Tàu sân bay Italia sắp mang F-35B

Các quốc gia đồng minh với Mỹ đang tích cực nâng cấp tàu đổ bộ tấn công và tàu sân bay của mình để mang được tiêm kích hạm F-35B Lightning II.

Theo Bộ Quốc phòng Italia, tàu sân bay Cavour của hải quân nước này đã tới nhà máy đóng tàu Taranto vào ngày 22/7, sẵn sàng thực hiện công việc chuyển đổi để đáp ứng các tiêu chuẩn của máy bay chiến đấu F-35B. Giai đoạn đầu tiên của quá trình sửa đổi sẽ mất khoảng 6 tháng.

Sau khi hoàn thành giai đoạn đầu tiên, chiếc Cavour sẽ được bàn giao cho nhà máy đóng tàu Fincantini để sửa đổi tiếp theo.

Hải quân Italia đã đầu tư 70 triệu Euro cho việc nâng cấp, hiện đại hóa chiếc hàng không mẫu hạm hạng nhẹ này.

Sau khi quá trình chuyển đổi hoàn thành, máy bay chiến đấu tàng hình có khả năng cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng F-35B sẽ thay thế loại AV-8B Harrier hiện có. Con tàu dự kiến sẽ trở lại hoạt động vào tháng 9/2020.

Tàu sân bay hạng nhẹ Cavour của Hải quân Italia bắt đầu quá trình nâng cấp để mang tiêm kích F-35B

Tàu sân bay Cavour được khởi công đóng mới ngày 17/7/2001, hạ thủy ngày 20/7/2004 và chính thức vào biên chế ngày 10/6/2009 sau hơn 1 năm chạy thử nghiệm trên biển.

Chiếc Cavour có kích thước khá khiêm tốn với chiều dài 244 m; chiều rộng chỗ lớn nhất 29,1 m; mớn nước 8,7 m; lượng giãn nước đầy tải 27.100 tấn; thủy thủ đoàn 1.202 người.

Hệ thống động lực của chiếc Cavour là COGAG (kết hợp turbine khí - turbine khí) với 4 động cơ General Electric/Avio LM2500 công suất 88.000 kW và 6 máy phát điện diesel Wärtsila CW 12V200 công suất 13.200 kW.

Tốc độ tối đa mà chiếc Cavour đạt được là 29 hải lý/h 54 km/h), tầm hoạt động 7.000 hải lý (13.000 km) khi chạy với vận tốc tiết kiệm nhiên liệu 16 hải lý/h (30 km/h).

Cảm biến chính của tàu sân bay Cavour gồm có radar trinh sát tầm xa Selex RAN-40L 3D, radar đa năng Selex ES EMPAR, radar trinh sát bề mặt Selex ES RAN-30X/I RAS và 2 radar kiểm soát hỏa lực Selex ES RTN-25X Orion.

Về vũ khí trang bị, trên tàu sân bay Cavour có cụm bệ phóng thẳng đứng A43 Sylver với 32 ống, tương thích tên lửa phòng không tầm trung MBDA Aster 15 có tầm bắn 30 km.

Những vũ khí khác của tàu bao gồm 2 pháo Oto Melara cỡ 76/62 mm; 3 pháo phòng không bắn nhanh Oerlikon Contraves 25/80 mm cùng 2 hệ thống phóng mồi bẫy ngụy trang ODLS-H/ODLS Oto Melara.

Tàu sân bay Cavour sẽ có sức mạnh vượt trội khi được trang bị tiêm kích F-35B

Với vai trò của một tàu sân bay hạng nhẹ, trước khi được trang bị F-35B thì trên chiếc Cavour có sự hiện diện của một phi đội 8 chiếc AV-8B Harrier II, hoặc 12 trực thăng AW101.

Điểm độc đáo nữa của tàu sân bay hạng nhẹ Cavour đó là nó còn làm được chức năng của một tàu đổ bộ, khi có sẵn 4 xuồng cao tốc LCVP để triển khai từ khoang phụ.

Sau khi tiếp nhận tiêm kích tàng hình F-35B, sức chiến đấu của tàu sân bay Cavour sẽ tăng vọt so với hiện nay, với phi đội 12 chiếc F-35B nó sẽ đảm nhiệm được chức năng tấn công tầm xa lẫn phòng không cho toàn hạm đội.

Về phía Mỹ, sau nhiều chỉ trích ban đầu, tiêm kích tàng hình F-35 Lightning II các phiên bản đang cho thấy rõ việc trở thành "con gà đẻ trứng vàng" của ngành công nghiệp quốc phòng Hoa Kỳ.

Còn đối với Nga, Moskva lại có thêm lý do để mà lo lắng khi chênh lệch lực lượng với Hải quân NATO ngày càng gia tăng, nhất là khi tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của họ chưa hẹn ngày trở lại.

Tùng Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/tau-san-bay-italia-sap-mang-f-35b-3384433/