Tàu sân bay Mỹ khuấy đảo Bắc Cực, Nga giật mình?

Lần đầu tiên sau 27 năm, một tàu sân bay của Mỹ hiện diện ở Bắc Cực để tham gia cuộc tập trận quy mô lớn của NATO

Trident Juncture 18 nhắm đến ai?

Tháng 9 năm 1991, tàu sân bay USS America (CV-66) lớp Kitty Hawk tiến vào Bắc Cực để tiến hành cuộc tập trận Ngôi sao phương Bắc với NATO.

27 năm sau, ngày 19/10/2018, tàu sân bay USS Harry S.Truman (CVN-75) cùng nhóm tàu hộ tống đánh dấu sự chính thức trở lại Bắc Cực của không quân, hải quân Mỹ.

Nhóm tác chiến tàu sân bay này hiện diện tại Bắc Cực để tham gia vào cuộc tập trận Trident Juncture 18 cùng các nước NATO. Đây là cuộc tập trận lớn nhất của khối quân sự này tại Bắc Cực từ thời điểm Liên Xô tan rã trở lại đây.

Cuộc tập trận Trident Juncture 18 bắt đầu từ ngày 25/10 đến 7/11. 29 nước thành viên NATO sẽ tham gia cuộc tập trận cùng với các đối tác Thụy Điển và Phần Lan.

Trident Juncture quy tụ 50.000 binh sĩ, 150 máy bay quân sự, 60 tàu chiến, 10.000 phương tiện cơ giới từ tất cả 31 quốc gia tham gia.

Dù NATO khẳng định Nga không cần lo lắng bởi cuộc tập trận này "không nhằm đến mục tiêu" là Nga. Nhưng Moscow cảm thấy không thỏa đáng trong những lời giải thích này.

Tàu sân bay USS Harry S.Truman

Tướng Valery Zaparenko, một cựu phó Tổng tham mưu trưởng của quân đội Nga đặt câu hỏi: "Mục đích của họ là nhằm chống lại sự đe dọa đến từ phương Bắc. Vậy câu hỏi đặt ra là ai có khả năng đe dọa NATO ở hướng ấy ngoài nước Nga? Hàng chục nghìn binh sỹ kia đang luyện tập để chống lại chúng tôi".

Thực tế, hai hạng mục đáng chú ý nhất của Trident Juncture 18 là thực hành hoạt động di chuyển chiến lược và phòng ngự tập thể. Cụ thể, các lực lượng sẽ được điều chuyển từ nhiều địa điểm khác nhau ở châu Âu, Bắc Mỹ và tập trung vào một mặt trận duy nhất. Tiếp đến là các lực lượng quân sự này luyện tập các phương án chống cự và phản công với một "kẻ địch hùng mạnh" giả tưởng.

Có thể thấy rằng, Mỹ và NATO đang hướng mũi giáo vào Nga và muốn toàn bộ lực lượng quân sự của mình sẵn sàng cho một cuộc xung đột vũ trang quy mô cao nhất ngay tại Bắc Cực.

NATO đã chậm tại Bắc Cực

Thực tế cho thấy, vùng biển lạnh Bắc Cực đang ngày càng nóng. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, hiện nay có những tàu phá băng của Hàn Quốc, Thụy Điển, Đức, Mỹ, Trung Quốc ngày ngày đi lại ở Bắc Cực chứ không riêng gì Nga.

Khám phá Bắc Cực không còn là chủ đề khoa học thuần túy, điều này đã trở thành một vấn đề kinh tế dẫn đến các cuộc cạnh tranh địa chính trị khốc liệt. Và vì sao càng ngày càng có nhiều cường quốc quan tâm đến lục địa băng giá này? Bởi Bắc Cực đang sở hữu hai yếu tố được cho là trọng yếu cho tương lai thế giới:

Thứ nhất, Bắc Cực chứa 1/4 trữ lượng dầu và khí đốt toàn cầu. Hơn 20 mỏ dầu và khí đốt đã được phát hiện tại đây. 10 mỏ trong đó được chứng minh có khả năng sinh lợi lớn.

Bộ Tài nguyên và Môi trường của Nga ước tính có khoảng 15,5 tỷ tấn dầu và 84,5 nghìn tỷ mét khối khí tự nhiên tập trung trong khoảng 6,2 triệu km2 ở Bắc Cực. Khu khai thác khí đốt Shtokman của Nga ở biển Barents là một trong những khu mỏ khí tự nhiên nổi tiếng nhất.

Và đấy chỉ là con số ước lượng khi có đến 3/4 diện tích Bắc Cực chưa có dấu chân thăm dò, khai phá của con người.

Thứ hai, ngày càng có nhiều hàng hóa được vận chuyển qua hành lang Đông Bắc (NEP). Việc tan băng ở Bắc Băng Dương đã mở ra một tuyến đường giao thông mới và nhanh chóng, ít rủi ro so với các tuyến đường biển trước đây.

Tuyến đường biển từ Trung Quốc tới khu vực Tây Âu qua NEP dài khoảng 8.100 hải lý. Tuyến đường đi qua Kênh đào Suez xa hơn khoảng 2.400 hải lý và nếu đi vòng qua châu Phi lại xa hơn khoảng 4.000 hải lý. Như vậy, với lưu lượng hàng hóa vận chuyển qua lại giữa châu Âu và Đông Á ngày càng tăng, việc sử dụng NEP mang lại nhiều thuận lợi hơn.

Trong khi đó, Nga gần như kiểm soát phần lớn tuyến đường NEP này. Với 2 đặc điểm này của Bắc Cực, việc nhiều quốc gia muốn có sự hiện diện của mình tại vùng đất băng giá này là hoàn toàn dễ hiểu.

Khu vực tập trận của NATO

Một điều đáng chú ý, Moscow từ lâu đã có chiến lược thâu tóm Bắc Cực như một món đồ trong tay áo. “Bảo vệ lợi ích của Nga ở Bắc Cực và thúc đẩy vùng này phát triển năng động vẫn là ưu tiên hàng đầu đối với các lực lượng vũ trang”, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu hồi tháng 8 đã tuyên bố thẳng.

Trong 5 năm qua, Nga đã hoàn thành việc xây dựng các căn cứ sau ở Bắc Cực: căn cứ Temp trên đảo Kotelny thuộc quần đảo New Siberia; căn cứ quân sự Nagurskoye ở phía tây bắc quần đảo Franz Josef Land của vùng Arkhangelsk; lực lượng kỹ thuật vô tuyến và trung tâm theo dõi đường không ở vùng Arkhangelsk.

Nga có khoảng 425 tòa nhà và các công trình khác đã được xây dựng trên diện tích hơn 700.000m2 ở Bắc Cực và một đường băng cũng đang được xây dựng trên quần đảo Franz Josef Land.

Một thông tin thú vị khác vừa được đưa ra từ các "ông trùm" khí đốt Arab, trong vòng 19 năm nữa, Nga sẽ sử dụng hết trữ lượng dầu và khí đốt trong lãnh thổ của mình. Nếu thông tin này là thật thì Bắc Cực càng trở thành lợi ích cốt lõi của Nga và gấu Nga sẽ vô cùng hung dữ để bảo vệ miếng mồi của mình.

Khi Nga đã có một chiến lược quân sự lâu dài và kỳ công với Bắc Cực thì đến thời điểm này, Mỹ cùng những người bạn trong NATO của mình mới giật mình lần đầu tiên sau 27 năm.

Tương lai sắp tới, NATO sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với Nga tại vùng biển băng giá này trong bối cảnh họ đang là những người đi sau và phần nào thua thiệt.

Tân Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/tau-san-bay-my-khuay-dao-bac-cuc-nga-giat-minh-3367712/