Tàu tấn công ven bờ thứ hai của Mỹ tới gần tàu thăm dò Malaysia ở Biển Đông

Hôm 12/5, tàu tấn công ven bờ USS Gabrielle Giffords (LCS 10) thuộc lớp Independence của hải quân Mỹ đã hoạt động ở phía nam Biển Đông và gần tàu thăm dò West Capella của Malaysia.

Theo Navy.mil, USS Gabrielle Giffords trở thành tàu tấn công ven bờ thứ hai được hải quân Mỹ điều động tới gần tàu thăm dò West Capella của Malaysia. Trước đó, tàu của Malaysia bị các tàu hải quân, hải giám và tàu cá Trung Quốc đe dọa trong những tháng gần đây dù đang hoạt động bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia.

Tàu tấn công ven bờ USS Gabrielle Giffords của hải quân Mỹ hoạt động gần tàu thăm dò West Capella của Malaysia ở Biển Đông hôm 12/5. (Ảnh: US Navy)

Còn vào ngày 7/5, trong sứ mệnh duy trì tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tàu tấn công ven bờ USS Montgomery cùng tàu tiếp vận USNS Cesar Chavez thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Mỹ cũng đã hoạt động gần tàu thăm dò West Capella.

“Sự linh hoạt và đa năng của các tàu tấn công ven bờ lớp Independence được luân chuyển tới khu vực Đông Nam Á sẽ làm thay đổi cuộc chơi. Giống như hoạt động trước đây của tàu USS Montgomery, hoạt động của tàu USS Gabrielle Giffords nhằm thể hiện rõ năng lực của hải quân Mỹ luôn hiện diện sẵn sàng trong khu vực”, Chuẩn đô đốc Fred Kacher, chỉ huy Nhóm Tác chiến Viễn chinh số 7 nhấn mạnh.

“Không có tín hiệu nào rõ ràng hơn về sự hỗ trợ của chúng tôi trước hoạt động tự do và mở cửa ở Ấn Độ - Thái Bình Dương bằng sự hiện diện thường xuyên của hải quân Mỹ trong khu vực”, ông Kacher nói thêm.

Trong khi đó, Tư lệnh Hạm đội 7 của hải quân Mỹ là Phó Đô đốc Bill Merz cũng tái xác nhận, hải quân Mỹ sẽ bay qua, di chuyển qua và hoạt động trên Biển Đông theo quy định của luật pháp quốc tế vào bất cứ thời điểm nào.

“Các hoạt động hiện diện thường xuyên như của tàu USS Gabrielle Giffords nhằm tái khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục điều tàu và máy bay một cách tự do, theo luật pháp quốc tế và thông lệ hàng hải, bất chấp những yêu sách phi lý hay các diễn biến hiện tại. Mỹ ủng hộ nỗ lực của các đồng minh và đối tác trong việc theo đuổi các lợi ích kinh tế hợp pháp”, ông Merz nói.

Cũng theo ông Merz, hải quân Mỹ duy trì cảnh giác và cam kết tuân theo trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông, tiếp tục đề cao tự do hàng hải, thượng tôn pháp luật, đồng thời chống lại các hành vi cưỡng ép và phi pháp của Trung Quốc.

Trong thời gian gần đây, Mỹ liên tiếp điều động tàu chiến và máy bay thực hiện sứ mệnh đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Trong đó, hồi cuối tháng Tư, ngoài các tàu USS America (LHA 6), USS Bunker Hill (CG 52) and USS Barry (DDG 52), tàu hộ vệ HMAS Parramatta (FFH 154) của hải quân Hoàng gia Australia cũng tham gia cùng đội tàu chiến Mỹ thực hiện cam kết về một khu vực tự do và mở cửa ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Vào thời điểm đó, theo USNI News, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Wu Qian đã lên tiếng chỉ trích hoạt động của các tàu chiến Mỹ - Australia.

Cụ thể, ông Qian nói, “Chúng tôi đặc biệt quan ngại và cảnh giác cao trước những động thái của quân đội Mỹ - Australia. Đôi khi, một số quốc gia nằm ngoài khu vực như Mỹ và Australia thường xuyên tiến hành các hoạt động quân sự ở Biển Đông để tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực. Hành động này không đóng góp vào nền an ninh và ổn định ở Biển Đông và chúng tôi hoàn toàn phản đối việc làm này”.

Trong năm nay, hải quân Mỹ đã 4 lần thực hiện sứ mệnh tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông trong vòng 4 tháng đầu năm. Cả năm 2019, Mỹ tiến hành 8 lần sứ mệnh tuần tra trên Biển Đông.

Ngoài tàu chiến, theo thông báo từ Bộ Chỉ huy chiến lược Mỹ, 4 oanh tạc cơ B-1B cùng binh sĩ Mỹ đã được điều động tới căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam vào ngày 1/5. Không quân Mỹ không nói cụ thể sứ mệnh của 4 oanh tạc cơ B-1B sẽ kéo dài bao lâu. Song hoạt động triển khai 4 máy bay ném bom B-1B tới đảo Guam được thực hiện chỉ sau một ngày hai máy bay B-1 thực hiện chuyến bay qua Biển Đông. Chuyến bay này kéo dài 32 giờ đồng hồ từ căn cứ không quân Ellsworth ở Nam Dakota và là một phần trong hoạt động “phô trương sức mạnh” của quân đội Mỹ trong khu vực.

Đáng nói, hồi tuần trước, Hạm đội 7 cũng ra thông báo về việc 3 tàu ngầm của hải quân Mỹ đã tham gia một đợt huấn luyện chiến tranh hiện đại trên biển Philippines.

Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.

Minh Thu (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/tau-tan-cong-ven-bo-thu-hai-cua-my-toi-gan-tau-tham-do-malaysia-o-bien-dong-62870.html