Tàu sân bay Nhật Bản khoe hỏa lực không thua kém khu trục hạm

Trong khuôn khổ cuộc tập trận RIMPAC 2018 đang diễn ra ở quần đảo Hawaii, chiếc tàu sân bay trực thăng Hyuga của Nhật Bản đã cho thấy vì sao nó được hải quân nước này phân loại thành khu trục hạm mang trực thăng.

 Khu trục hạm mang trực thăng lớp Hyuga của Hải quân Nhật Bản gồm 2 chiếc mang số hiệu DDH-181 Hyuga (16DDH) và DDH-182 Ise (18DDH), được đóng với mục đích thay thế người tiền nhiệm 7.000 tấn lớp Haruna.

Khu trục hạm mang trực thăng lớp Hyuga của Hải quân Nhật Bản gồm 2 chiếc mang số hiệu DDH-181 Hyuga (16DDH) và DDH-182 Ise (18DDH), được đóng với mục đích thay thế người tiền nhiệm 7.000 tấn lớp Haruna.

Chiến hạm lớp Hyuga có chiều dài 197 m; chiều rộng 33 m; mớn nước 7 m; lượng giãn nước tiêu chuẩn 13.950 tấn và lên tới 19.000 tấn khi mang đầy tải.

Hệ thống động lực của tàu gồm 4 động cơ turbine khí Ishikawajima Harima/General Electric LM2500-30 công suất 25.000 mã lực (75 MW) mỗi chiếc, cho tốc độ tối đa lên tới 30 hải lý/giờ (56 km/h).

Mặc dù chỉ được gọi là khu trục hạm nhưng dễ nhận thấy thiết kế và các thông số kỹ thuật của Hyuga đều sánh ngang với tàu sân bay hạng nhẹ như Giuseppe Garibaldi của Italia hay Príncipe de Asturias của Tây Ban Nha.

Nhiệm vụ chính của Hyuga là tác chiến chống ngầm, tàu có thể mang theo 11 trực thăng SH-60K Seahawk hoặc MH-47 Chinook với 4 chiếc hoạt động đồng thời trên đường băng.

Trong khoang tàu Hyuga là đầy đủ các thiết bị bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa máy bay với hai thang máy vận chuyển trực thăng lên xuống đường băng.

Hiện tại tiêm kích cánh cố định chưa thể hoạt động trên boong tàu Hyuga, tuy nhiên trong tương lai mọi việc có thể sớm thay đổi nếu nước này quyết định đặt mua F-35B có khả năng cất hạ cánh thẳng đứng.

Có thể nói khu trục hạm mang trực thăng lớp Hyuga cấu thành bộ phận rất quan trọng trong tác chiến của Hải quân Nhật, khi vừa là sát thủ săn tìm tàu ngầm đối phương, vừa chỉ huy chung các tàu chiến khác trong biên đội.

Một chi tiết nữa cũng cần quan tâm đó là do phân loại Hyuga là khu trục hạm cho nên Hải quân Nhật Bản cũng vũ trang cho tàu một cách tương xứng với 16 ống phóng thẳng đứng đa năng Mk 41.

Bệ phóng Mk 41 có thể tích hợp nhiều loại vũ khí, từ tên lửa phòng không tầm xa SM-2, tên lửa chống tên lửa đạn đạo SM-3, tên lửa phòng không tầm trung RIM-162 ESSM, tên lửa hành trình tấn công mặt đất BGM-109 Tomahawk và tên lửa chống ngầm RUM-139 VL ASROC.

Mặc dù có thể tích hợp tên lửa chống hạm tầm xa LRAM lẫn tên lửa Tomahawk, nhưng vì bị giới hạn bởi các hiệp ước hạn chế vũ trang mà khu trục hạm mang Hyuga hiện chỉ sử dụng vũ khí phòng thủ.

Trong 16 ống phóng thẳng đứng Mk 41, 4 ống phóng được sử dụng cho 16 tên lửa phòng không tầm trung RIM-162 ESSM (4 tên lửa trong mỗi bệ phóng) đi kèm với 12 tên lửa chống ngầm RUM-139 VL ASROC ở các ống còn lại.

Trong khuôn khổ cuộc diễn tập quân sự Vành đai Thái Bình Dương - RIMPAC 2018 đang diễn ra ở Hawaii, chiếc Ise thuộc lớp Hyuga đã trình diễn màn phóng tên lửa hiếm hoi với đạn đánh chặn RIM-162 ESSM.

Với dàn vũ khí như trên, "khu trục hạm mang trực thăng" Hyuga của Nhật Bản được so sánh như "tuần dương hạm hạng nặng mang máy bay" Đô đốc Kuznetsov của Nga, trong khi thực tế cả hai đều là tàu sân bay.

Nhiều chuyên gia quân sự dự báo rằng thời gian tới đây Hải quân Nhật Bản sẽ có thay đổi cơ bản, theo đó sẽ trang bị cho tàu Hyuga cả tiêm kích F-35B lẫn tên lửa tấn công cho bệ phóng Mk 41, khiến nó trở thành phương tiện tác chiến cực kỳ lợi hại.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-tau-san-bay-nhat-ban-khoe-hoa-luc-khong-thua-kem-khu-truc-ham/776073.antd