Tàu hộ vệ săn ngầm đặc biệt sắp sửa trở lại Hải quân Nga

Sau khi tham khảo một nguồn tin trong Bộ Quốc phòng, Hãng thông tấn Izvestia tiết lộ con tàu Neustrashimy sẽ trở lại hạm đội vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022.

Tàu hộ vệ săn ngầm đặc biệt của Hải quân Nga. Nguồn: Internet

Tàu hộ vệ săn ngầm đặc biệt của Hải quân Nga. Nguồn: Internet

Theo nguồn tin, Neustrashimy sẽ trở lại Hải quân Nga vào cuối năm 2021, bây giờ nó đang nằm tại một nhà máy đóng tàu ở vùng Kaliningrad.

Tàu hộ vệ săn ngầm Neustrashimy gia nhập Hải quân Nga vào năm 1993, nhưng đến năm 2014 nó được đưa đi sửa chữa.

Các kỹ sư đã cập nhật hệ thống điện tử, tất cả thiết bị công nghệ cũ được thay thế bằng kỹ thuật số. Một hệ thống kiểm soát và thông tin chiến đấu được thêm vào để tự động đưa ra quyết định trong những tình huống khẩn cấp.

Bên cạnh đó, cũng theo nguồn tin, hệ thống kiểm soát hỏa lực pháo binh mới sẽ xuất hiện trên tàu Neustrashimy. Các chuyên gia đã hiện đại hóa radar giám sát đường không Fregat.

Neustrashimyy (712) là chiếc đầu tiên thuộc lớp tàu hộ vệ Dự án 11540 Yastreb được thiết kế từ cuối thời kỳ Liên Xô cho nhiệm vụ săn tìm tàu ngầm với trọng tâm xoay quanh hệ thống sonar Zvezda-1.

Về thiết kế, con tàu có lượng giãn nước toàn tải 4.400 tấn, chiều dài 129 m, chiều rộng 15,6 m, mớn nước 5,6 m.

Neustrashimyy được trang bị hệ thống động lực kết hợp turbine khí có tổng công suất 110.000 mã lực, cho tốc độ tối đa 30 hải lý/h. Đuôi tàu có sàn đáp và hangar cho một trực thăng chống ngầm Ka-27PS.

Được thiết kế cho nhiệm vụ chống tàu ngầm, nên hỏa lực săn tìm phương tiện dưới mặt nước của Neustrashimyy rất mạnh, gồm 6 ống phóng ngư lôi 533 mm, tên lửa chống ngầm RPK-2 Vyuga (tầm bắn 35 - 45 km, mang đầu đạn là ngư lôi 533mm) và RPK-6 Vodopad (tầm bắn 100 km, mang ngư lôi 400 mm). Ngoài ra còn một bệ phóng rocket chống ngầm RBU-6000 với 12 ống phóng chứa các loại đạn săn tàu ngầm RGB-60 (tầm bắn 350 - 5.800 m) và 90R (tầm bắn 600 - 4.300 m).

Hỏa lực phòng không của lớp tàu Neustrashimyy gồm tổ hợp tên lửa 3K95 Kinzhal (NATO gọi là SA-N-9) với 6 module ống phóng (chứa 32 đạn tên lửa). Bên cạnh đó, 2 module tác chiến của hệ thống phòng thủ tầm cực gần (CIWS) Kashtan được trang bị pháo 30 mm và 8 đạn tên lửa phòng không 9M311, cho khả năng tiêu diệt máy bay địch ở cự ly 1.500 - 8.000 m.

Ngoài ra, hỏa lực của tàu có thể chống mục tiêu trên không, trên mặt biển và ven bờ.

Hà Linh (TH)

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/tau-ho-ve-san-ngam-dac-biet-sap-sua-tro-lai-hai-quan-nga-155431.html