Tàu khu trục Mỹ thách thức Trung Quốc ở Biển Đông mạnh cỡ nào?

Tàu khu trục Mỹ chiếc USS Russell vừa tiến vào biển Đông tuần tra hôm 17/2, nhằm thách thức các yêu sách chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Hãng tin Reuters dẫn thông báo của hạm đội 7 cho biết, tàu khu trục Mỹ chiếc USS Russell tiến vào biển Đông để khẳng định quyền tự do hàng hải ở quần đảo Trường Sa và phù hợp với luật quốc tế.

Hãng tin Reuters dẫn thông báo của hạm đội 7 cho biết, tàu khu trục Mỹ chiếc USS Russell tiến vào biển Đông để khẳng định quyền tự do hàng hải ở quần đảo Trường Sa và phù hợp với luật quốc tế.

Theo Reuters, khu trục hạm USS Russell đã đi ngang khu vực gần quần đảo Trường Sa sau một cuộc tập trận chung, giữa hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ Theodore Roosevelt và Nimitz, cũng tại Biển Đông.

Trước đó, hôm 5/2, một tàu chiến khác của Mỹ là tàu khu trục John S. McCain cũng lần đầu tiên di chuyển qua vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức.

USS Russell là một khu trục hạm lớp Arleigh Burke. Điểm đặc biệt của tàu Burke là hệ thống ra-đa Aegis, nó có thể chỉ huy nhiều loại tên lửa phòng không để tấn công mục tiêu. USS Russell là con tàu thứ hai của Mỹ mang tên Russell và được đặt theo tên của John Henry Russell, Tham mưu trưởng Thủy quân Lục chiến Mỹ.

USS Russell được đặt hàng ngày 22/2/1990, tàu được đóng tại xưởng đóng tàu Ingalls, tàu được hạ thủy ngày 24/7/1992, chính thức hoạt động ngày 20/5/1995. Tàu neo đậu tại căn cứ hải quân San Diego, California.

Giãn nước khoảng 9.000 tấn; chiều dài tàu 154 m, chiều rộng 20 m; độ mớn nước 9,4 m. USS Russell sử dụng 4 động cơ tuabin khí, tổng công suất 100.000 mã lực. Tốc độ tối đa 56 km/h, phạm vi hoạt động 8.100km. Thủy thủ đoàn gồm 23 sĩ quan, 24 hạ sĩ quan và 291 binh sĩ.

USS Russell được trang bị toàn bộ hệ thống tác chiến Aegis phiên bản nâng cấp, giúp tàu có hỏa lực cực mạnh, tốc độ xử lý cực nhanh trong tác chiến phòng không cũng như nâng cao khả năng đối kháng điện tử. Tàu được trang bị 6 ngư lôi đối ngầm Mk.46. Các máy bay trực thăng săn ngầm MH-60R trên tàu có khả năng săn ở tầm xa.

Như mọi tàu chiến hiện đại khác, USS Russell được trang bị đầy đủ vũ khí thông thường. Một pháo 127 mm được trang bị ở mũi tàu, có thể đối hạm, bắn phá đất liền và thậm chí còn có khả năng đối không.

Hai pháo 25 mm và bốn súng máy 12,5mm cũng đã được bổ sung; có 2 hệ thống vũ khí cự ly gần Phalanx 1B được thiết kế để bắn hạ các tên lửa trong tầm ngắm, nhưng cũng có thể bắn cả trực thăng, máy bay không người lái (UAV) và các tàu nhỏ.

Khu trục hạm USS Russell có thể kết hợp với khả năng phòng thủ của cả một nhóm tàu chiến mặt nước và có khả năng hợp đồng tác chiến để nhắm bắn vào các mục tiêu ở phạm vi rộng, nhờ sử dụng các dữ liệu về mục tiêu của các trang bị như máy bay cảnh báo sớm E-2D Hawkeye.

USS Russell cũng có thể phóng các tên lửa phòng không Evolved Sea Sparrow nhằm vào các mục tiêu phạm vi gần và trung, tên lửa SM-2 và SM-6 nhằm vào các mục tiêu trên không tầm xa. Để chống ngầm, tàu được tích hợp sẵn một hệ thống thiết bị định vị thủy âm SQQ-89 và một hệ thống sonar kéo có thể được triển khai cho các bản nâng cấp sau này.

Một trong những điểm yếu của tàu là khả năng giao chiến với tàu địch. USS Russell không thực sự hiệu quả về đối hạm. Hiện tại, Hải quân Mỹ đã đưa vào biên chế 62 chiếc tàu khu trục như USS Russell. Đây là lớp tàu khu trục hiện đại nhất trong biên chế của hải quân Mỹ.

Vào tháng 5 năm 2004, USS Russell bắt đầu tham gia cuộc tập trận thường niên Carat ở Đông Nam Á. Tháng 5/2008, Russell tham gia tập trận KhunjarHaad, một cuộc tập trận đa quốc gia được tổ chức vịnh Oman. Tháng 1/2013, Russell đã hoán đổi thủy thủ đoàn với tàu USS Halsey tại căn cứ hải quân San Diego.

Trở lại tình hình biển Đông, theo Reuters, những hoạt động hải quân vừa qua cho thấy, chính phủ của Tổng thống Joe Biden sẽ không giảm mức độ thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý, của Bắc Kinh trong vùng biển khu vực.

Chính sách tăng cường hiện diện trong vấn đề Biển Đông, đã được đẩy mạnh từ nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, tiêu biểu là những lệnh trừng phạt nhắm vào hàng loạt công ty Trung Quốc, tham gia cải tạo và quân sự hóa trái phép các thực thể trong vùng biển.

Tham vọng bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông là một trong những vấn đề nóng trong quan hệ Mỹ-Trung. Thời gian tới, Trung Quốc sẽ rất khó khăn trong việc thực hiện tham vọng ở Biển Đông, khi phải đối mặt với những thách thức ngày càng lớn từ quân đội Mỹ và sức ép từ các nước trong khu vực. Nguồn ảnh: USNI.

Thăm khu trục hạm USS Russell của Hải quân Mỹ.

Thái Hòa

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/tau-khu-truc-my-thach-thuc-trung-quoc-o-bien-dong-manh-co-nao-1499987.html