Tàu bọc thép Chủ tịch Kim đến Nga: Thượng đỉnh bàn gì?

Đoàn tàu bọc thép chuyên chở chủ tịch Kim Jong-un đã có mặt ở ga Khasan của Nga, trên đường đến Vladivostock để tiến hành thượng đỉnh Nga-Triều.

Sputnik dẫn lời các nguồn tin từ hiện trường cho biết đoàn tàu bọc thép của Triều Tiên đã đi qua một cây cầu đường sắt bắc qua sông Tumen, đóng vai trò là một phần của biên giới Nga với Triều Tiên. Sau đó, đoàn tàu đã dừng ở ga Khasan, một ga quốc tế của vùng Primorsky.

Tại đây, theo phong tục của người Nga, Chủ tịch Kim Jong-un đã được chào đón nồng nhiệt bằng hoa, bánh mì và muối. Ông Kim cũng đã đến thăm Nhà hữu nghị Nga-Triều tại vùng Primorsky.

Các phương tiện truyền thông cũng xác định rằng ông Kim đi cùng với Kim Phyong Hae và O Su Yong, thành viên của Cục Chính trị và Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương, Bộ trưởng Ngoại giao Ri Ri Ho, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Triều Tiên Ri Yong Gil và các quan chức cấp cao khác.

Sau đó, phái đoàn của ông Kim Jong-un tiếp tục di chuyển về thành phố Vladivostok và dự kiến sẽ gặp ông Putin tại thành phố này hôm 25/4.

Đoàn tàu bọc thép của Triều Tiên đưa lãnh đạo Kim Jong-un tới hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Nga

Đoàn tàu bọc thép của Triều Tiên đưa lãnh đạo Kim Jong-un tới hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Nga

Giới quan sát quốc tế ngày 23/4 cho rằng chương trình nghị sự trong hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, dự kiến diễn ra tại thành phố Vladivostok vào ngày 25/4, sẽ tập trung vào các nỗ lực hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, hợp tác kinh tế và quan hệ song phương.

Theo nhiều nhà phân tích, sau khi hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai kết thúc tại Hà Nội mà không đạt bất kỳ thỏa thuận nào, hai nhà lãnh đạo Nga và Triều Tiên có thể sẽ thảo luận hợp tác về phi hạt nhân hóa, trước hết là việc điều chỉnh lại nội dung các cuộc đàm phán, đưa chúng từ song phương thành đa phương với sự tham gia của tất cả các nước liên quan.

Thực tế, việc đưa các biện pháp đàm phán thành song phương sẽ đảm bảo cho việc các cuộc hội đàm được an toàn và công bằng hơn. Ngoài ra, Nga rất quan tâm đến vấn đề với Triều Tiên bởi họ có chung đường biên giới và có liên kết trong cùng một khu vực, sự bất ổn tại bán đảo Triều Tiên không tác động tốt đến Nga.

Thứ hai, hai nhà lãnh đạo cũng có thể đề cập tới tương lai của khoảng 10.000 người lao động đang sống và làm việc tại Nga. Số người này đang đứng trước tương lai phải về nước do các lệnh trừng phạt của quốc tế cấm các nước cấp thị thực cho lao động Triều Tiên.

Một chuyên gia nói với tờ Sputnik: "Do kim ngạch thương mại giữa Nga và Triều Tiên không lớn, trong khi các biện pháp trừng phạt vẫn đang được áp đặt đối với Bình Nhưỡng, do đó, việc thảo luận hợp tác kinh tế song phương tại hội nghị có thể bị hạn chế. Họ sẽ chỉ chủ động làm việc về vấn đề bình ổn khu vực và đàm phán phi hạt nhân. Đây là nội dung sẽ được trao đổi kín".

Tuy nhiên, giới quan sát cũng cho rằng đây sẽ là cuộc gặp then chốt, mở ra hàng loạt cơ hội hợp tác mới với Nga. Hai nhà lãnh đạo có thể thảo luận khả năng tiến hành các dự án kinh tế giữa Nga và Triều Tiên trong đó có dự án Rajin-Khasan.

Đây là cơ chế logistics vốn bị đình trệ sau khi Bình Nhưỡng tiến hành các vụ thử tên lửa và hạt nhân những năm trước. Tuy nhiên, hầu hết hợp tác kinh tế giữa hai nước đều có thể đối mặt với những hạn chế từ các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Ngoài ra, Nga có thể sẽ chấp nhận thông qua một loạt biện pháp hỗ trợ nhân đạo, bao gồm lương thực, thuốc men cho Triều Tiên. Đây là lĩnh vực duy nhất để Triều Tiên được nhận miễn trừ trừng phạt.

Cùng ngày 24/4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh Washington hoàn toàn ủng hộ các nỗ lực đàm phán của bất kỳ bên nào tiến hành với Bình Nhưỡng nhằm thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân trên bán đảo này. Đồng thời, Washington kỳ vọng Moscow sẽ góp phần kiểm chứng quyết tâm loại bỏ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Minh Hoàng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/tau-boc-thep-chu-tich-kim-den-nga-thuong-dinh-ban-gi-3378828/