Tàu 5000 tỷ giảm tắc Tân Sơn Nhất: Lo thầu Trung Quốc

Ý tưởng làm tàu điện trên cao giảm ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất là hợp lý, nhưng chỉ lo ngại dùng công nghệ Trung Quốc.

Ý tưởng tốt nhưng cần cân nhắc

Mới đây, Viện Khoa học - Công nghệ giao thông vận tải (GTVT) đề xuất sử dụng hệ thống tàu điện đường sắt một ray (monorail) 2 chiều trên cao để giảm ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất.

Chiều dài toàn tuyến khoảng 6,3 km hoàn toàn đi trên cao nên chiếm diện tích mặt đất rất nhỏ, thời gian xây dựng khoảng 18 tháng với tổng mức đầu tư khoảng 4.725 tỉ đồng.

Tuyến tàu điện monorail dự kiến chuyên chở vào ra sân bay sẽ là 121.500 người/ngày và tần suất hoạt động là cứ 4 phút có một chuyến.

Trước đề xuất trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 21/10, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách khoa TPHCM cho biết: "Mô hình tàu điện trên cao được gọi là Sky Train, giải pháp trên sẽ giải quyết được vấn đề cục bộ.

Hiện nay tại sân bay Tân Sơn Nhất đang tắc cả đường ra sân bay lẫn đường vào, nối đuôi nhau mắc kẹt, taxi chỉ được một chiều.

Ùn tắc tại sân bay Tân Sơn Nhất

Cho nên, việc dùng Sky Train vào sân bay là hợp lý, vấn đề chỉ là tạo tuyến đường làm sao cho chính xác, nếu đi từ công viên Gia Định vào là hợp lý, vì có thể dùng làm chỗ đỗ xe, kể cả xe máy, lẫn ô tô. Tôi cho rằng ý tưởng này là tốt, hơn những ý tưởng viển vông như cáp treo, đường trên cao.

Bởi vì nó chiếm diện tích rất ít, chỉ có trụ dưới mặt đất, rồi đường ray bên trên, nếu làm một đường ray thì tốt hơn. Các nước hiện nay cũng đã làm nhiều và thành công, nên chúng ta cần học hỏi, rút kinh nghiệm và áp dụng.

Nhiều chuyên gia giao thông đều đã từng nghĩ đến việc dùng Sky Train, vì sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay đang bị kẹt chuyện phía Nam, nên nếu mở rộng về phía Bắc thì rất cần phương tiện này để giải tỏa ách tắc".

Bên cạnh đó, theo ông Tống, việc quan trọng là cần xem giá cả đưa ra gần 5000 tỷ đồng có phù hợp hay không, so với thế giới như thế nào, sử dụng công nghệ của nước nào?.

Cần làm rõ xem xét kỹ toa xe nhập bao nhiêu tiền, đường ray bao nhiêu tiền, xây dựng lên tốn bao nhiêu tiền?. Bình thường công trình mới họ hay đưa ra giá cao cho an toàn, rồi để đội giá lên, nên phải cân nhắc kỹ.

"Ai cũng lo lắng nhà thầu Trung Quốc, nên cần làm sao cho minh bạch, ngân sách khó khăn thì hay cho tư nhân làm, mà làm thì toàn làm lợi cho tư nhân, chia sẻ lợi ích", ông Tống nhận định.

Cần phương án rõ ràng

Ở góc độ khác, theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống phân tích, đang có phương án chọn xây nhà ga ở phía Bắc trên diện tích sân golf hiện nay, vì khi mở nhà ga ở hướng này về giao thông, hành khách đi từ các quận 12, Gò Vấp, Bình Thạnh có thêm hướng vào sân bay từ hướng cổng Gò Vấp.

Và khi đó, Trường Sơn không còn là con đường độc đạo vào sân bay nữa thì chắc chắn sẽ giảm áp lực giao thông cho khu vực này.

Cho nên, nếu xây dựng mở rộng thêm phương tiện đường sắt trên cao khu vực phía Bắc là thuận lợi, phù hợp với phương án mở rộng này, đó là tầm nhìn dài hạn.

Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, chuyên gia giao thông - TS Phạm Sanh cho rằng, đã từng có nhiều đề xuất cho việc giải quyết ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất, đi tàu điện ngầm có, đi cáp treo, đi tàu điện trên cao, thế nhưng mỗi nghiên cứu này đều có bất cập, vì không có điều tra hay phân tích kỹ nhu cầu của sân bay đi ra, nối kết hành khách đi ra.

Hiện nay muốn xem giải pháp nào phù hợp thì phải dựa theo đặc điểm sân bay, hành khách, phù hợp kết nối giao thông cụ thể, hiện các giải pháp vẫn chưa rõ ràng việc này.

"Theo tôi cần có sự vào cuộc làm việc của các chuyên gia hàng không, chuyên gia giao thông đô thị, chứ không nên mỗi nơi đưa ra một đề xuất và rồi lại phải cân nhắc, xem xét, vừa không hiệu quả lại mất thời gian", ông Sanh phân tích.

Châu An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tau-5000-ty-giam-tac-tan-son-nhat-lo-thau-trung-quoc-3345527/