Tàu sân bay Mỹ trở lại Biển Đông tập trận

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan của hải quân Mỹ đã tiến hành cuộc tập trận ở Biển Đông vào ngày 14/8.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan của hải quân Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Reuters đưa tin, theo thông báo từ hải quân Mỹ, tàu sân bay USS Ronald Reagan đã thực hiện các hoạt động bay với máy bay cánh cố định và cánh xoay cùng các hoạt động và bài tập ổn định biển cấp cao.

Tham gia cuộc diễn tập ngoài tàu sân bay USS Ronald Reagan còn có tuần dương hạm USS Antietam cùng hai tàu khu trục USS Mustin và USS Rafael Peralta.

"Việc phối hợp với các đối tác chung của chúng tôi là cần thiết để đảm bảo khả năng phản ứng nhanh và hiệu quả chiến đấu của lực lượng chung, cũng như duy trì khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở cửa", Chỉ huy Joshua Fagan, sĩ quan phụ trách hoạt động bay của Lực lượng Đặc nhiệm 70 trên tàu sana bay USS Ronald Reagan chia sẻ.

Thời gian gần đây, tàu USS Ronald Reagan còn diễn tập với máy bay ném bom B-1B Lancer từ căn cứ không quân Andersen đảo Guam nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng đưa ra phản ứng chung.

"Cuộc huấn luyện tích hợp giữa nhóm tác chiến tàu sân bay với máy bay B-1 của lực lượng không quân là ví dụ mới nhất về cách chúng tôi liên tục làm việc để duy trì sự đồng bộ với tất cả đối tác chung, cũng như sẵn sàng ứng phó với bất kỳ tình huống nào trong toàn bộ khu vực", tuyên bố từ hải quân Mỹ nhấn mạnh.

Hải quân Mỹ thường xuyên tiến hành diễn tập và hành động chung với các lực lượng khác của quân đội Mỹ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm xây dựng và duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu. Hoạt động trên Biển Đông còn nhằm thể hiện cam kết của Mỹ trước các đồng minh và đối tác trong khu vực về việc đảm bảo sự ổn định và tự do trên biển.

Nhóm tàu chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan được triển khai tới khu vực hoạt động của Hạm đội 7 nhằm hỗ trợ đảm bảo tự do và mở cửa ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.

Dù không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng trong nhiều năm qua, Mỹ liên tiếp đưa ra lời chỉ trích Trung Quốc bành trướng trên tuyến đường biển chiến lược mang lại giá trị hơn 3 nghìn tỉ USD/năm. Ngoài ra, quân đội Mỹ còn cho tăng cường tiến hành tập trận và triển khai tuần tra nhằm “đảm bảo quyền tự do hàng hải” gần các khu vực mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Đặc biệt, hôm 13/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh, Trung Quốc đã đưa ra những cơ sở pháp lý không rõ ràng để minh chứng cho tham vọng ở Biển Đông và trong nhiều năm dùng chứng cứ này để bắt nạt các nước Đông Nam Á.

Mỹ từng nhiều lần lên tiếng chỉ trích những tuyên bố bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời thường xuyên điều động tàu chiến di chuyển qua vùng biển chiến lược nhằm thể hiện quyền tự do hàng hải ở khu vực. Song tuyên bố hôm 13/7 của ông Pompeo được xem là thể hiện thái độ cứng rắn hơn của Mỹ đối với Trung Quốc.

Cũng trong tháng Bảy, Mỹ đã cho triển khai hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan thực hiện các bài diễn tập phòng không chiến thuật ở Biển Đông.

Minh Thu (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/tau-san-bay-my-tro-lai-bien-dong-tap-tran-261451.html