Tàu sân bay 13 tỷ USD không thể phóng máy bay

USS Gerald R. Ford đã không thể phóng được các máy bay chiến đấu F/A-18 Super Hornet và E/A-18 Growler khi chúng được trang bị thêm bình nhiên liệu phụ.

Theo Bloomberg ngày 15/6, hệ thống phóng máy bay của siêu tàu sân bay đắt nhất trong lịch sử, USS Gerald R. Ford (CVN-78) đã không thể phóng được các máy bay chiến đấu F/A-18 Super Hornet và E/A-18 Growler khi chúng được trang bị thêm bình nhiên liệu phụ.

Các cuộc thử nghiệm cho thấy, hệ thống phóng máy bay điện từ (EMALS), bị lỗi phần mềm, tạo nên ''sự rung lắc quá mức'' ở các bình nhiên liệu phụ trên cánh máy bay.

Các cuộc thử nghiệm cũng cho thấy, EMALS phải cần nhiều người vận hành hơn và nếu một trong các hệ thống bị lỗi, thì tất cả các hệ thống phóng máy bay trên tàu đều phải ngừng hoạt động.

Điều này hoàn toàn không được phép trong thực chiến, bởi lẽ vai trò quyết định của tàu sân bay là giúp các máy bay chiến đấu cất cánh.

Ngoài ra, CVN-78 còn gặp phải một số vấn đề ở hệ thống nâng vũ khí trên tàu, và khả năng của radar trong việc kiểm soát không lưu cho hệ thống tự vệ trên tàu.

Như vậy, tới thời điểm hiện tại, những sự cố cố hữu của CVN-78 vẫn chưa được khắc phục. Điều này có thể khiến kế hoạch triển khai hoạt động của tàu sân bay USS Gerald R. Ford tiếp tục bị trì hoãn.

Tàu sân bay USS Gerald R. Ford (CVN-78) đã không thể phóng được các máy bay chiến đấu F/A-18 Super Hornet và E/A-18 Growler khi chúng được trang bị thêm bình nhiên liệu phụ.

Trước đó trong quá trình thử nghiệm, USS Gerald R. Ford (CVN-78) cũng xuất hiện nhiều sự cố liên quan đến hệ thống phóng, hạ máy bay, hệ thống vận chuyển vũ khí quân sự và hệ thống phòng vệ.

National Interest dẫn báo cáo của Tiến sĩ Michael Gilmore, người đứng đầu Cơ quan đánh giá hoạt động thử nghiệm (DOT&E) hồi tháng 9/2016 nêu rõ:

"Nếu những vấn đề này không được giải quyết, chúng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng vận hành chiến đấu của CVN-78. Theo dự đoán, CVN-78 không thể tiến hành các hoạt động bay cường độ cao ở giai đoạn của cuộc chiến".

Theo bản báo cáo này, các bình nhiên liệu bổ sung, giúp các máy bay F/A-18 Super Hornet và Growler mở rộng được phạm vi hoạt động, có thể mang theo hơn 1.500 lít nhiên liệu.

Tuy nhiên, hệ thống phóng máy bay bằng điện từ sẽ gia tăng thêm sức ép lên các bình này nhiều hơn hệ thống hỗ trợ phóng bằng hơi nước cũ, điều sẽ khiến các chiến đấu cơ có thể bị hư hại nghiêm trọng.

Theo Tiến sĩ Michael Gilmore, để khắc phục những vấn đề này, các kỹ sư nhiều khả năng phải thiết kế lại hệ thống phóng và tiếp nhận máy bay

USS Gerald Ford là tàu sân bay lớp Ford đầu tiên trong số ba chiếc được hải quân Mỹ đặt hàng, với chi phí tổng cộng lên tới gần 42 tỷ USD. CVN-78 dự kiến được biên chế hoạt động vào năm 2014, nhưng mãi đến tháng 5/2017 với được bàn giao.

Với tổng chi phí chế tạo nên đến 13 tỷ USD, tàu USS Gerald R. Ford trở thành chiếc tàu chiến đắt nhất trong hạm đội hải quân Mỹ. Chiếc tàu sân bay lớp Ford tiếp theo, USS John F. Kennedy, dự kiến sẽ được biên chế hoạt động vào năm 2020.

Trong một tuyên bố hồi tháng 9/2016, Thượng nghị sĩ John McCain, chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ từng nhận định rằng, sự trì hoãn "không thể chấp nhận" và "hoàn toàn có thể tránh được".

"Chương trình tàu sân bay lớp Ford là một minh chứng điển hình rằng hệ thống mua sắm vũ khí của chúng ta phải được cải tổ để khắc phục các đề xuất mua sắm phi thực tế, yếu kém trong ước tính chi phí, các hệ thống mới được đưa vào sản xuất một cách vội vã, việc thiết kế và thi công được triển khai đồng thời và các vấn đề khác", ông McCain nói.

Duy Khang

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/tau-san-bay-13-ty-usd-khong-the-phong-may-bay-3337552/