Tầu ngầm Trường Sa 2 kỳ vọng ra quần đảo Trường Sa

Khác các lần trước, ông Hòa sẽ chế tạo tàu ngầm Trường Sa 2 thiên về ứng dụng ngoài thực tế hơn là chỉ ở cấp độ phòng thí nghiệm.

Sẽ tham khảo các nhà khoa học trong, ngoài nước

Ngày 11/9/2018, chia sẻ với Đất Việt, ông Nguyễn Quốc Hòa - chủ một doanh nghiệp cơ khí trên địa bàn TP. Thái Bình cho biết: "Tôi đang tiến hành chế tạo tàu ngầm Trường Sa 2 sau thành công từ hai thế hệ tàu ngầm trước".

Trong lần làm tàu ngầm lần thứ 3 này, ông Hòa sẽ có nhiều sự thay đổi về mặt thiết kế.

Các chi tiết "thừa" từ những chiếc tàu ngầm thế hệ trước sẽ được tinh giản để chiếc mới nhất này đạt được hiệu suất tối đa nhất cả về mặt kỹ thuật lẫn kinh tế.

"Về mặt ngoại hình thì tầu ngầm Trường Sa 2 sẽ tương tự như Trường Sa 1 và Hoàng Sa trước đó tôi từng làm. Chỉ có điều, kích thước của chiếc Trường Sa 2 sẽ nhỏ hơn, mang tính chất của một chiếc tàu ngầm mini.

Chính vì thế mà nhiều chi tiết nội thất của chiếc Trường Sa 2 sẽ được tinh gọn, tối giản để phù hợp với diện tích. Về cách thức hoạt động thì tàu ngầm Trường Sa 2 cũng không khác các thế hệ tầu ngầm trước" - ông Hòa nói.

Cơ sở của ông Nguyễn Quốc Hòa đang bắt tay vào chế tàu tầu ngầm thế hệ thứ 3 mang tên Trường Sa 2.

Theo lời mô tả của ông Hòa thì chiếc tàu ngầm Trường Sa 2 sẽ sử dụng công nghệ AIP (hệ thống tuần hoàn khí độc lập). Những chiếc tàu ngầm thế hệ trước do ông Hòa chế tạo có thể chạy ngầm, lặn sâu và nổi trên mặt nước nhịp nhàng. Điều này cũng sẽ được tàu ngầm Trường Sa 2 kế thừa trong thời gian sắp tới.

Ông Hòa chia sẻ: "Từ những lần thiết kế tàu ngầm trước, tôi đã rút ra được cho mình nhiều bài học kinh nghiệm, khi xảy ra sự cố tôi đã biết được hỏng hóc do đâu, cách sửa chữa như thế nào.

Chính vì thế mà đợt sản xuất tàu ngầm thế hệ thứ 3 này sẽ nhanh hơn những lần trước và hoàn thiện hơn, sử dụng điều khiển điện tử tự đồng gần như hoàn toàn".

Vị kỹ sư này thành thật chia sẻ, nhiều lúc chế tào tàu ngầm ông cũng lâm vào tình trạng bế tắc, không biết phải triển khai các bước tiếp theo như thế nào. Chính vì thế, ông Hòa sẽ phải nhờ đến sự hỗ trợ, tư vấn của các chuyên gia trong và ngoài nước.

"Trong quá trình chế tạo, nếu gặp khó ở đâu tôi sẽ tham khảo ý kiến bạn bè, chuyên gia trong và ngoài nước để đúc rút ra cho chiếc tàu ngầm được hoàn thiện hơn" - ông Hòa nói.

Tàu ngầm Trường Sa 2 mang tính ứng dụng cao

Điểm khác biệt lớn nhất được ông Hòa bật mí ở chiếc tầu ngầm thế hệ thứ 3 do mình thiết kế giàu tính ứng dụng.

Nếu như 2 chiếc tàu ngầm trước chỉ gói gọn trong phòng thí nghiệm và những lần thực nghiệm ngoài sông, hồ thì ông Hòa kỳ vọng chiếc tàu ngầm Trường Sa 2 sẽ hoạt động dưới biển, ứng dụng thực tế để phục vụ cho việc phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng.

Ông Hòa trong một lần thử nghiệm tầu ngầm thế hệ trước do mình chế tạo.

"Trường Sa 2 dài 9m, nặng 22 tấn, chiều cao bên trong thân tàu 1,8 m, sức chứa tối đa 6 thủy thủ đoàn. Tôi đặt kỳ vọng chiếc tàu ngầm Trường Sa 2 sẽ hoạt động được dưới độ sâu 250m dưới mực nước biển, bán kính hoạt động chắc chắn không dưới 1000km, vận tốc mỗi giờ 35km. Tàu có thể đi từ đất liền ra được tới quần đảo Trường Sa..." - ông Hòa cho hay.

Hiện tại các kỹ sư trong xưởng cơ khí của ông Hòa đang làm phần vỏ tàu, có nhiều hạng mục được chia ra và hoàn thành riêng lẻ.

Khi các bộ phận này làm xong sẽ được đem lắp gặp lại với nhau. Phần động cơ cùng một số trang thiết bị quan trọng nhập từ nước ngoài và sẽ được hiệu chỉnh cho phù hợp với tính năng của tàu...

Ông Hòa cho biết: "Trong lần chế tạo tầu ngầm này tôi đặt ra yêu cầu cao hơn những lần trước. Con tàu không chỉ nhỏ hơn mà còn phải hoạt động với hiệu suất cao hơn nhưng tôi tự tin mình và các đồng nghiệp sẽ thành công.

Chỉ mong sau cơ quan chức năng cũng ủng hộ và không ngăn cản việc đưa tàu ngầm Trường Sa 2 ra ngoài thực tế".

Khánh Du

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/cong-nghe/tau-ngam-truong-sa-2-ky-vong-ra-quan-dao-truong-sa-3365308/