Tàu Trung Quốc và Covid-19 đe dọa 'đấu trường cá' Galapagos

Theo một số ước tính, Trung Quốc có đội tàu đánh cá 'biển xa' gồm 17.000 tàu, tham gia vào các vụ xung đột đánh bắt ngoài khơi Ecuador và Peru.

Ngay phía nam đảo Marchena thuộc quần đảo Galapagos của Ecuador, có một điểm lặn được người dân địa phương gọi là "đấu trường cá".

Ở đó, trong làn nước mát lạnh của Thái Bình Dương, hàng nghìn con cá đủ màu sắc bơi lội tung tăng, tôm hùm thò chiếc râu dài ra khỏi mỏm đá, cá heo sinh con và cá lịch há miệng ra vẻ đe dọa những du khách bơi quá gần.

Charles Darwin đã ghi lại hệ sinh vật phong phú ở những hòn đảo này vào đầu những năm 1800. Trong thời gian gần đây, một mạng lưới không chính thức bao gồm các tàu du lịch và tàu đánh cá địa phương đã hoạt động để bảo vệ khu vực, theo dõi những người có thể gây hại đến món quà của biển này.

Song đại dịch Covid-19 đã khiến hạm đội giám sát không thể ra biển, tạo điều kiện để người ngoài hoạt động.

Đầu mùa hè này, hơn 300 tàu cá Trung Quốc - nhiều tàu được thiết kế để chứa 1.000 tấn sản vật đánh bắt - đã chờ sẵn ở biên giới của khu bảo tồn biển, sẵn sàng đánh bắt trong lúc sinh vật biển di cư về phía nam đến vùng biển ngoài khơi Peru và Chile.

Theo một số ước tính, Trung Quốc có đội tàu đánh cá "biển xa" gồm 17.000 tàu, tham gia vào các vụ xung đột đánh bắt ngoài khơi Tây Phi, Argentina và Nhật Bản trong những năm gần đây. Hiện đội tàu này đang gây ra sự giận dữ tương tự ngoài khơi Ecuador và Peru, hai quốc gia phụ thuộc nhiều vào nghề đánh bắt gần bờ phát triển mạnh.

"Đây là một cuộc tấn công vào tài nguyên của chúng tôi", Angel Yanez Vinueza, Tổng trưởng tổng Santa Cruz (tổng là đơn vị hành chính ở quần đảo Galapagos, tương đương tỉnh), nói.

"Họ đang giết chết các loài mà chúng tôi đã bảo vệ và làm ô nhiễm hệ sinh vật của chúng tôi bằng chất thải nhựa mà họ thả xuống từ trên tàu. Họ đang cưỡng bức Galapagos".

Thiên nhiên hồi phục vì vắng khách du lịch

Đội tàu hầu như không phải là mối đe dọa duy nhất đối với công viên hải dương này, một di sản thế giới của UNESCO.

Do tác động của Covid-19, du lịch đã giảm mạnh - các tàu du lịch neo đậu trong vịnh Academy ở đảo Santa Cruz suốt nhiều tháng, trong khi các cửa hàng và nhà hàng trên đường Avenida Charles Darwin, trục đường chính ở thị trấn Puerto Ayora, đều đóng cửa.

 Du lịch tại quần đảo Galapagos bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch Covid-19. Ảnh: TNS.

Du lịch tại quần đảo Galapagos bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch Covid-19. Ảnh: TNS.

Đại dịch đã vạch trần điểm yếu của mô hình kinh tế phụ thuộc 90% vào du lịch, đồng thời làm nổi bật vẻ đẹp lạ thường và sự xa xôi cách trở của các hòn đảo - cũng như điều kỳ diệu đã mất đi khi hàng nghìn khách du lịch đổ về hệ sinh thái mong manh này mỗi ngày.

Trong chuyến đi đến Galapagos gần đây, một nhóm phóng viên của Los Angeles Times - những du khách duy nhất tham quan công viên bằng thuyền - đã chứng kiến cảnh chim cánh cụt bơi cùng với cá và rùa biển, các loài nhuyễn thể bao phủ vùng nước nông, cá ngừ di cư và cá mập đầu búa lượn lờ ở vùng nước tối hơn, sâu hơn.

Thông thường, các đàn cá heo và cá voi tránh xa bến cảng nhộn nhịp ở vịnh Academy. Song khi các tàu du lịch không còn hoạt động, chúng đang bơi quanh khu vực lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ. Những con bồ nông nâu đang làm tổ trong vách đá và rừng ngập mặn gần đó - cảnh tượng mà Fiddi Angermeyer, 68 tuổi, chủ một cơ sở lữ hành địa phương, cho biết ông đã không nhìn thấy từ khi còn nhỏ.

Tình hình đã khiến các chính trị gia, nhà môi trường và chủ doanh nghiệp tự hỏi làm thế nào khu vực này có thể phục hồi và cung cấp một nền kinh tế sôi động cũng như việc làm cho cư dân, trong khi vẫn duy trì bản chất hoang dã của công viên và giảm thiểu các nhu cầu sử dụng nhiều carbon - máy bay và tàu du lịch quốc tế.

"Giờ nơi này giống như cách đây 30 hoặc 40 năm vậy", Mary Crowley, giám đốc của Ocean Voyages Institute, một tổ chức môi trường ở Sausalito, California, đang vận động không thải nhựa ra đại dương, cho biết. Bà đã đến Galapagos 23 lần kể từ năm 1972. "Sự huy hoàng đó đã trở lại".

Chim cánh cụt trên quần đảo Galapagos. Ảnh: TNS.

Nó cũng cho thấy vai trò quan trọng của du lịch trong việc bảo tồn, bảo vệ công viên: Nếu không có du khách đến các hòn đảo bên ngoài và không có tàu đánh cá địa phương tuần tra vùng biển thuộc công viên, không có ai theo dõi việc đánh bắt trộm hay nhặt rác và nhựa trôi nổi được thải ra từ các đội tàu lớn và đất liền.

Phép toán rất dễ hiểu. "Nếu không có khách du lịch, sẽ không có công viên. Và nếu không có công viên, sẽ không có khách du lịch", ông Angermeyer cho biết.

"Một thành phố" trên biển

Đảo Mosquera không chỉ là một bãi cát và đá nhỏ ngoài khơi đảo Baltra, nơi có sân bay chính của quần đảo Galapagos.

Vào một buổi chiều gần đây, những con sư tử biển con, chim bồ câu Galapagos và cua Sally Lightfoot bò lên những tảng đá hoặc nằm lăn trong cát dưới ánh nắng thiêu đốt ở bờ biển phía nam Mosquera. Sân bay và eo biển ngăn cách các hòn đảo hầu hết thời gian đều im ắng - chỉ có tiếng sóng vỗ và mẹ con sư tử biển trao đổi qua lại.

Song một cuộc đi dạo dọc bờ đá lởm chởm của hòn đảo đã cho thấy một điều gì đó vô cùng đau buồn đối với Fernando Ortiz, hướng dẫn viên công viên, cựu giám đốc khu vực của Tổ chức Bảo tồn Quốc tế: Rất nhiều chai nhựa, giày dép và bao bì thiết bị - được dán nhãn bằng chữ Trung Quốc - bị vứt bỏ lăn lộn trên những mỏm đá.

Anh Fernando Ortiz đi nhặt rác trên đảo Mosquera. Ảnh: TNS.

"Đây là từ những chiếc thuyền đó", Ortiz nói, chỉ tay về phía nam, về phía đường chân trời, nơi đội tàu cá Trung Quốc tập trung cách đó khoảng 200 hải lý. Anh lưu ý đến "độ mới" của các món đồ, với nhãn mác không bị mờ đi do nắng hay nước biển.

Vào tháng 7, hải quân Ecuador đã báo động khi đội tàu này tiếp cận bên ngoài khu vực dài 321 km xung quanh công viên, nơi đánh bắt cá thương mại là bất hợp pháp.

Boris Worm, nhà nghiên cứu tại Đại học Dalhousie ở Canada, người đã nghiên cứu nghề cá cho biết trong nhiều năm, các tàu đánh cá đã đi qua khu vực này với hy vọng tận dụng thành quả của việc bảo tồn - nguồn cá ngày càng phong phú, dồi dào.

Song mùa hè năm ngoái, số lượng tàu đã bùng nổ. Vào cuối tháng 8, một tàu tuần tra của lực lượng Tuần duyên Mỹ đã được gọi đến để giúp hải quân Ecuador tuần tra khu vực.

Thuyền trưởng Brian Anderson, sĩ quan chỉ huy của tàu tuần duyên Bertholf, cho biết Trung Quốc đã đưa đến một tàu chở dầu, cung cấp nhiên liệu cho các tàu khác, cưng như đưa đến các tàu chế biến, nơi các tàu đánh cá có thể đổ những gì đã đánh bắt được rồi tiếp tục ra ngoài quăng lưới.

"Giống như một thành phố", ông nói, lưu ý rằng đội tàu có tất cả những thứ cần thiết để ở trên biển hàng tháng trời mà không cần trở về cảng nhà.

Tàu hải quân Ecuador vây quanh một tàu cá ở Thái Bình Dương. Ảnh: Reuters.

Một số tàu Trung Quốc đã không báo cáo vị trí của họ bằng tín hiệu điện tử, ông nói, và một tàu báo cáo vị trí của nó là Alaska. Song vì không có quyền tài phán tại khu vực và không có gì bất hợp pháp một cách trắng trợn để báo cáo với hải quân Ecuador, lực lượng tuần duyên Mỹ chỉ có thể theo dõi, ông nói.

Về phần mình, Trung Quốc cho rằng họ "không khoan nhượng" đối với việc đánh bắt cá trái phép. Trong một tuyên bố ngày 23/7, Đại sứ quán Trung Quốc tại Quito cho biết Bắc Kinh tôn trọng các biện pháp bảo vệ môi trường và bảo tồn tài nguyên biển của Ecuador.

Tuy nhiên, John Serafini, giám đốc điều hành một công ty phân tích dữ liệu thương mại và quốc phòng có trụ sở tại Virginia, cho biết nghiên cứu của công ty ông - dựa vào tần số vô tuyến và hình ảnh vệ tinh để xử lý chuyển động - cho thấy nhiều tín hiệu đáng ngờ đến từ bên trong khu vực trong mùa hè này.

Vào năm 2017, một tàu đánh cá của Trung Quốc bị chặn ngoài khơi Galapagos chở 300 tấn cá, trong đó có hàng chục nghìn con cá mập bị đánh bắt trái phép.

Tổng trưởng Vinueza cho biết sự hiện diện liên tục của đội tàu là cuộc tấn công đối với công tác bảo tồn và sinh kế của cư dân, đặc biệt là trước sự tàn phá về kinh tế mà công viên hải dương này đang phải gánh chịu.

Tìm sự cân bằng

Vào tháng 8, hàng trăm cư dân Santa Cruz đã xuống đường để phản đối đội tàu đánh cá - lo lắng rằng đội tàu này đang làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, có khả năng tạo ra thêm một lý do để du khách không quay trở lại.

Vào ngày 24/9, một chuyến bay thương mại từ Guayaquil đến đảo Baltra chỉ có chín hành khách. Mặc dù Avianca Airlines đã từng có các chuyến bay hàng ngày đến hòn đảo, họ đã giảm xuống chỉ còn hai hoặc ba chuyến một tuần.

Việc thiếu khách du lịch rõ ràng đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp dựa vào họ, cũng như ngư dân và nông dân cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho ngành.

Tình trạng khan hiếm khách du lịch cũng ảnh hưởng đến công viên, nơi phụ thuộc vào 100 USD phí vào cổng với mỗi du khách. Số tiền này cung cấp tài chính để bảo vệ, bảo tồn, duy trì và thực thi. Hơn 97% diện tích Galapagos thuộc phạm vi công viên được bảo vệ; phần còn lại là thổ cư.

Cư dân trên đảo Santa Cruz phản đối tàu cá Trung Quốc năm 2017. Ảnh: AFP.

Vào ngày 24/9, công viên đã thu được 1.240 USD từ phí du lịch tại hai sân bay của hòn đảo - chỉ bằng 4% so với mức thu cùng ngày năm ngoái, Norman Wray, chủ tịch Hội đồng Chính quyền Galapagos, cho biết.

"Chúng tôi không thể để mọi thứ tiếp tục như thế này", ông Wray nói về tình trạng thất nghiệp nghiêm trọng và vắng bóng du khách ở các hòn đảo. Để cố gắng chống lại điều đó, Wray và những người khác đang nhấn mạnh sự an toàn của các hòn đảo và mức độ nghiêm túc của họ trong việc ứng phó với đại dịch.

"Hãy nhìn xung quanh bạn", ông Vinueza nói, "ở đây an toàn. Chúng tôi có các quy trình nghiêm ngặt. Chúng tôi sẽ không để virus xâm nhập".

Cần phải có bằng chứng cho thấy xét nghiệm PCR âm tính với Covid-19, được thực hiện trong vòng 96 giờ trước khi đến Galapagos, để nhập cảnh. Điều đó nghiêm ngặt hơn yêu cầu để được vào Ecuador, vốn yêu cầu xét nghiệm PCR virus corona được thực hiện trong vòng 10 ngày trước khi đến.

Có vẻ như ai nấy ở Puerto Ayora đều đeo khẩu trang, và tất cả cơ sở kinh doanh đều yêu cầu khách xịt tay và đế giày bằng cồn trước khi vào cửa. Các tàu thậm chí còn xịt cồn vào tay của những người lặn biển vừa nổi lên mặt nước trước khi cho họ trở lại tàu.

"Chúng tôi chỉ không thể quá cẩn thận", Ortiz, người làm việc trên tàu của ông Angermeyer, The Passion, cho biết. "Và điều quan trọng là mọi người biết chúng tôi coi trọng căn bệnh này như thế nào".

Tuy nhiên, có cảm giác rằng đại dịch có thể đã thay đổi nền kinh tế du lịch ở quần đảo mãi mãi - và ở một số khía cạnh, ông Wray nói, điều đó có thể tốt hơn.

Ông lưu ý rằng cáp băng thông rộng đang được đặt dọc theo đáy đại dương, giúp sớm kết nối các hòn đảo với internet tốc độ cao. Việc này tạo điều kiện để một trung tâm nghiên cứu công nghệ cao, chẳng hạn như Google hoặc Amazon, có thể di dời hoặc thành lập các văn phòng vệ tinh trên các hòn đảo.

Để công viên tồn tại và động vật hoang dã phát triển, tương lai của du lịch trên đảo và trong khu vực phải thay đổi, ông Wray nói.

Ông cho biết, mặc dù đại dịch và đội tàu đánh cá Trung Quốc gây ra những mối đe dọa, việc này đã giúp các lãnh đạo công viên có cơ hội xem xét các mô hình bền vững hơn cho Galapagos và hệ động thực vật mà khách du lịch đến xem.

"Chúng tôi không thể tồn tại nếu không có chúng", ông nói. "Nhưng chúng ta cần tìm sự cân bằng".

Đông Phong
Theo AP

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tau-trung-quoc-va-covid-19-de-doa-dau-truong-ca-galapagos-post1145743.html