Tàu Soyuz được thiết kế để đưa phi hành gia trở về an toàn trong mọi điều kiện

Giới chuyên gia khẳng định loạt tàu con thoi Soyuz của Nga, cùng loại với chiếc tàu trong sự cố ngày 11/10, được thiết kế để có thể ngừng sứ mạng và đưa phi hành đoàn trở về Trái đất an toàn trong bất cứ điều kiện nào.

Hình ảnh tàu Soyuz-MS 10 khi được phóng lên không gian. Ảnh: CNN

Hình ảnh tàu Soyuz-MS 10 khi được phóng lên không gian. Ảnh: CNN

Đó là lời khẳng định của ông Roberto Battiston, Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Italy (ASI) sau sự cố trục trặc động cơ tên lửa đẩy của tàu vũ trụ Soyuz MS-10, khiến tàu phải hạ cánh khẩn cấp, hai phi hành gia may mắn an toàn.

“Tàu con thoi Soyuz của Nga là phương tiện duy nhất hiện có thể đưa phi hành gia lên vũ trụ và đưa họ trở về nhà từ Trạm Vũ trụ Quốc tế, và tàu đã làm việc này trong hàng thập kỷ qua. Chúng được thiết kế rất an toàn…. Các bạn hẳn biết tính phức tạp của việc đưa một khoang tàu (với phi hành gia bên trong), vốn được tách rời khỏi động cơ và hạ cánh với sự hỗ trợ của dù. Soyuz được thiết kế để hoàn thành việc trở về này trong mọi điều kiện”, ông Battison nói trong một bài phát biểu qua video ngày 11/10, sau khi xảy ra sự cố.

Trước đó, vào chiều 11/10 (giờ Việt Nam), tên lửa đẩy của tàu vũ trụ Soyuz MS-10, với nhiệm vụ đưa nhóm phi hành gia Mỹ-Nga lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) đã gặp trục trặc với động cơ đẩy trong quá trình cất cánh từ sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan. Sự cố đã buộc tàu vũ trụ hạ cánh khẩn cấp.

Modul chở phi hành gia của tàu Soyuz MS-10 tiếp đất bằng dù sau vụ phóng thất bại. Ảnh: CNN

Module chở phi hành gia của tàu đã tiếp đất thành công, cách Zhezkazgan thuộc miền Trung Kazakhstan 25 km. Bốn chiếc trực thăng cứu hộ đã được cử tới để đón hai nhà du hành Nick Hague và Aleksey Ovchinin. Họ đều trong tình trạng sức khỏe tốt, không bị nguy hiểm.

Chính phủ Nga đã mở cuộc điều tra chính thức để xác định nguyên nhân gây ra sự cố.

Theo nhận định ban đầu của NASA, nguyên nhân vụ phóng thất bại có thể do tên lửa đẩy của tàu vũ trụ đã gặp trục trặc chỉ vài giây sau giai đoạn phân tách đầu tiên, buộc các phi hành gia phải hạ cánh khẩn cấp.

Video tàu Soyuz - MS 10 gặp sự cố khi phóng ngày 11/10:

Soyuz (Liên hiệp) là tàu vũ trụ của Nga dùng để đưa các nhà du hành vũ trụ lên không gian. Trải qua nhiều lần cải tiến, Soyuz đã trở thành loại tàu vũ trụ được sử dụng lâu nhất cho đến nay. Nó đã đưa phi hành gia lên các trạm không gian như Salyut (Pháo Hoa), Mir (Hòa Bình) và hiện nay là Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).

Các tàu Soyuz được phóng lên từ sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan trên tên lửa đẩy Soyuz. Hiện tại luôn có ít nhất một tàu Soyuz trên trạm ISS đóng vai trò như một tàu thoát hiểm cho các nhà du hành vũ trụ trên trạm trong trường hợp xảy ra sự cố.

Tàu Soyuz hạ cánh trên vùng thảo nguyên bằng phẳng của Kazakhstan. Trong suốt hơn 100 lần phóng lên quỹ đạo của mình tính đến nay, ngoài 2 phi hành đoàn thiệt mạng trong 5 năm đầu tiên, không có thêm một thiệt hại về người nào nữa. Các tàu Soyuz đã và sẽ tiếp tục được cải tiến để nâng cao độ an toàn và tin cậy. Nó hứa hẹn sẽ còn được tiếp tục sử dụng trong khoảng thời gian dài nữa của thế kỷ này.

Hình ảnh tàu vũ trụ Soyuz-TMA7

Không gian sinh sống trên tàu Syouz được chia ra 2 phần: module tiếp đất và module quỹ đạo. Module quỹ đạo có hình cầu nằm ở phần đầu của tàu. Module này giúp tăng thêm sự tiện nghi cho các phi hành gia với việc tăng thêm diện tích sinh hoạt trên quỹ đạo. Ngoài ra nó cũng tăng sự an toàn cho phi hành đoàn khi phân cách họ ra khỏi phần ghép nối ở phía đầu khi tàu gặp gỡ và ghép nối vào trạm ISS. Trước khi tàu trở về Trái Đất, module quỹ đạo tách khỏi module tiếp đất và bị đốt cháy hoàn toàn khi đi vào bầu khí quyển.

Trong khi đó, module hạ cánh nằm ở giữa của tàu. Đây là module mà các phi hành gia ở trong quá trình phóng lên, trở về khí quyển và tiếp đất. Module này chứa mọi hệ thống điều khiển và hiển thị của tàu, cũng như các hệ thống hỗ trợ sự sống và các ắc quy sử dụng trong quá trình hạ cánh.

Trên module có dù chính, dù dự phòng và tên lửa dùng để hạ cánh. Trên các ghế có các miếng lót dành riêng cho từng phi hành gia. Các miếng lót này được thiết kế vừa vặn với từng người để đảm bảo một tư thế thoải mái và tiện nghi khi module này hạ cánh xuống đất. Một kính tiềm vọng gắn trên module giúp các phi hành gia có thể nhín thấy mục tiêu kết nối trên trạm hay quan sát Trái Đất bên dưới. 8 vòi đẩy dùng hydrô peroxyt trên phần này của con tàu giúp điều khiển, định hướng cho toàn bộ con tàu suốt quá trình hạ cánh tới khi các dù được bung ra. Hệ thống hướng dẫn, hoa tiêu và điều khiển trên module này điều chỉnh con tàu trong suốt giai đoạn hạ cánh. Đây là phần duy nhất của con tàu trở về được Trái Đất.

Hình ảnh bàn tay của phi hành gia bên trong module tàu vũ trụ.

Ngoài ra trên tàu còn có module thiết bị nằm ở phần sau của tàu và được chia thành 3 gian: Gian trung gian, gian thiết bị và gian động cơ đẩy. Trước khi tàu trở về khí quyển, gian trung gian tách module thiết bị khỏi module tiếp đất, và cũng như module quỹ đạo, module thiết bị đốt cháy khi rơi vào bầu khí quyển.

Thu Hằng/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/tau-soyuz-duoc-thiet-ke-de-dua-phi-hanh-gia-tro-ve-an-toan-trong-moi-dieu-kien-20181012153103973.htm