Tàu đổ bộ cỡ lớn của Hải quân Nga còn tệ hơn cả phà vận chuyển xe hơi: Hé lộ sự thật sốc!

Dưới đây là những so sánh về tàu vận tải quân sự của hải quân Nga để tìm ra lý do tại sao tàu đổ bộ xe tăng lại tệ hơn phà vận chuyển xe hơi, thậm chí một cách rất rõ ràng.

Tàu đổ bộ cỡ lớn nhỏ hơn rất nhiều

Cùng bắt đầu từ việc tàu đổ bộ cỡ lớn (TĐBCL) đề án 1174của Hải quân Nga nhỏ hơn rõ rệt so với phà vận chuyển xe hơi (PVCXH). Độ giãn nước của TĐBCL là 4,3 nghìn tấn, của PVCXH là 60,9 nghìn tấn, có nghĩa là nhỏ hơn 14 lần.

Từ đó cho thấy, tải trọng của TĐBCL cũng nhỏ hơn. Nó chỉ có thể mang theo 22 chiếc xe tăng và 25 xe thiết giáp, tương đương 1.373 tấn. Tải trọng của chiếc siêu tàu chở xe hơi Sunrise Ace (nếu tính theo sức chứa 5.196 chiếc xe con và trọng lượng trung bình của một chiếc xe là 1,5 tấn) là 7.794 tấn, có nghĩa là gấp 5,6 lần của TĐBCL.

Một chiếc siêu tàu chở xe hơi.

Một chiếc siêu tàu chở xe hơi.

Bên cạnh đó, PVCXH còn có 45 chỗ trống để vận chuyển các loại xe kỹ thuật nặng 50 tấn. Nhưng như vậy mới chỉ chiếm 26,8% tải trọng, tương đương với 45 cỗ xe tăng với tổng tải trọng 2.095 tấn.

Còn thêm 5.702 tấn tải trọng, mà có thể được lấp đầy bằng những hàng hóa khác: Khí tài thiết giáp hạng nhẹ, xe tải quân sự, đạn dược, lương thực, binh lính. Tải trọng tự do của PVCXH sau khi bố trí các xe tăng lớn hơn gấp 4 lần khả năng tiếp nhận của TĐBCL.

Có thể dừng lại ở đây. Chiếc tàu với tải trọng nhỏ hơn không thể tốt hơn chiếc tàu có tải trọng lớn, và sự thuận tiện trong quá trình bốc dỡ hàng hóa nhờ chiếc cầu sắt có thể thu gọn vào của TĐBCL không thể bù đắp được điều đó.

Có thể xếp tải được bao nhiêu chiếc xe tăng?

Mặc dù không công bố những thông tin chính xác về khả năng xếp tải của TĐBCL Hải quân Nga, tuy nhiên, có thể đánh giá các khả năng của chiếc tàu này một cách ước lượng, căn cứ vào kích cỡ của khoang chở xe tăng, buồng dock và sàn trên.

Khoang chở xe tăng dài 54 m và rộng 12m (648m2), buồng dock – dài 75m và rộng 12m (900m2) và sàn trên – dài khoảng 40m và rộng 12m (480m2). Tổng cộng 2.028m2. Tuy nhiên, cũng có một số nguồn khác cho rằng khoang chở xe tăng 790m2, buồng dock - 1.195m2, sàn trên - 405m2, tổng cộng 2.390m2.

Sơ đồ TĐBCL đề án 1174: Số 12 – các khoang chở hàng phần mũi, số 29 – buồng dock, số 24 – lối lên xuống giữa các khoang.

Nói chung, những dữ liệu về xếp tải của TĐBCL không giống nhau. Các thông tin từ cuốn sách hướng dẫn "Các tàu chiến Hạm đội hải quân Liên Xô" (tập 4) chỉ ra rằng TĐBCL đề án 1174 có thể vận chuyển hàng hóa theo 3 phương án.

Phương án thứ nhất - 22 xe tăng và 25 thiết giáp; phương án thứ hai – 50 thiết giáp; phương án thứ ba – 53 xe tải quân sự. Tải trọng theo phương án 1 là 1.373 tấn, theo phương án 2 – 700 tấn, theo phương án 3 – 426,4 tấn.

Cũng trong cuốn sách hướng dẫn này nêu rõ rằng, khả năng chịu tải của đường lên xuống giữa các khoang là không quá 12 tấn, có nghĩa là không thể đưa xe tăng xuống sàn dưới. Nói chung, không hiểu những kỹ sư thiết kế "khí tài thần thánh" này đã nghĩ gì?

Đáng lẽ nên làm lối lên xuống chịu được 50 tấn và sàn tàu có thể chịu được sức nặng xe tăng, với khả năng khai hỏa từ các xe tăng ở trên sàn tàu.

Khi xem xét vấn đề này một cách chi tiết, thì hóa ra kể cả khi vận chuyển theo phương án 1, thì TĐBCL cũng không hề có bất cứ ưu thế nào trước PVCXH. Sunrise Ace có thể chuyên chở số xe tăng nhiều gấp đôi TĐBCL. Điều đó cho thấy rằng không có gì phải ngạc nhiên khi có sự khác biệt rõ ràng về kích cỡ.

Sức chứa phi thường của một mặt sàn trên PVCXH

Theo tính toán về sức chứa của một mặt sàn PVCXH, thì chỉ riêng sàn thứ 3 đã có diện tích 5.883m2, chiều cao 2,1m.

Đạn xe tăng. Một hộp đạn có chiều dài gần 80cm, chiều rộng 40cm và chiều cao 20cm, chứa 2 viên đạn bên trong, trọng lượng cả hộp là 100kg. Cơ số đạn đầy đủ của xe tăng là 39 viên, có nghĩa một chiếc xe tăng cần 20 hộp. Một chồng 2 hộp đạn chiếm 1m2, xếp thành 6 tầng cao (12 hộp tương đương 1,2 tấn).

Với lối đi 6m dành cho các xe nâng, sẽ có 4.900m2 diện tích sàn tàu để xếp hàng. Tổng cộng: 39.200 hộp, hoặc 78.400 viên, đủ phục vụ cho 2.010 chiếc xe tăng.

Xe thiết giáp đổ bộ từ tàu.

Đạn pháo tự hành 122mm (2S1 "Gvozdika"). Hộp dài 1,6m, rộng 40cm, cao 20cm, chứa 2 viên đạn, trọng lượng cả hộp là 70kg. Một chồng 2 hộp đạn chiếm 2m2, xếp thành 8 tầng cao (16 hộp tương đương 1,1 tấn). 19.600 hộp hoặc 39.200 viên, đủ cung cấp cho 980 khẩu pháo tự hành.

Đạn 5,45mm. Hộp dài 48cm, rộng 35cm, cao 10cm, chứa 2.160 viên, trọng lượng cả hộp là 29kg. Một chồng 4 hộp đạn chiếm 1m2, xếp thành 8 tầng cao (32 hộp tương đương 928kg). Tổng cộng xếp được 156.800 hộp hoặc 338,6 triệu viên, đủ cung cấp cho đội quân 1 triệu người.

Nhiên liệu trong các thùng 200 lít. Rộng và dài 60cm, cao 80cm, trọng lượng cả hộp là 180kg. Một chồng 9 thùng chiếm diện tích 4m2 và xếp thành 2 tầng cao (18 thùng tương đương 3,2 tấn). Tổng cộng xếp được 22.050 thùng, hoặc 4.410.000 lít, đủ phục vụ cho 2.756 chiếc xe tăng.

Lương thực, lương khô IRP-B. Thùng có chiều dài 70cm, rộng 20cm và cao 25cm, bên trong chứa 7 gói lương khô cá nhân, trọng lượng cả hộp là 14,7kg. Một chồng 4 thùng chiếm diện tích 1m2 và xếp thành 8 tầng cao (32 thùng tương đương 470,4kg). Tổng cộng xếp được 156.800 thùng hoặc 1.097.000 gói lương khô cá nhân.

Đó chỉ là một mặt sàn. Có thể xếp đầy như vậy tối thiểu 2 mặt sàn hoặc phân bổ hàng hóa giàn đều hơn trên khắp 5-6 mặt sàn để tạo sự ổn định cho chiếc tàu. Đạn dược là hàng hóa nặng nhất, và tốt nhất nên bố trí nó ở những sàn tàu dưới cùng, từ số 8 đến số 11.

TĐBCL có thể mang được chừng đó đạn dược, nhiên liệu và lương thực hay không? Nếu xếp hàng hóa theo bất cứ cách làm nào ở trên, thì chiếc tàu sẽ chìm nghỉm vì quá nặng. PVCXH có thể chịu được mọi cách sắp xếp hàng hóa như trên.

Sơ đồ thiết kế của một chiếc phà chở xe hơi.

Về kế hoạch chở người

Kết thúc với những tính toán ước lượng và chuyển sang kế hoạch vận chuyển thực tế hơn. Một lữ đoàn đổ bộ-tấn công của Nga gồm 2.700 người, 13 xe tăng T-72, 33 xe BMD, 46 xe BMP, 10 xe BTR-82A, 18 xe BTR-D, 6 khẩu pháo tự hành 2S9 "Nona", 8 tổ hợp pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 "Shilka". Đây là một đơn vị sẵn sàng chiến đấu đúng nghĩa.

Trọng lượng: Nhân sự: 270 tấn (mỗi người có trọng lượng 100kg bao gồm cả vũ khí trang bị); - Khí tài: 2.018,3 tấn. Tổng cộng: 2.288,3 tấn, hoặc 29,3% tải trọng đầy đủ.

Điều này có nghĩa rằng, có thể mang theo đồ dự trữ để sinh tồn và chiến đấu. Những tính toán được căn cứ từ 5 lần đổ nhiên liệu, 3 cơ số đạn pháo và 5 cơ số đạn súng trường, 10 bữa ăn cho một chiến dịch đổ bộ. Vậy có sắp xếp được hay không?

Tổng nhu cầu đổ nhiên liệu cho 1 lần là 75.900 lít đối với tất cả khí tài, hoặc 380 thùng nhiên liệu làm tròn. 5 lần đổ nhiên liệu tương đương 1.900 thùng, hoặc 342 tấn.

Cơ số đạn khó tính toán hơn. Nhưng theo tất cả những dự liệu hiện có, 1 cơ số đạn sẽ gồm 507 đạn pháo xe tăng, 150 đạn cho lựu pháo 2S9, 32,8 nghìn viên đạn 30mm, 16 nghìn viên đạn 23mm, 500 nghìn viên đạn 14,5mm, 83 nghìn viên đạn 7,62mm.

Tổng cộng sẽ nặng 78,9 tấn, làm tròn thành 80 tấn. 3 cơ số đạn cho khí tài tương đương 240 tấn. Cơ số đạn cho súng máy và súng tiểu liên có thể ước lượng vào khoảng 665 nghìn viên, hoặc 9,2 tấn. 5 cơ số đạn là 46 tấn.

Lương thực. 27 tấn lương khô cá nhân cho 10 bữa ăn hoặc 3.857 thùng. Tổng cộng 56,7 tấn.

Tổng dự trữ của lữ đoàn để triển khai một chiến dịch tiến công đủ tầm sẽ có trọng lượng làm tròn là 685 tấn. Trên thực tế sẽ nhiều hơn, vì còn các súng cối, súng phóng lựu, xe quân sự, các loại quân trang,… - gần 1.000 tấn.

Tổng trọng lượng hàng hóa sẽ là 3.288 tấn, gồm toàn bộ lữ đoàn đổ bộ-tấn công, với tất cả những thứ cần thiết, chiếm tương đương 42% tải trọng của chiếc tàu. Có nghĩa là nó có thể chứa được hết và vẫn còn nhiều diện tích dự phòng khác.

Có thể mang thêm đạn dược, nhiên liệu, lương thực. Toàn bộ hàng hóa này được di chuyển một cách thỏa mái trên các mặt sàn, có thể sử dụng những xe nâng và bốc xếp chúng lên các xe tải ngay khi ở trên tàu.

Các xe tăng, khí tài thiết giáp và xe vận tải - trên sàn số 7 và số 5, đạn dược - ở những sàn dưới từ số 8 đến số 11, nhiên liệu - ở sàn số 6 và số 4, lương thực và người ở những sàn trên cùng, từ số 1 cho đến số 3.

Một chiếc tàu đổ bộ xe tăng của Hải quân Nga

Và đó chính là ưu thế chủ yếu trong nhiệm vụ vận tải quân sự của PVCXH trước TĐBCL. PVCXH có thể tổ chức đổ bộ cả một lữ đoàn, với toàn bộ khí tài và đồ dự trữ để triển khai tiến công và tham gia vào các trận đánh kéo dài nhiều ngày liên tục.

Trong khi đó, TĐBCL chỉ có thể tổ chức đổ bộ cho một tiểu đoàn. Đồng thời, nó không thể mang theo đồ dữ trữ số lượng lớn và chỉ có thể dựa vào 1 lần tiếp nhiên liệu, 1 cơ số đạn và những gì có thể bố trí trong khí tài hoặc túi quần áo với balo.

Tất nhiên, có thể bố trí thêm khoảng 250 tấn đạn dược, nhiên liệu và lương thực trong thùng và hộp trên khắp các mặt sàn, khoang chứa, ngóc ngách, buồng thủy thủ của TĐBCL. Nhưng lấy ai và thứ gì để bốc dỡ toàn bộ những thứ này

Dù lính đổ bộ cần phải giữ sức để chiến đấu, nhưng họ sẽ phải làm nhiệm vụ "cửu vạn" tạm thời. Nếu không mang theo đồ dự trữ như tính toán trong quá trình thiết kế TĐBCL, thì với 1 lần tiếp nhiên liệu và 1 cơ số đạn, kẻ địch sẽ dễ dàng bẻ gãy đợt đổ bộ-tấn công.

Tại sao lại có thể đánh giá chiếc tàu đổ bộ một tiểu đoàn tốt hơn chiếc tàu đổ bộ được cả một lữ đoàn? TĐBCL là loại tàu chuyên biệt, và nó chỉ thực sự phát huy tốt với chức năng đó. Như một phương tiện vận tải, nó không thể so sánh được với PVCXH.

Trong quá trình tác chiến của các chiến dịch đổ bộ, TĐBCL và PVCXH cần phải phối hợp hành động cùng với những tàu quân sự khác. Lấy ví dụ, Nga có lực lượng đổ bộ bao gồm 3 lữ đoàn - 8,1 nghìn người.

1 nghìn người trong số đó sẽ được bố trí trên 4 chiếc TĐBCL, và nhiệm vụ của họ sẽ là đánh chiếm bến cảng và bảo đảm quá trình đổ bộ của 2 lữ đoàn khác trên 2 PVCXH. Các phà này sẽ mang theo quân trang, quân dụng và vũ khí để cung cấp cho lữ đoàn đổ bộ từ TĐBCL.

Nhiệm vụ của chúng sẽ là bám bờ, đánh chiếm bến cảng hoặc địa điểm các PVCXH có thể bốc dỡ. Hai lữ đoàn trên các PVCXH sẽ tấn công, mở rộng căn cứ bàn đạp và thiết lập những điều kiện cần thiết để điều động các binh đoàn lớn.

Nếu như phía sau lưng lực lượng đổ bộ trên TĐBCL Hải quân Nga không có những phương tiện vận tải cỡ lớn, cùng với các đơn vị yểm trợ tiến công, thì lực lượng đổ bộ chắc chắn sẽ thất bại và hi sinh một cách vô nghĩa.

Nga từ lâu đã nhận ra điểm yếu tồi tệ này và họ cũng cố gắng xoay chuyển tình thế khi đặt mua 2 chiếc tàu đổ bộ tấn công lớp Mistral của Pháp nhưng Mỹ và phương Tây ra đòn vào phút chót khiến Moscow không thể đạt được ý định. Hiện 2 tàu Mistral nhẽ ra đóng cho Nga đã được "sang tay" cho Ai Cập.

Tính đến thời điểm này, trong khi Mỹ, Pháp, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc,... hay thậm chí cả Indonesia đều có trong tay nhiều tàu đổ bộ cỡ lớn 20-30 thậm chí 40.000 tấn thì Nga vẫn đang loay hoay trong việc tìm cách sỡ hữu những tàu đổ bộ cỡ lớn.

Bảo Lam

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/tau-do-bo-co-lon-cua-hai-quan-nga-con-te-hon-ca-pha-van-chuyen-xe-hoi-he-lo-su-that-soc-82020176113841691.htm