năm.

Nhiều người nói rằng cuộc chiến thương mại là nguyên nhân của sự suy thoái sản xuất toàn cầu, nhưng điều đó chỉ có thể đúng một phần.

Lakshman Achuthan, đồng sáng lập Viện nghiên cứu Kinh tế (Economic Research Institute), cho biết hoạt động sản xuất đã bắt đầu chậm lại từ trước khi cuộc chiến thương mại nổ ra vào mùa xuân năm 2018.

"Cuộc chiến thương mại là rất tiêu cực. Nó diễn ra ngay lúc kinh tế giới sắp rơi vào suy thoái theo chu kỳ", Achuthan nói.

Nói cách khác, Mỹ đang tự gây ra một cú sốc tại thời điểm nền kinh tế toàn cầu đang rất nhạy cảm. “Mọi người không hiểu. Nền kinh tế của chúng ta đang trong tình trang dễ bị tổn thương. Một cú sốc tiêu cực mà chúng ta nghĩ rằng có thể chịu được sẽ trở thành một cú sốc suy thoái", Achuthan nói. "Chúng ta chắc chắn đang đi vào vòng suy thoái."

FED cũng không thể chống đỡ

Một số người đã suy đoán rằng ông Trump đang leo thang cuộc chiến thương mại để khiến FED lắng nghe yêu cầu hạ lãi suất thấp hơn.

Đó sẽ là một canh bạc rủi ro vì không có gì đảm bảo FED sẽ hành động, cũng như việc cắt giảm lãi suất sẽ có hiệu quả.

Động thái hạ lãi suất của FED là một trong những điểm tựa để Trump leo thang thương chiến? Ảnh: Fox Business.

Ông Aditya Bhave, Chuyên gia Kinh tế toàn cầu tại Bank of America Merrill Lynch nói rằng có thể Trump đã tăng sức nóng đối với Trung Quốc vì sau đợt cắt giảm lãi suất mới nhất của FED.

"Chúng tôi nghĩ rằng FED đang vô tình khuyến khích một lập trường táo bạo hơn về thương mại," ông nói.

Và trong khi phố Wall nhận định rằng FED có thể sẽ lại cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay để đối phó với căng thẳng thương mại leo thang. Bhave nhận định: "Nếu FED tiếp tục cắt giảm lãi suất và chính sách thương mại tiếp tục trở nên diều hâu hơn và FED sẽ hết đạn để chống lại cuộc suy thoái tiếp theo."

Nguồn CNN Money

Bá Ước

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/the-gioi/tat-tay-ap-thue-voi-trung-quoc-trump-dang-choi-canh-bac-day-rui-ro-3329854/