Tàu sân bay mới của Nga là bản sao Juan Carlos?

Viện nghiên cứu Krylov của Nga mới đây đã giới thiệu mô hình một tàu sân bay thế hệ mới có thể kiêm cả chức năng của tàu đổ bộ tấn công.

Mô hình tàu sân bay hạng nhẹ kiêm tàu đổ bộ tấn công mà Viện nghiên cứu Krylov của Nga vừa mới cho ra mắt đã gây xôn xao báo giới, nhiều mỹ từ đã được dành để khen tặng nó như thiết kế độc nhất vô nhị, sự kết hợp chưa từng có...

Với hàng không mẫu hạm thế hệ mới, Hải quân Nga kỳ vọng có thể dung hòa chức năng của cả tàu sân bay lẫn tàu đổ bộ tấn công mang máy bay vào trong một thiết kế, giúp họ tiết kiệm một khoản tiền đáng kể so với đóng mới hai con tàu riêng biệt.

Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có ý kiến e ngại rằng liệu người Nga có quá ôm đồm chức năng vào một chiếc chiến hạm hay không, nhất là tiếp đó đã có phát hiện ra rằng thực chất đây chỉ là một bản sửa đổi từ tàu đổ bộ tấn công lớp Juan Carlos của Hải quân Tây Ban Nha.

Mô hình tàu sân bay hạng nhẹ do Viện nghiên cứu Krylov giới thiệu

Ý tưởng thiết kế một chiếc tàu đổ bộ tấn công có đường cất hạ cánh kiểu nhảy cầu dài để từ đó cho phép triển khai không chỉ tiêm kích hạm có khả năng cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng đã được Hải quân Tây Ban Nha thực hiện từ lâu.

Chiếc Joan Carlos của họ có vẻ bề ngoài giống với tàu sân bay nhiều nhất trong số những chiếc LHD được hải quân một số quốc gia chế tạo, thậm chí nó còn ưu việt hơn nhiều nếu đặt cạnh Mistral của Pháp hay tàu sân bay mini Chakri Naruebet của Hải quân Hoàng gia Thái Lan.

Mặc dù vậy, Hải quân Tây Ban Nha không hề có ý định phóng to chiếc tàu đổ bộ tấn công lớp Joan Carlos thành tàu sân bay đúng nghĩa vì họ nhận ra nó có khá nhiều điểm bất hợp lý.

Tàu đổ bộ tấn công lớp Juan Carlos của Hải quân Tây Ban Nha

Vấn đề đầu tiên đó là khi thiết kế khoang đổ bộ dành cho xe thiết giáp và xuồng đệm khí thì dĩ nhiên phần không gian dành cho khoang chứa máy bay sẽ chẳng còn, khiến phi cơ phải bố trí "lộ thiên" trên đường băng gây ảnh hưởng đến khung thân vì sự ăn mòn của muối biển.

Tiếp theo, khi mang theo phương tiện đổ bộ cũng như lính thủy quân lục chiến thì sẽ phải thiết kế kho nhiên liệu riêng cho chúng, đi kèm với cả kho vũ khí và nơi ăn nghỉ cho vài trăm quân nhân, càng gây ra "xung đột lợi ích" giữa các chức năng.

Chí Linh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/tau-san-bay-moi-cua-nga-la-ban-sao-juan-carlos-3368058/