Tàu thăm dò của NASA lần đầu tiên phát hiện 'động đất' trên sao Hỏa

Tàu thăm dò InSight của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã phát hiện và đo được cường độ của hiện tượng mà các nhà khoa học cho là 'động đất trên sao Hỏa'.

Nếu được xác nhận, đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử, một cơn rung chấn được ghi nhận tại "hành tinh đỏ".

Ngày 24-4, Trung tâm Nghiên cứu động cơ đẩy phản lực (JPL) tại California, Mỹ, cho biết, rung chấn nhẹ được các nhà khoa học đánh giá khả năng là một trận động đất trên sao Hỏa, tương đương với trận động đất 2,5 độ richter trên Trái đất.

Cơn rung chấn được ghi nhận vào ngày 6-4 - ngày thứ 128 của tàu InSight trên hành tinh này. Thiết bị đo địa chấn của tàu, một công cụ đủ “nhạy” để đo được một cơn sóng địa chấn chỉ bằng 50% bán kính của một nguyên tử hydro, đã ghi lại được những hoạt động bất thường này.

Hiện, các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu, kiểm tra dữ liệu để xác định rõ những tín hiệu này bắt nguồn từ đâu. Trong khi đó, nghiên cứu bước đầu cho thấy chúng dường như xuất phát từ bên trong "hành tinh đỏ", chứ không phải do những tác động trên bề mặt.

Trước đó, 3 tín hiệu về những chấn động nhẹ đã được tàu InSight ghi nhận lần lượt vào các ngày 14-3, 10-4 và 11-4 vừa qua. Tuy nhiên, do các cơn rung chấn này có cường độ nhẹ hơn và chưa rõ bắt nguồn từ đâu, nên các nhà khoa học chưa dám chắc đó có thực sự là những trận động đất trên sao Hỏa hay không.

Các chuyên gia bộ phận khoa học hành tinh tại trụ sở NASA ở Washington cho biết, trận động đất trên gây chú ý vì bề mặt sao Hỏa "rất tĩnh" so với Trái đất. Cường độ và khoảng thời gian động đất diễn ra trên "hành tinh đỏ" cũng khớp với số liệu của khoảng vài nghìn trận động đất trên Mặt trăng được các thiết bị đo địa chấn tại đây ghi nhận trong khoảng thời gian 1969-1977. Các tàu Apollo của NASA đã đưa những thiết bị này lên Mặt trăng trong các sứ mệnh trước đây.

Ngày 27-11-2018, tàu InSight đáp an toàn xuống bề mặt sao Hỏa để bắt đầu sứ mệnh kéo dài 2 năm như một tàu vũ trụ đầu tiên được thiết kế để nghiên cứu sự hình thành cũng như thăm dò bên trong "hành tinh đỏ".

Sau khi mất 6 tháng để vượt qua chặng đường dài 548 triệu km, tàu thăm dò này đã xâm nhập khí quyển sao Hỏa với vận tốc trên 19.300 km/h, sau đó giảm tốc độ nhờ lực ma sát, dù và tên lửa hãm để đáp xuống bề mặt sao Hỏa.

Trong 24 tháng hoạt động trên sao Hỏa, tương đương với một năm trên sao Hỏa, tàu InSight (có khối lượng 360kg) sẽ đào sâu xuống bề mặt sao Hỏa khoảng 5m để đo nhiệt độ, đồng thời nghiên cứu mức độ chấn động của bề mặt "hành tinh đỏ" với một thiết bị đo địa chấn.

InSight mang theo những thiết bị tân tiến do một số cơ quan hàng không vũ trụ của châu Âu đóng góp. CNES của Pháp đã mang tới thiết bị cảm biến địa chấn SEIS, trong khi DLR của Đức cung cấp thiết bị đào tự động có thể đào sâu 5m vào trong bề mặt sao Hỏa để đo các dòng nhiệt.

Centro de Astrobiologia của Tây Ban Nha đã thiết kế thiết bị cảm ứng gió trong khi 3 trong số các thiết bị đo địa chấn của InSight cũng được cơ quan hàng không vũ trụ Anh thiết kế và phát triển. Các thiết bị này sẽ góp phần tạo ra một bức tranh 3 chiều về các diễn biến địa chất trên sao Hỏa để các nhà khoa học thêm hiểu biết về những diễn biến trong lòng sao Hỏa và khám phá quá trình hình thành hành tinh này từ hàng tỷ năm trước.

Dự án InSight có chi phí khoảng 1 tỷ USD. NASA cho biết, việc khảo sát địa chất sao Hỏa có thể giúp hiểu rõ hơn nguồn gốc của Trái đất và các hành tinh đá khác trong Hệ Mặt trời cách đây hơn 4 tỷ năm.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/khoa-hoc/933097/tau-tham-do-cua-nasa-lan-dau-tien-phat-hien-dong-dat-tren-sao-hoa