Tàu điện Thủ đô ngày càng 'hút' khách

Thay vì sử dụng phương tiện cá nhân, nhiều người dân Hà Nội đã quyết định ngồi tàu điện vừa nhanh, tiện lợi, an toàn lại góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Thoát khỏi “khốn khổ”

Từ ngày có tàu điện, quãng đường đi làm 15km từ Giảng Võ (quận Ba Đình) đến La Khê (quận Hà Đông) của chị Nguyễn Phương Sa (26 tuổi, phố Giảng Võ) cũng trở nên thuận tiện và nhanh chóng.

Ghi nhận của phóng viên sáng 6-10, từ 6 giờ đến 8 giờ 30 lượng hành khách trên cả tuyến Cát Linh - Hà Đông rất đông, chật kín các khoang tàu.

“Đặc thù công việc là giáo viên mầm non nên tôi luôn phải đến sớm 30 phút để đón trẻ. Ngày trước, mỗi sáng tôi dậy từ 5 giờ 30 để chuẩn bị đi làm và mất 1 giờ đồng để đến chỗ dạy. Hễ thời tiết đổ mưa thì đoạn đường Khuất Duy Tiến lại ùn tắc giao thông, mặt đường gần như ken kín xe cộ, nhiều xe còn leo lên vỉa hè, chôn chân ở đó hàng chục phút không thể qua được”, chị Sa nhớ lại nỗi khốn khổ, ám ảnh khi ra đường đi làm mỗi ngày.

Chỉ với 200 nghìn đồng/tháng, tổng quãng đường di chuyển 15km được rút ngắn còn 30 phút, không khói bụi, không ùn tắc 4 phía, không bị “chôn” chân dù trời nắng hay trời mưa, chị Sa đã quyết định chuyển sang đi làm bằng tàu điện kể từ đó.

Chị Sa bày tỏ sự vui mừng: “Tôi vừa tiết kiệm được tiền bạc vừa tiết kiệm thời gian và sức khỏe, không cần lo lắng khi đi làm nhất là giờ cao điểm, thường xuyên kẹt cứng, thoát khỏi khốn khổ, ám ảnh”.

Chị Sa có thêm thời gian trò chuyện, chăm sóc con trên đoạn đường di chuyển tới chỗ dạy, đây là khoảng thời gian quý giá vì hai mẹ con càng gắn kết hơn.

Được “mách nước” trong việc đầu tư xe đạp gấp kết hợp sử dụng tàu điện, anh Nguyễn Đức Nam (32 tuổi, phường Văn Quán) đã tiết kiệm được 4 triệu đồng/tháng, anh quyết định không lái ô tô đi làm mà thay bằng đi tàu điện, sử dụng giao thông công cộng.

Anh Nam cho biết, mỗi tháng anh phải bỏ ra 2 triệu đồng tiền gửi ô tô tại bãi giữ xe gần công ty và khoảng 2 triệu đồng tiền xăng. Sau khi được tư vấn và trải nghiệm, anh Nam quyết định đầu tư xe đạp gấp và đi làm bằng tàu điện.

“Để di chuyển ô tô vào trung tâm nội thành vào giờ cao điểm là một điều cực kỳ khó khăn, nhưng giờ đây vấn đề đó đã được giải quyết dễ dàng. Ngồi tàu điện kết hợp đạp xe vừa an toàn, mát mẻ, vừa nâng cao sức khỏe bản thân”, anh Nam nói.

Giờ đây, mỗi sáng anh Nam đạp xe khoảng 2km từ nhà đến ga Văn Quán rồi lại đạp xe khoảng 3km từ ga Cát Linh đến công ty, thời gian di chuyển so với trước đây rút ngắn một nửa. Ở công ty anh Nam, mọi người cũng dần chuyển sang đạp xe, sử dụng giao thông công cộng đi làm thay vì di chuyển bằng phương tiện cá nhân.

Loại xe đạp gấp được anh Nam sử dụng để di chuyển, giá của xe dao động từ 4 - 7 triệu đồng.

Tại sao không nhìn nhận tích cực?

Sau 10 tháng, tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông chở được tổng cộng hơn 5,4 triệu lượt khách, bình quân hơn 18.300 lượt khách/ngày; trong đó hơn một nửa khách đi vé tháng. Tổng doanh thu đạt hơn 46 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng thu 4,6 tỷ đồng tiền vé. Tháng 8-2022, lượng khách đạt hơn 6,1 triệu lượt, doanh thu gần 6 tỷ đồng.

Bắt đầu sử dụng tàu điện để di chuyển đi làm từ khi vận hành, anh Khổng Văn Hoàng đánh giá cao những điều tích cực mà tàu điện mang lại, chỉ những người trải nghiệm mới hiểu và bỏ qua những dư luận về đội vốn, bất tiện… của tuyến tàu điện này.

Phần lớn hành khách lên, xuống tàu tập trung ở các nhà ga như Thái Hà, La Thành, Cát Linh, Hà Đông... bởi nơi đây tập trung nhiều cơ quan, công sở.

Thay vì chỉ trích những điều chưa cải tiến của loại hình này, bạn cũng có thể đứng dậy, trải nghiệm trực tiếp những lợi ích mà tàu điện mang lại.

Anh Hoàng bày tỏ: “Chỉ cần nhìn vào lượng người đi làm hay tan tầm tại ga Cát Linh, ga Hà Đông thì chúng ta có thể nhìn thấy những tín hiệu khởi sắc trong việc sử dụng giao thông công cộng của Thủ đô. Chúng ta không nên đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích của xã hội. Thay vì chỉ trích những điều chưa cải tiến của loại hình này, bạn cũng có thể đứng dậy, trải nghiệm trực tiếp những lợi ích mà tàu điện mang lại”.

Cùng chung quan điểm với anh Hoàng, anh Đào Huy Kiên cho biết: “Trụ cột giao thông của tất cả các đô thị lớn trên thế giới là tàu điện. Đó là con đường tất yếu phải đi. Chúng ta đã đi quá chậm nhưng muộn còn hơn không. Một khi hệ thống tàu điện hoàn chỉnh, được hỗ trợ bởi hệ thống xe buýt, kết nối các quận, đường vành đai hay từ ngoại thành vào nội thành thì tự nhiên xe máy sẽ biến mất dần, người dân cũng có cái nhìn khác với giao thông công cộng”.

Theo anh Kiên, người dân đang quen với việc phương tiện cá nhân đơn giản vì hiệu quả của chúng mang lại nhanh, tiện, chứ không phải do tàu điện, giao thông công cộng của Việt Nam chưa phát triển. Để thay đổi thói quen của người dân cũng cần có cả quá trình dài hơi và là chặng đường đầy khó khăn, nhưng nếu cứ mãi ngồi đó nhìn vào khó khăn, bất tiện để bàn lùi thì khó khăn chỉ chồng thêm khó khăn, không có sự tiến bộ hay biến mất.

Bài và ảnh: HỒNG PHÚC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/tau-dien-thu-do-ngay-cang-hut-khach-707400