Tàu chiến Mỹ hỗ trợ Malaysia trước sức ép từ Trung Quốc trên Biển Đông

Giới chức Mỹ cáo buộc Bắc Kinh ngăn chặn các nước nhỏ phát triển tài nguyên xa bờ, đồng thời khẳng định sự hiện diện của hải quân Mỹ chứng tỏ cam kết an ninh với khu vực.

Mỹ điều động ba tàu hải quân tuần tra gần khu vực hoạt động dầu khí ngoài bờ biển Malaysia trong vài ngày qua, nhằm thể hiện sự ủng hộ dành cho các quốc gia Đông Nam Á. Các nước nhỏ trong khu vực thời gian qua bị Trung Quốc gây sức ép khi thăm dò dầu khí xa bờ.

Tàu tác chiến ven bờ USS Gabrielle Giffords ngày 11/5 xuất hiện gần tàu thăm dò West Capella, ký hợp đồng với Petronas - công ty dầu khí quốc gia của Malaysia. Tuần trước đó, hai tàu hải quân Mỹ cũng tuần tra tại khu vực. Hải quân gọi đó là hoạt động hiện diện.

Mỹ cáo buộc Trung Quốc cưỡng ép, ngăn những nước nhỏ hơn phát triển tài nguyên xa bờ. Giới chức hải quân Mỹ cho biết các hoạt động vừa qua nhằm chứng tỏ cam kết đối với khu vực, cũng như năng lực của lực lượng hải quân nước này.

 Tàu tác chiến ven bờ USS Gabrielle Giffords ngày 12/5 di chuyển rất gần tàu khoan thăm dò West Capella của Malaysia. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Tàu tác chiến ven bờ USS Gabrielle Giffords ngày 12/5 di chuyển rất gần tàu khoan thăm dò West Capella của Malaysia. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Hành động quấy rối của HD 8

Hàng loạt các động thái được Mỹ tiến hành trong thời gian qua, trong đó có cuộc diễn tập trên Biển Đông vào tháng 4 với sự tham gia của ba tàu chiến Mỹ và một tàu tuần dương Australia.

Lệnh điều động được Mỹ đưa ra giữa bối cảnh tàu sân bay USS Theodore Roosevelt bùng phát dịch Covid-19, gây nên một số hoài nghi về mức độ sẵn sàng tác chiến, theo nhận định của Collin Koh, chuyên gia tại Trường Quan hệ Quốc tế S. Rajaratnam (Singapore).

Căng thẳng gia tăng giữa tháng 4, khi tàu thăm dò dầu khí Hải dương Địa chất 8 (HD 8) của Trung Quốc tiến gần khu vực hoạt động của West Capella.

Trước đó, tàu tuần duyên của Trung Quốc đã tiến hành tuần tra xung quanh tàu thăm dò Malaysia. Theo phân tích của chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI), thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, dựa trên dữ liệu theo dõi tàu biển và ảnh chụp vệ tinh, các tàu Trung Quốc duy trì hiện diện mang tính đe dọa.

Tàu tuần duyên và tàu dân quân biển Trung Quốc hộ tống tàu thăm dò HD 8. Có thời điểm, đội tàu cách West Capella của Malaysia chỉ 8,5 hải lý (khoảng 15,7 km), theo phân tích của AMTI.

West Capella đã rời khỏi vùng biển vào ngày 12/5, sau khi công ty chủ quản là Seadrill Partners tuyên bố đã hoàn thành nhiệm vụ. Tàu thăm dò HD 8 của Trung Quốc tiếp tục nán lại khu vực, theo dữ liệu trên trang thông tin hàng hải MarineTraffic.

Malaysia chưa bình luận về chi tiết diễn biến vừa qua. Tháng 4, nước này chỉ tuyên bố kiên quyết duy trì cam kết bảo vệ lợi ích và quyền lợi quốc gia trên Biển Đông.

Tàu nghiên cứu Hải dương Địa chất 8 của Trung Quốc. Ảnh: Cục Khảo sát Địa chất Trung Quốc.

Rủi ro an ninh trên Biển Đông

Đối với các quốc gia trong khu vực, việc đội tàu Trung Quốc hiện diện sát dự án khai thác dầu khí sẽ gia tăng rủi ro va chạm vô ý và leo thang căng thẳng giữa họ với nước láng giềng có sức mạnh quân sự vượt trội. Cách hành xử này có thể khiến một số công ty dầu khí e dè hoạt động kinh doanh có tiềm năng biến thành điểm nóng xung đột quốc tế.

Theo Collin Koh, mưu đồ của Trung Quốc là gây sức ép để các nước Đông Nam Á chấp nhận cùng khai thác tài nguyên xa bờ với họ. Bắc Kinh đang thúc đẩy một thỏa thuận như vậy với Philippines.

Trong khi đó, nhiều quan chức các nước trong khu vực cũng lo ngại với những hoạt động hải quân của Mỹ.

Một mặt, họ đánh giá điều này giúp kiềm tỏa sự hung hăng của Trung Quốc. Mặt khác, hoạt động hải quân của Mỹ có rủi ro va chạm trên biển. Bên cạnh đó, giới chức an ninh Đông Nam Á vẫn hoài nghi về mức đáng tin cậy của Mỹ, theo Wall Street Journal.

Tàu chiến Mỹ và tàu chấp pháp Trung Quốc "gườm nhau" trên Biển Đông là diễn biến mới nhất trong căng thẳng quan hệ hai nước, giữa lúc những bất đồng song phương ngày một leo thang xoay quanh vấn đề đại dịch.

Chỉ huy Hạm đội 7, Đô đốc John Aquilino, tuần qua cho biết: "Trung Quốc phải chấm dứt mô-típ bắt nạt các nước Đông Nam Á không cho khai thác dầu, khí đốt và đánh bắt cá xa bờ".

Tháng 4, Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng cáo buộc Bắc Kinh "lợi dụng sự tập trung của thế giới về Covid-19 để tiếp tục cách hành xử khiêu khích" trên Biển Đông.

Thanh Danh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tau-chien-my-ho-tro-malaysia-truoc-suc-ep-tu-trung-quoc-tren-bien-dong-post1084413.html