Tàu sân bay 'Big Stick' vào Đà Nẵng có sức mạnh gì?

USS Theodore Roosevelt (CVN-71) neo ở vịnh Đà Nẵng đúng 2 năm sau ngày 'đại bàng vàng' USS Carl Vinson (CVN-70) thăm Việt Nam.

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN-71) trong vịnh Đà Nẵng sáng 05/03 có thể quan sát bằng mắt thường vì sự đồ sộ của con tàu. Ảnh: PV Đất Việt

Cùng thuộc phân lớp Nimitz nhưng CVN-71 với biệt danh “Gậy răn đe lớn” có nhiều điểm khác với “Đại bàng vàng” CVN-70. Lần này đến Việt Nam, CVN-71 mang theo đội hình hộ tống vô cùng hoành tráng, được đánh giá là một trong những hàng không mẫu hạm Mỹ được bảo vệ chặt chẽ nhất, nếu không nói là chưa từng có trong lịch sử hải quân Mỹ.

Chưa bàn đến đội hình hộ tống hùng hậu, bản thân USS Theodore Roosevelt cũng đã sở hữu cho mình sức mạnh ít đối thủ. Theo lịch trình tại Việt Nam, một đoàn khách trong đó có phóng viên Đất Việt sẽ được lên CVN-71 để tham quan. Tuy nhiên, vì thời tiết không thuận lợi, sóng to nên để đảm bảo an toàn, phần hoạt động này đã bị hủy, cơ hội để có thể nhìn tận mắt các trang bị siêu khủng của “Big Stick” cũng trở thành điều tiếc nuối của nhiều phóng viên quốc tế và trong nước.

CVN-71 được trang bị 2 lò phản ứng hạt nhân Westinghouse A4W thế hệ thứ tư bên dưới, cung cấp năng lượng giúp truyền động cho 4 chân vịt tổng công suất 260.000 mã lực, vì thế tàu có khả năng vận hành liên tục 20 – 25 năm mà không cần tiếp nhiên liệu. Ảnh: ĐSQ Mỹ

CVN-71 là tàu sân bay hạt nhân thứ tư thuộc phân lớp Nimitz trong Hải quân Mỹ. Tàu do nhà máy đóng tàu Newport News thực hiện và hạ thủy năm 1986 với lượng choán nước dao động từ 104.600 tấn – 117.200 tấn, chiều dài 332,8m, rộng 76,8m, tốc độ 30-35 hải lý/ giờ. Ảnh: Hải quân Mỹ

Đặc biệt, CVN-71 được trang bị radar dày đặc với nhiều nhiệm vụ khác nhau. Có thể kể đến như radar tầm soát và cảnh giới 3D AN/SPS-48E, radar tầm soát trên không AN/SPS-49, radar bám bắt mục tiêu AN-SPQ-9B, radar kiểm soát không lưu AN/SPN-46, radar điều khiển hỏa lực MK-91 NSSM và MK-95. Ảnh: Hải quân Mỹ

Sẽ vô cùng thiếu sót nếu nói về sức mạnh của tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN-71) mà không nhắc đến 44 tiêm kích đa nhiệm F/A-18E/F Super Hornet trên tàu. Số lượng các máy bay tiêm kích này được biên chế không cố định tùy vào từng nhiệm vụ được giao.

Nhiệm vụ chính của F/A-18 là chống lại máy bay của đối phương, không kích các mục tiêu trên bộ sâu trong đất liền do có khả năng đạt tốc độ tối đa hơn 1.900 km/giờ trong bán kính chiến đấu hơn 720 km. Không hề lạ khi giới phân tích quân sự xem đây là một trong những tiêm kích trên hạm “bén” nhất thế giới. Trên ảnh là phần đuôi của F/A-18E. Ảnh: Hải quân Mỹ

Song hành cùng F/A-18 là 5-6 tiêm kích tấn công điện tử EA -18G Growler. Đây là những máy bay được phát triển trên nền F/A-18F loại 2 phi công, được đánh giá là máy bay tác chiến điện tử mạnh nhất của Mỹ. EA-18G làm nhiệm vụ hộ tống các phi đội tấn công nhằm xóa bỏ nhiễu tín hiệu, cho phép truyền thông tin bằng một kênh nội bộ trong khi vẫn gây nhiễu hệ thống thông tin của đối phương. Ảnh: Hải quân Mỹ

Bên cạnh đó, CVN-71 cũng sở hữu 19 trực thăng MH-60 S/R Seahawk. Trang Naval Technology cho biết trực thăng MH-60S được biên chế vào tháng 2.2002, là phiên bản thay thế cho trực thăng CH-46D của hải quân Mỹ, còn MH-60R là trực thăng thay thế loại SH-60 và được bàn giao cho hải quân Mỹ vào năm 2005. Nhiệm vụ chung của MH-60 là chống tàu nổi, tìm kiếm cứu nạn, tiếp tế, hỗ trợ tác chiến đặc biệt, riêng MH-60S có thêm nhiệm vụ phá thủy lôi, trong khi MH-60R thì tiêu diệt tàu ngầm. Ảnh: Hải quân Mỹ

Còn đây là máy bay cảnh báo sớm E-2C Hawkeye trên CVN-71 với số lượng 4 chiếc. Mệnh danh là máy bay cảnh báo sớm chủ lực của Mỹ trên tàu sân bay bởi sở hữu nhiều tính năng vượt trội. Hoạt động như “tai mắt” trên bầu trời của nhóm tác chiến tàu sân bay, loại máy bay này có thể phát hiện máy bay ném bom tầm cao từ khoảng cách 741km, tàu chiến từ khoảng cách 360km, tên lửa hành trình từ 269km và máy bay chiến đấu từ 408km. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Ngoài ra, “Big Stick” còn có thêm 2 máy bay vận tải C-2A Greyhound, được thiết kế chuyên biệt cho tàu sân bay, khả năng hỗ trợ hậu cần hoặc vận chuyển người khi cần thiết và ngoài khả năng bay của các trực thăng. Ảnh: Hải quân Mỹ

Dù được đội hộ tống bảo vệ nghiêm ngặt, nhưng bản thân CVN-71 cũng có vũ khí để thực hiện phòng thủ, những chốt chặn cuối cùng trên chiến hạm gồm 3 bệ phóng tên lửa hải đối không tầm thấp RIM-116 (mỗi bệ phóng chứa 21 tên lửa), 2 hệ thống pháo phòng thủ tự động bắn nhanh Phalanx CIWS (khắc tinh của tên lửa diệt hạm và tên lửa hành trình), 3 bệ phóng tên lửa hải đối không tầm gần RIM-7 Sea Sparrow (mỗi bệ phóng chứa 8 tên lửa). Trên hình là RIM-7 Sea Sparrow đang chuẩn bị phóng. Ảnh: Hải quân Mỹ

USS Theodore Roosevelt có tổng cộng 5.000 thủy thủ đoàn, gồm hơn 3.000 thủy thủ vận hành các hệ thống của tàu và hơn 2.000 nhân viên hàng không. Trên hình, các thủy thủ đoàn đang thực hiện một cuộc đua marathon rèn luyện thể lực. Ảnh: Hải quân Mỹ

Khánh Nguyên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tau-san-bay-big-stick-vao-da-nang-co-suc-manh-gi-3398084/