Tàu ngầm Khabarovsk Nga thành mối đe dọa chủ yếu với Mỹ

Lầu Năm Góc dự định đánh chặn thiết bị ngầm không người lái 'Poseidon' bằng những ngư lôi hiện vẫn chưa biết khi nào mới có

Chúng tôi mới giới thiệu bài tổng hợp ngắn của tòa soạn báo “Bình luận quân sự” (Nga) với tiêu đề: “Forbes:Nga thay đổi cán cân đại dương bằng một quả ngư lôi” (DVO, 12/6/2020.

Để cung cấp thêm thông tin, nhất là về các biện pháp đối phó của Mỹ, xin giới thiệu tiếp bài báo với tiêu đề trên của chuyên gia quân sự Nga quen thuộc Vladimir Tuchkov.

Bài đăng trên “Svobodnaia Pressa” và một số báo chuyên ngành quân sự khác ngày 14/6/2020. Sẽ có một số thông tin trùng lặp với bài trước, xin bạn đọc thông cảm.

Trên ảnh: hệ thống đa năng “Poseidon” (Ảnh: Ảnh chụp từ video / Cơ quan báo chí Bộ Quốc phòng LB Nga / TASS)

Tình trạng căng thẳng trên thế giới đã leo thang đến mức mà ngay cả đến tạp chí Forbes cũng đã phải tham gia bàn luận về chủ đề quân sự- cụ thể là mới cho đăng một bài báo bàn về tình hình của Hải quân Nga hiện nay. Đây là chuyện mà trước đây Forbes chưa từng làm.

Lần này thì đối tượng được Forbes “điều tra nghiên cứu” là chiếc tàu ngầm hạt nhân “Khabarovsk” (Nga) sắp được đóng xong.

Tác giả bài báo là chuyên gia H.I. Satton thể hiện một thái độ trân trọng với “Khabarovsk” đến mức đã đưa ra một tuyên bố khẳng định rằng- sự xuất hiện của chiếc tàu ngầm này sẽ buộc các quốc gia phải xem xét lại cả chiến thuật lẫn chiến lược tiến hành chiến tranh ngầm dưới mặt nước.

Tất nhiên, cái trò “mèo vờn chuột” mà các tàu ngầm Liên Xô và Mỹ đã từng chơi với nhau trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh vẫn sẽ được tiếp tục cả sau khi tàu ngầm “Khabarovsk” được đưa vào trang bị cho Hải quân Nga.

Nhưng từ bây giờ trở đi, các tàu ngầm Mỹ sẽ đi săn không chỉ những chiếc tàu ngầm Nga mang tên lửa đạn đạo (chiến lược), mà còn ngay cả chiếc “Khabarovsk” này nữa. Và cả những tàu ngầm cùng lớp với ”Khabarovsk”, nếu như Nga cho sản xuất hàng loạt kiểu tàu này.

Lý do khiến “Khabarovsk” được chú ý đặc biệt như vậy- vì nó là phương tiện mang thiết bị không người lái động cơ hạt nhân mang đầu tác chiến hạt nhân công suất siêu lớn "Canyon", “Canyon” –đấy là cách gọi thiết bị ngầm không người lái “Poseidon” của người Mỹ.

Phải thừa nhận rằng người Mỹ biết khá nhiều thông tin xung quanh việc đóng chiếc tàu ngầm nói trên. Ông tác giả người Mỹ viết ở đầu bài báo như sau: “Chúng ta (Mỹ) đang theo dõi sát việc (Nga) chuẩn bị đưa tàu ngầm “Khabarovsk” rời Xưởng đóng tàu số một thuộc Nhà máy đóng tàu “Sevmash” (để hạ thủy).

Tiếp theo, H.I. Satton giới thiệu các ảnh vệ tinh để độc giả có thể tự mình quan sát các xưởng và công trình phụ trợ của nhà máy “Sevmash”. Tiếp theo, ông diễn giải cách dựa vào những dấu hiệu nào trên ảnh để có thể xác định là tàu đang được chuẩn bị được hạ thủy.

Tiếp theo nữa- ông cũng khẳng định rằng “Khabarovsk” sẽ không được hạ thủy đúng thời hạn. Bởi vi tình hình xung quanh Xưởng vẫn yên ắng hệt như một năm trước đây vậy

Người Mỹ cũng biết tương đối rõ kích thước và một số tính năng kỹ thuật của chiếc “Khabarovsk” được chế tạo theo dự án 08951 này. Tác giả H.I. Satton khẳng định là có nhiều điểm chung giữa tàu ngầm “Khabarovsk” với tàu ngầm mang tên lửa chiến lược lớp “Borey”. Tàu “Khabarovsk” sẽ mang 6 quả “Poseidon”.

Còn về chính "Poseidon"- thì đó là một vũ khí đa năng. Thiết bị không người lái mang đầu tác chiến công suất tới 100 Megaton này có thể được sử dụng để gây ra những tổn thất không thể bù đắp nổi cho các căn cứ hải quân của Mỹ.

Và nó cũng có thể thực hiện chức năng làm kiểu vũ khí của “Ngày tận thế” trong trường hợp xảy ra đòn tấn công hạt nhân nhằm vào nước Nga.

Để làm điều này, một vài "Poseidon" sẽ “lẳng lặng tiếp cận” bờ biển Hoa Kỳ, nằm “ẩn mình” tại một vùng nước tương đối nông để chờ lệnh phát nổ.

Có nghĩa là nó sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) vì ICBM sẽ phải mất hơn nửa giờ để vượt Đại Tây Dương để đến được các mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ.

Vâng, và còn phải vượt qua hệ thống phòng thủ chống tên lửa nữa chứ. Trong khi đó với "Poseidon"- thì nó đã nằm chờ sẵn ngay tại "chân công trình” rồi.

Các chuyên gia tính toán rằng nếu một thiết bị hạt nhân không người lái này phát nổ, một khu vực lãnh thổ rất rộng lớn sẽ không thể sử dụng được cho bất kỳ một hoạt động quân sự, kinh tế và xã hội nào không chỉ trong nhiều năm, mà là trong nhiều thập kỷ.

Với tốc độ gió 25 km / h, một đám mây phóng xạ sẽ phủ trùm trên một khu vực có diện tích 300 km × 1700 km.

Ô nhiễm phóng xạ trong thời gian dài là do đầu đạn 100 megaton của “Poseidon” có chứa coban và vì thế nên khi phát nổ sẽ tạo ra một khối lượng lớn các đồng vị có chu kỳ bán rã rất dài. Kết cấu kiểu đầu tác chiến như vậy còn được gọi là “bom bẩn”.

"Poseidon" có những tính năng có một không hai. Động cơ hạt nhân đảm bảo cho nó “di chuyển vượt quãng đường” tới hơn 10.000 km. Tốc độ tối đa là hơn 200 km / h. Có được tốc độ như vậy là nhờ thiết bị không người lái này di chuyển trong một bong bóng khí.

Tốc độ hành trình - 50 km / h. Khi giảm tốc độ để thực hiện chế độ di chuyển tiếp cận mục tiêu, Poseidon có độ ồn thấp kỷ lục. Có nghĩa là ngay cả các sonar hiện đại nhất cũng không thể phát hiện được nó ở khoảng cách hơn 4-5 km. Và còn một tính năng cũng kỷ lục khác nữa: độ sâu làm việc tới khoảng 1.000 mét.

Bên cạnh đó, còn một bối cảnh rất quan trọng nữa- “Poseidon” có sử dụng trí tuệ nhân tạo.

Thật khó để nói là trí tuệ nhân tạo ứng dụng trên “Poseidon” đã phát triển đến mức độ nào, nhưng, trong mọi trường hợp, thiết bị ngầm không người lái này chắc chắn có thể hoạt động độc lập, và dù không cần sự tham gia của bất kỳ một sỹ quan điều khiển nào vẫn tự mình tìm đến đến được mục tiêu.

Thêm nữa, nó tự điiều khiển hướng đi không chỉ bằng bản đồ bề mặt địa hình ngầm dưới nước, mà còn cả căn cứ vào tình huống tác chiến cụ thể.

Có nghĩa là nó có thể xác định được hoặc là mình đã bị hệ thống phòng thủ chống ngầm đối phương phát hiện, hoặc là đang bị các ngư lôi tấn công. Tùy thuộc vào tình huống cụ thể, “Poseidon” vừa cơ động vòng tránh vừa thay đổi tốc độ - tăng tốc hoặc giảm tốc.

Forbes dự đoán rằng ngay trong thập kỷ này, tất cả các tàu ngầm tấn công đa năng của Mỹ và Anh sẽ phải dành sự quan tâm đặc biệt cho “Khabarovsk”. Và cho một tàu ngầm khác nữa cũng sẽ trở thành phương tiện mang 6 thiết bị "Poseidon" – đó là tàu ngầm "Belgorod".

Chiếc tàu ngầm này (“Belgorod”) đang được đóng theo dự án 09852. Tàu ngầm “Belgorod” sẽ kết hợp thực hiện cả chức năng tấn công và chức năng trinh sát, và vì thế nó sẽ được trang bị thêm thiết bị lặn sâu “Losharik”.

Theo các kế hoạch thì Hải quân Nga sẽ tiếp nhận thêm hai tàu ngầm hạt nhân được trang bị mỗi chiếc 6 “Poseidon” nữa. Các công tác thiết kế chúng trong khuôn khổ dự án 09853 vẫn đang được tiếp tục.

Nhưng hiện chưa có thông tin khi nào sẽ khởi công đóng các tàu còn lại này. Tuy nhiên, có thể tin chắc được rằng cuộc khủng hoảng rất nghiêm trọng hiện nay sẽ không cho phép hiện thực hóa không chỉ tất cả những gì đã nghĩ ra, mà ngay cả các kế hoạch đã được phê duyệt.

Nhưng trong bất kỳ trường hợp nào thì việc đưa hai tàu ngầm- phương tiện mang "Poseidon" vào trang bị cho Hải quân Nga- là một điều tuyệt đối chắc chắn.

Tác giả bài báo trên Forbes nói trên cũng cố gắng tìm câu trả lời cho câu hỏi: Hải quân Mỹ và Anh có phương tiện nào để chống lại “Poseidon” Nga không? Câu trả lời- chỉ được một phần và chỉ ở một mức độ hạn chế.

Để tiêu diệt các thiết bị ngầm không người lái này của Nga, hiện Mỹ và Anh chỉ có thể sử dụng những ngư lôi tốt nhất của mình- Mk. 48 ADCAP và “Spearfish”.

Tuy nhiên, việc sử dụng những ngư lôi này để đánh chặn cũng chỉ có thể thực hiện được trong một số trường hợp nhất định vì “Poseidon” có rất nhiều chế độ hoạt động.

Có lẽ, chỉ ngay sau khi “Poseidon” vừa được phóng khỏi phương tiện mang và chưa tăng tốc lên ngưỡng tối đa. Vâng, chưa hết- còn độ sâu hoạt động của “Poseidon” nữa- cũng ngoài tầm với của ngư lôi Mỹ.

Trên thực tế, mã số phiên bản mới nhất của ngư lôi Mk.48 không phải là ADCAP, mà là CBASS. Vì vậy, có thể hiểu ngư lôi Mỹ có thể đạt tốc độ tối đa 100 km / h. Và độ sâu haotj động tối đa là 500 mét.

Ngư lôi “Spearfish” của Anh – loại vũ khí “nghiêm túc” hơn Mk. 48 ADCAP của Mỹ. Nó được thiết kế chế tạo riêng để “làm việc” với tàu ngầm Liên Xô dự án 705 “Lira” có tốc độ phi thường là 41 hải lý/h khi lặn. Tốc độ của ngư lôi Anh đạt tới 150 km / h. Độ sâu làm việc cũng tương tự như của "Người Mỹ" - 500 mét.

Với ngư lôi “Spearfish” Anh, tàu ngầm “Lira” Xô Viết là mục tiêu “dễ nhằn” hơn rất nhiều so với “Poseidon”.

Bởi vì những chiếc tàu ngầm Liên Xô thế hệ đó được Phương Tây gọi là "những con bò cái rống" do độ ồn thái quá của chúng. Trong khi đó- cực kỳ khó phát hiện “Poseidon". Và vị chuyên gia- tác giả bài báo trên Forbes hiểu quá rõ điều này.

Ông cho rằng Phương Tây sẽ cần những ngư lôi có tốc độ nhanh hơn, hoạt động ở độ sâu lớn hơn và có cự ly hoạt động xa hơn.

Cũng như cần phải có các phương tiện mới hiện đại hơn rất nhiều để có khả năng phát hiện thiết bị không người lái có độ ồn gần “hòa lẫn” với phông tiếng ồn tự nhiên của đại dương này.

Tác giả thừa nhận: “Để đối phó với kiểu ngư lôi này, Phương Tây sẽ cần rất nhiều tiền. Và ở đây, còn cần cả một số sự thỏa hiệp.

Các ưu tiên khác sẽ phải gạt sang một bên để nhường chỗ cho các dự án thiết kế phương tiện chống lại “Poseidon”. Và tất nhiên, phải chấp nhận giảm ưu tiên đầu tư cho các công việc ở những lĩnh vực khác".

Như chúng ta đã thấy, tình hình cũng có cái gì đó tương tự như với tên lửa siêu thanh. Chính trên hướng này (phát triển tên lửa siêu thanh), mới đây Lầu Năm góc đã phải triển khai những dự án quy mô chưa từng có để đuổi kịp Nga. Giờ thì lại phải triển khai thêm một dự án khẩn cấp nữa - dự án biển.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/tau-ngam-khabarovsk-nga-thanh-moi-de-doa-chu-yeu-voi-my-3405823/